Đại họa động đất ở Nhật Bản: Nguy cơ thảm họa hạt nhân

13/03/2011 11:08 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong khi chưa hết bàng hoàng vì những thiệt hại ghê gớm do trận động đất mạnh 8,9 độ Richter và cơn sóng thần khổng lồ theo sau nó tạo ra, người dân Nhật Bản lại đứng trước khả năng phải đối diện với một thảm họa mới, hình thành từ việc một nhà máy phát điện hạt nhân đã bị động đất gây hư hỏng nghiêm trọng.

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản hôm 12/3 đưa tin 4 người đã bị thương trong một vụ nổ xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi nằm ở tỉnh Fukushima.

Vụ nổ ở lò phản ứng hạt nhân số 1

Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị điều hành nhà máy này, cho hay vụ nổ xảy ra vào khoảng 3h 36 phút chiều. Ban đầu có tin nổ ở lò phản ứng số 1 của nhà máy bởi trước đó Cơ quan An toàn Công nghiệp và Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (NISA) nói rằng từ 11h20 phút sáng, các thanh nhiên liệu hạt nhân trong lò đã nằm trên mực nước làm mát, với chỗ cao nhất lên tới 90cm. Hãng truyền hình NHK còn cho biết một số bức tường của nhà chứa lò phản ứng số 1 đã bị vỡ tan sau vụ nổ.

Hình ảnh Nhà máy điện Fukushima Daiichi trước khi thảm họa xảy ra

Tuy nhiên trong cuộc họp báo khẩn cấp ở Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano nói rằng lớp vỏ bọc thép chứa lò phản ứng vẫn nguyên vẹn. Vụ nổ chỉ phá phần nóc và một số bức tường bao bên ngoài lớp vỏ bọc này. Hoàn toàn không có hư hại nào đáng kể xảy ra đối với lò phản ứng số 1.

Fukushima Daiichi là một trong số các nhà máy điện hạt nhân bị hư hại lớn do trận động đất kinh hoàng mạnh 8,9 độ Richter xảy ra một ngày trước đó tại Nhật Bản. Theo Tepco, vào lúc 2h46 phút chiều ngày 11/3, các lò phản ứng số 1,2 và 3 ở Fukushima Dai Ichi đã ngừng hoạt động, ngay khi động đất xuất hiện. Các lò này không chạy vì động đất phá hỏng nguồn điện tại chỗ, vốn cấp năng lượng cho hệ thống làm mát lò.

Ngay sau đó, các máy phát điện diesel được kích hoạt và cung cấp nguồn điện phụ cho nhà máy. Tuy nhiên những đợt sóng thần tới sau động đất đã tiếp tục khiến các máy phát điện diesel bị hỏng, qua đó làm cho các lò 1,2,3 rơi vào cảnh không có điện để làm mát. Tepco đã buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời cử kỹ sư tới Fukushima Daiichi để xử lý sự cố. Khoảng 27.000 lít nước, gồm nước cứu hỏa, đã nhanh chóng được bơm vào lò phản ứng qua các máy bơm tạm thời.

Nhưng tới sáng ngày 12/3, Tepco thông báo mất khả năng kiểm soát áp suất ở lò phản ứng số 1 và số 2. NISA đã yêu cầu Tepco phải xả bớt hơi nước có phóng xạ ra khỏi lò phản ứng để giảm áp suất. Tuy nhiên vấn đề mới đã nhanh chóng xuất hiện.

“NISA xác nhận rằng các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng đã tan chảy một phần” - tiến sĩ Tatsujiro Suzuki, Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản cho hãng tin ABC biết - “Câu hỏi là liệu tình hình có tệ hơn hay không. Có tin rằng mực nước trong lò đang giảm (tin xấu) nhưng áp suất trong nhà chứa lò cũng giảm theo (tin tốt). Vì thế, các nỗ lực ngăn chặn việc lò tan chảy bằng cách bơm thêm nước có thể hoạt động hiệu quả. Cũng cần phải nói thêm rằng lượng phóng xạ thoát ra ngoài vẫn còn nhỏ nên công chúng chưa cần phải quá quan ngại trong giai đoạn hiện tại”.

Thảm họa nếu xảy ra còn tồi tệ hơn vụ Chernobyl

Theo các chuyên gia, nếu vấn đề nước làm mát cho lò phản ứng không được giải quyết, Nhật Bản sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng. “Tình hình đang hết sức nguy hiểm” - Joseph Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares và là một chuyên gia về an ninh quốc gia và chính sách quốc tế đánh giá - “Nếu mực nước tiếp tục tụt xuống và các thanh nhiên liệu không có nước làm mát lâu hơn, khả năng tan chảy lò phản ứng sẽ xảy ra”.

Khói bốc lên từ Fukushima Daiichi sau vụ nổ

Cirincione nói rằng dù Fukushima Daiichi đã ngừng hoạt động nhưng các lò phản ứng của nó vẫn tiếp tục chạy và cần phải được làm mát liên tục. Khi nước làm mát cạn kiệt, các thanh nhiên liệu sẽ bắt đầu nóng lên và bị hư hại. Nếu các thanh nhiên liệu hư hại, chúng sẽ thải phóng xạ vào nước làm mát và ra môi trường bên ngoài.

Khi nhiệt độ tăng lên quá cao, cấu trúc thép giữ lò phản ứng sẽ bị nung chảy, kế tiếp là lớp sứ giữ các thanh nhiên liệu uranium. Cả đống nóng chảy đó sẽ đổ ập xuống sàn nhà chứa lò phản ứng. Nếu công trình nguyên vẹn, nó sẽ ngăn chặn không cho phóng xạ thoát ra bên ngoài. Nhưng nếu công trình bị hư hại thì Cirincione dự báo chúng ta sẽ chứng kiến một sự rò rỉ phóng xạ vô cùng lớn.

“100% khả năng chất Cesium- 137 có trong lò phản ứng sẽ bốc cháy khi gặp nước. Khói của nó sẽ bay xa theo gió” - Kevin Kamps, một chuyên gia về chất thải hạt nhân ở tổ chức Beyond Nuclear chuyên chống vũ khí và năng lượng nguyên tử đánh giá - “Nếu dựa vào một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân đang hiện diện trong lò phản ứng, mức độ phóng xạ do sự cố tạo ra sẽ tồi tệ hơn cả vụ Chernobyl cách đây 25 năm”.

Tình hình tạm thời trong vòng kiểm soát

Hiện chính phủ Nhật Bản đã tăng cường lệnh sơ tán dân chúng ở quanh nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, người dân sống trong vòng bán kính 20km của Fukushima Daiichi sẽ phải rời khỏi nơi ở.

Trước đó, lệnh sơ tán chỉ dành cho những người sống cách nhà máy 3km và truyền hình địa phương cũng chỉ cảnh báo người dân ở trong nhà, tắt điều hòa nhiệt độ, không uống nước máy thẳng từ vòi còn những người đang ở ngoài đường được cảnh báo che chắn kín cơ thể và dùng khăn ướt che mũi.

Nỗ lực ngăn chặn thảm họa của nhà chức trách đã bắt đầu phát huy tác dụng, với mức phóng xạ bao quanh nhà máy đã giảm nhanh, sau một thời gian ngắn tăng lên.

Theo giới chức tỉnh Fukushima, nồng độ phóng xạ ở nhà máy đã đạt mức 1,015 microsievert trước khi vụ nổ xảy ra và mức này không gây hại sức khỏe cho đại bộ phận dân chúng. NISA cũng xác nhận rằng các biện pháp ngăn chặn đã bước đầu có tác dụng.

Tuy nhiên Dave Lochbaum, giám đốc dự án an toàn năng lượng nguyên tử ở Hiệp hội Các vấn đề nhà Khoa học quan tâm (UCS) đã khuyến cáo các nhà điều hành Nhật Bản vẫn nên khẩn trương kết nối với mạng điện, sửa chữa máy phát điện diesel khẩn cấp hoặc cần thiết là dùng các bộ ắc quy để tái khởi động hệ thống làm mát lò phản ứng, qua đó ngăn chặn triệt để khả năng xảy ra thảm họa hạt nhân.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm