TOÀN CẢNH: Cuộc cứu hộ vụ sập hầm thủy điện tại Lâm Đồng

19/12/2014 09:00 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Thông tin ban đầu: Khoảng 7 giờ sáng ngày 16/12, trên công trình thủy điện Đa Dâng – Đachơmo thuộc địa bàn thôn Păng Tiêng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) xảy ra một vụ sập hầm khiến 11 người bị mắc kẹt. Vị trí sập cách miệng hầm khoảng 300 – 500m.  

Theo Ban chỉ huy công trình, có khoảng 12 công nhân hiện đang bị mắc kẹt bên trong.

Phía ngoài hiện trường vụ sập hầm. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Ngay lập tức lực lượng cơ giới tham gia cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Đến gần 20 giờ ngày 16/12, lực lượng cứu hộ đã khoan thông suốt qua lớp đất đá và liên lạc được với các nạn nhân trong vụ sập hầm. Máy phát điện, đèn chiếu sáng được huy động đến hiện trường phục vụ công tác cứu hộ . Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Ngay sau khi xuyên qua lớp đất đá, đội cứu hộ sẽ đưa ống dẫn ôxy, thức ăn vào bên trong cho nhóm công nhân. Sau đó, phương án tiếp theo sẽ mở rộng lỗ hổng, gia cố thêm và đưa ống sắt vào trong để các nạn nhân thoát ra. Trong ảnh: Bên trong đường hầm, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực dùng máy móc thiết bị mở rộng lỗ hổng để đưa nạn nhân ra ngoài. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Lực lượng cứu hộ đưa ống dẫn khí vào trong đường hầm. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Suốt đêm 16/12, công tác cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt bên trong đường hầm bị sập tại công trình thủy điện Đa Dâng – Đachơmo được tiến hành khẩn trương. Các nhân viên cứu hộ chuẩn bị vật liệu gia cố đường hầm. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Lương thực và sữa được chuyền qua ông thông hơi cho những công nhân mắc kẹt. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt qua đường thông hơi. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 17/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có mặt tại hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng- Đa Chomo để chỉ đạo công tác cứu hộ, xử lý vụ việc. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng cứu hộ tập trung toàn lực, ưu tiên số 1 cho việc giải cứu toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt phía bên trong hầm. Đến thời điểm này, công tác cứu hộ vẫn đang được các lực lượng chức năng gấp rút triển khai. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương đã cử một đội thuộc Trung tâm cứu hộ mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đến hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Trong khi đó, lực lượng y tế cũng đặt một trại dã chiến tại hiện trường và đưa thêm thuốc men, dụng cụ y tế để sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Tập trung phương tiện phục vụ công tác cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Dựng lán dã chiến phục vụ cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Cảnh phía trước miệng hầm, nơi đặt ban chỉ huy cứu hộ. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Các thiết bị được tăng cường. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt động viên người nhà nạn nhân tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Chiều 18/12/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường vụ sập hầm để kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn 12 nạn nhân. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát hiện trường. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

Đến sáng 19/12, thông tin mới nhất ghi nhận được từ hiện trường là đường hầm sẽ có thêm lỗ thông mới để thông hơi, thoát nước cho khu vực hầm nơi có 12 công nhân đang bị mắc kẹt. Trong đêm 18/12, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tập trung cho mũi khoan từ phía sau hầm - phía hạ lưu, vốn gặp khó khăn trước đó do cấu tạo địa chất yếu. Đến 6 giờ ngày 19/12, mũi khoan này đã vượt qua lớp đất đá gần 60m, theo lực lượng cứu hộ thì chỉ còn vài mét nữa là tới được vị trí đoạn hầm có các nạn nhân. Mũi khoan này cũng có đường kính 6 cm, như 3 mũi khoan từ phía trước cửa hầm đã thành công trong các ngày trước đó, sẽ giúp thông hơi và thoát nước tốt hơn. Đặc biệt, đây là phía hạ lưu nên nước ngập bên trong sẽ được thoát nhanh ra ngoài sau khi khoan thành công.


P.V - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm