NSND Lê Tiến Thọ - Cuộc hành hương đến với tuồng

31/12/2020 17:56 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Tôi biết NSND Lê Tiến Thọ từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi theo dì cùng Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) biểu diễn ở Rạp Hồng Hà. Những vai diễn của anh luôn đáng nhớ.

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Trần Lực - người làm 'trở gió' sân khấu kịch

Sớm bén duyên điện ảnh nên Trần Lực đến với sân khấu có phần hơi muộn. Nhưng tôi lại nghĩ sân khấu đã ngấm vào máu Trần Lực từ vành nôi gia đình, để rồi chỉ có dịp là “quẫy cựa” tưng bừng.

1. NSND Lê Tiến Thọ sinh ngày 15/5/1951 tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tôi được nghe anh nói về người mẹ xứ Thanh của mình với niềm xúc cảm thiêng liêng: “Bà đã làm nên bước ngoặt đời tôi. Nếu không có mẹủng hộ, thì tôi không đủ tự tin dám thi tuyển khi văn công về tuyển. Cũng không đủ dũng cảm dám xa cha mẹ và gia đình khi mới 13 tuổi…”.

Là con út trong gia đình có 7 anh chị em, mới 13 tuổi, cậu học trò ngoan, học giỏi, được thầy giáo đặt bao niềm tin, kỳ vọng đã phải có một quyết định không dễ dàng là làm “trái” lời thầy khuyên không nên theo nghệ thuật. Nhưng người mẹ hiền đã quyết định rất nhanh chóng, bởi bà nhận thấy tố chất bẩm sinh của con. “Mẹ thấy con có năng khiếu văn nghệ. Nếu con thích, thì mẹ cho con đi tuyển văn công”. Nhưng lời mẹ dặn cậu con traiquan trọng ở vế thứ hai: “Nhưng con ơi, làm bất cứ việc gì cũng phải có quyết tâm, có ý chí mới thành tài được con ạ”.

Rời quê hương, Tiến Thọ ra Hà Nội học mang theo hành trang là lời dặn của mẹ. Không thể kể xiết 4 năm học (1964 - 1968) vất vả, gian nan, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã đổ. Tiến Thọ đã hoàn thành khóa học tại Trường Sân khấu Việt Nam (sau sáp nhập với Trường Điện ảnh Việt Nam thành Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).Tốt nghiệp loại ưu, Tiến Thọ trở thành diễn viên của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Ngoài theo học các thầy thầy Tuồng giỏi miền Bắc, như: Quang Tốn, Bạch Trà, Ba Tuyên, Lê Bá Tùng, Đoàn Thị Ngà, Ngọc Như… anh còn dày công theo học các thầy Tuồng nổi tiếng Liên khu 5, như: Nguyễn Nho Túy, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Đinh Quả…

So với bạn bè cùng trang lứa, anh hội tụ được cả Tuồng Bắc và Tuồng Liên khu V. Vì thế, xem Lê Tiến Thọ biểu diễn, khán giả thấy cái phóng khoáng bay bổng của nghệ thuật Tuồng miền Bắc, lại có cái nghiêm cẩn, ni tấc của nghệ thuật Tuồng miền Trung.

Chú thích ảnh
NSND Lê Tiến Thọ đọc chúc văn tại Lễ giỗ Tổ Sân khấu dân tộc

15 năm (1969 - 1983) là diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã cho anh nhiều trải nghiệm quý giá. Đây chính là môi trường thuận lợi cho anh thử sức, khổ luyện thành tài. Tiến Thọ đảm nhiệm các vị trí “kép chính, lão văn” trong hầu hết các vở tuồng truyền thống của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Anh xác định đã là diễn viên phải thử sức ở nhiều vai (chính diện, phản diện và kể cả vai quần chúng). Vì quá trình khổ luyện như thế, Tiến Thọ đã vào các vai tuồng truyền thống, như: Triệu Đình Long, Kim Lân, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Tô Vũ, Tư Đồ, Triệu Khuông Dẫn… Cặp đào kép Tiến Thọ - Mẫn Thu đã từng làm khuynh đảo sân khấu tuồng miền Bắcmột thời. Họ cùng nhận danh hiệu NSND năm 1993.

Tiến Thọ tung tẩy, tạo nên những nhân vật lịch sử, huyền thoại trong các vở Tuồng lịch sử, như Trọng Thuỷ, Ông Bảng Trần, Thoát Hoan… Vào vai Trọng Thủy trong vở Tuồng Tình sử Loa thành (Lộng Chương), NSND Lê Tiến Thọ đã hóa thân đầy ấn tượng với đồng nghiệp và ám ảnh khán giả. Lớp Trọng Thủy nhảy xuống giếng tìm Mỵ Châu với những câu thơ xé lòng trước sự phản bội lại lòng tin đầy ám ảnh:Mỵ Châu ơi! Hãy dìu ta xuống đáy giếng sâu/ Mò lấy nghiệp đế vương/ Mò lấy cảnh sang giàu…

Không chỉ vào các vai tuồng truyền thống, lịch sử, NSND Lê Tiến Thọ còn vào các vai trong vở tuồng hiện đại hay hóa thân vào nhiều vai diễn trong các vở kịch nổi tiếng thế giới, nhưÔtenlô, Nhiếp Chính Bang… Anh đã chứng minh rằng sân khấu tuồng không có “vùng cấm”, không “đóng đinh” hạn chế mình chỉ trong các vở Tuồng truyền thống, không giới hạn chỉ đề tài lịch sử trong nước.

2. Tinh thần khổ luyện của anh luôn được bạn bè nhớ ghi, học tập. NSND Hoàng Khiềm (nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam) vẫn còn nhớ chuyện Lê Tiến Thọ “bị mất áo bông”.

Ngày đó, đóng vai võ tướng, vì người quá gầy gò, nên Tiến Thọ thường phải độn thêm áo bông (không phải một mà đến 2 áo). Nhưng trước giờ biểu diễn, Tiến Thọ nhớn nhác tìm mãi trong mớ quần áo đạo cụ không thấy chiếc áo bông đâu. Bạn bè đồng nghiệp lặng người nhìn anh bật khóc…Bao mồ hôi, nước mắt đã chảy trong mỗi vai diễn. Không ít lần, sau mỗi vai diễn hát, múa, nhảy trên sân khấu, Tiến Thọ vắt áo bông ra nước.

Không chỉ biết đến tài năng qua các vai diễn, khán giả, đồng nghiệp còn biết đến Lê Tiến Thọ với vai trò chuyển thể kịch bản và đạo diễn. Trên con đường sự nghiệp thênh thang, mọi người nể trọng anh bởi chính sự hiếu học. Nên không lạ khi đã là diễn viên thành danh, bận rộn những chuyến đi lưu diễn, anh vẫn dành thời gian học đại học.

Là thế hệ có cuốn sách gối đầu giường là Thép đã tôi thế đấy, anh trăn trở với câu nói “Đời người chỉ có một, phải sống làm sao để không phải hối tiếc vì những năm tháng sống hoài sống phí”. Với ý thức tạo nền tảng học vấn vững chắc, Lê Tiến Thọ quyết tâm thi vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thì ra quyết định học văn xuất phát từ lời khuyên của thầy Nguyễn Lộc và sau là thầy Hà Minh Đức sau khi xem những vở anh diễn và đạo diễn. GS Hà Minh Đức nhỏ nhẹ nói: “Anh quả thực rất có tài. Nếu học ngữ văn sẽ có thêm kiến thức hỗ trợ nghệ thuật cho anh”.

Nghe lời khuyên của thầy, Lê Tiến Thọ quyết tâm ôn thi. Không phụ công người giàu ý chí, năm 1986 anh đã trở thành sinh viên Khoa Văn của trường. Sau 4 năm đèn sách theo thầy, năm 1991 anh đã tốt nghiệp mang theo lưng vốn kiến thức nền tảng chắc chắn.

Chú thích ảnh
NSND Lê Tiến Thọ đóng vai Kim Lân, vở “Sơn hậu”

Anh thầm cảm ơn thầy đã định hướng cho anh. Văn chương đã cung cấp cho Tiến Thọ sự hiểu biết sâu rộng văn học trong và ngoài nước và điều quan trọng đã góp phần bồi dưỡng cho anh khả năng cảm thụ tác phẩm, rung cảm nghệ thuật, tư duy sáng tác để Lê Tiến Thọ không chỉ diễn mà còn đảm nhiệm nhiều vai trò: Đạo diễn, sáng tác kịch bản.

3. Ở tuổi 30 (năm 1984), Lê Tiến Thọ trở thành NSƯT trẻ tuổi nhất cùng với những nghệ sĩ gạo cội được Nhà nước phong danh hiệu nghệ sĩ đợt đầu. Chỉ 9 năm sau (1993), NSƯT Lê Tiến Thọ vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu NSND. Trong 39 nghệ sĩ được phong đợt này, anh cũng là một nghệ sĩ trẻ tuổi nhất làng sân khấu cùng các bậc “lão tướng”, như: Trần Bảng, Tào Mạt, Trọng Khôi, Mẫn Thu, Đàm Liên…và cùng sánh với các bậc “lão tướng” ở nhiều lĩnh vực khác, như: Nguyễn Văn Thương, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Huy Thành, Nguyễn Văn Thông, Tường Vy, Lê Dung…

Năm 2012, NSND Lê Tiến Thọ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với vai trò đạo diễn hai vở Tuồng: Lý Chiêu Hoàng và Dũng khí Đặng Đại Độ.

Nghệ thuật là kết quả của lao động sáng tạo. Mới thấy từ khi khởi nghiệp cho đến giờ, cuộc đời ông minh chứng cho sự sáng tạo ấy. Với ông, không có “vùng cấm”, không có “ngoại biên”. Mọi cái đều có thể. Khi đang học Trung cấp, anh tiếp thu tinh thần truyền dạy của thầy cô để tìm ra cái mới. Khi là diễn viên, anh luôn trăn trở, nghĩa suy để đưa nghệ thuật tuồng tiếp cận với đề tài hiện đại. Một trong những thành công của nghệ thuật tuồng nói chung, Nhà hát Tuồng Việt Nam nói riêng khi dàn dựng biểu diễn vở tuồng hiện đại: Hoàng hôn đen (tác giả: Trần Phùng, kịch bản tuồng: Lê Tiến Thọ).

Những kinh nghiệm, tâm huyết với nghệ thuật tuồng đã được NSND Lê Tiến Thọ gửi vào những cuốn sách Nghệ thuật biểu diễn Tuồng truyền thống, Dưới ánh đèn sân khấu và Những vai diễn của NSND Lê Tiến Thọ nhân nửa thể kỷ gắn với sân khấu (1964 - 2014)…

(Còn nữa)

“Bộ sưu tập" giải thưởng sân khấu

Tài năng của Lê Tiến Thọ được ghi nhận bằng “cơn mưa” giải thưởng qua các Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc: 10 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc. Ngoài ra, ông còn nhận giải thưởng đặc biệt xuất sắc đạo diễn vở tuồng Lý Chiêu Hoàng (1996), giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh (1999), giải thưởng Đào Tấn của tỉnh Bình Định (2002), giải thưởng Văn học nghệ thuật đạo diễn tác phẩm Nước non cửa Phật (2016); giải B cho đạo diễn, tác giả (Giải thưởng các tác phẩm sân khấu, 2017 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP. Hồ Chí Minh)…

Duyên với điện ảnh

Với nghệ thuật điện ảnh, Lê Tiến Thọ cũng là một gương mặt sáng giá từng để lại nhiều ấn tượng qua những vai: Vua Minh Mạng trong bộ phim Minh Mạng”; vai Bảng Trần trong phim sân khấu Thanh gươm cô đô đốc” vai cán bộ trong phim Đông Dương của Cộng hòa Pháp.

 

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm