Xung quanh vụ thảm sát ở Mỹ: Giả danh nạn nhân, lừa đảo trắng trợn

23/12/2012 06:16 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Gia đình Noah Pozner đang đau buồn than khóc trước cái chết của đứa trẻ mới 6 tuổi, một trong 26 nạn nhân bị tay súng điên loạn Adam Lanza hạ sát tại Trường Tiểu học Sandy Hooks. Nhưng nỗi buồn nhanh chóng chuyển thành sự giận dữ. Đó là khi họ nghe tin có kẻ đang nhân danh đứa con đã chết của họ để giả làm từ thiện hòng thu lợi cá nhân. 

Cuối tháng 12 này, gia đình Noah Pozner nghe tin có những kẻ xa lạ đang đứng ra thu thập tiền quyên góp để ủng hộ cho họ. Những kẻ này tuyên bố họ sẽ gửi bưu thiếp, quà tặng và cả tiền tới cho cha mẹ Noah và thân nhân của bé.

Thu lợi trên cái chết của một đứa trẻ

Nạn nhân Noah Pozner

Một trang web kêu gọi ủng hộ trông khá "chính thống" thậm chí đã được lập ra, với tên Noah trong địa chỉ nhận quà ủng hộ. Trang web còn có cả các kiến nghị kêu gọi kiểm soát súng.

Chú của Noah là Alexis Haller đã lập tức gọi cho cảnh sát, đề nghị họ tìm kiếm "những kẻ ti tiện" kia. "Những tên lừa đảo đó, chúng đang ăn cắp từ các gia đình nạn nhân đã vướng vào thảm kịch kinh hoàng này" - ông nói

Gia đình Noah Pozner tình cờ phát hiện về hoạt động lừa đảo này, khi một người bạn của họ nhận được thư kêu gọi quyên tiền tặng cho gia đình. Lá thư được viết rất lủng củng, nhưng vẫn cung cấp thông tin chi tiết về Noah, đám tang của cậu bé và hoàn cảnh gia đình. Lá thư đã hướng dẫn người ta gửi quà và tiền quyên góp tới một địa chỉ ở Bronx và nhà Pozner chưa từng biết về nơi này.

Thư cũng nêu ra một số điện thoại ở New York để người ta nhắn tin đặt câu hỏi về cách thức quyên góp. Khi một phóng viên hãng tin AP nhắn tin vào số này, một lời nhắn đã gửi trả lại, khuyên người ta nên đóp góp tiền cho tổ chức United Way.

Ngay sau khi phát hiện vụ lừa đảo, gia đình Pozner đã đề nghị chính quyền can thiệp để chuyển quyền điều hành trang web noahpozner.com về tay họ. Cô của Noah là Victoria Haller đã viết thư gửi cho người đầu tiên ghi danh đăng ký trang web kể trên. Nhân vật này đã trơ trẽn nhắn lại rằng anh ta "chỉ muốn tôn vinh Noah và giúp tuyên truyền vận động chống lại súng đạn, ngoài ra không có ý xấu nào khác".

Alexis Haller nói rằng những gì xảy ra với gia đình Noah nên là "tín hiệu báo động" với gia đình của các nạn nhân khác. "Chúng tôi kêu gọi mọi người cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo kiểu này đang xuất hiện trên nhiều trang mạng xã hội" - ông nói.

Các nhóm bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan công tố bang và cảnh sát bang cũng đã kêu gọi người dân cảnh giác với các đề nghị quyên góp qua điện thoại hay thư điện tử. Theo họ, người dân phải cẩn trọng với những kẻ gọi tới nhà họ để xin tiền từ thiện, nhưng lại không muốn tiết lộ việc chúng đang làm việc cho tổ chức nào, thể hiện sự gấp gáp một cách phi lý và nhiều yếu tố nghi vấn khác.

Những kẻ vô lương tâm chuyên “hút máu” đồng loại

Có một thực tế là các tay lừa đảo rất ưa thích các thảm họa, coi đây là mảnh đất màu mớ để kiếm ăn. Chúng lợi dụng lòng tốt của những người sẵn lòng giang tay giúp đỡ đồng loại, nhưng lại không nắm rõ việc nên gửi tiền cho ai, hoặc gửi tiền nhằm phục vụ hoạt động từ thiện cụ thể nào.

Đôi khi lừa đảo xuất hiện dưới hình thức các tổ chức từ thiện trá hình, kêu gọi người ta quyên góp nhưng tiền, hàng đổ về chắc chắn sẽ không tới tay nạn nhân.

Với các thảm họa thiên nhiên, những kẻ lừa đảo sẽ tìm cách lấy tiền cứu trợ của Chính phủ, dù chúng không thuộc diện được hưởng. "Đây là hoạt động hết sức kinh tởm, một dạng trộm cắp đê tiện nhất" - Ken Berger, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Charity Navigator, cơ quan đánh giá hoạt động của các tổ chức từ thiện, cho biết.



Trang web tự tiện nhân danh Noah Pozner để lừa đảo

Ví dụ cụ thể nhất là sau vụ nổ súng tại Trường Trung học Columbine ở Littleton, Colorado làm nhiều học sinh và giáo viên thiệt mạng, những kẻ lừa đảo đã đề nghị người ta quyên góp bằng việc gửi tiền qua thẻ tín dụng để chúng chuyển lại cho gia đình các nạn nhân.

Hay như sau vụ khủng bố 11/9, Hiệp hội Quản lý an ninh Bắc Mỹ đã phải cảnh báo các nhà đầu tư cảnh giác với những lời dụ dỗ họ đầu tư vào cái gọi là "các công nghệ mới chống khủng bố" đã xuất hiện nhan nhản trên internet khi đó.

Năm 2006, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã ra cảnh báo về một lá thư điện tử phát tán sau vụ nổ hầm mỏ tại Sago, Virginia. Những kẻ thảo ra lá thư đã giả dạng một bác sĩ đang điều trị cho những người sống sót sau vụ nổ, kêu gọi mọi người quyên góp để giúp họ trả chi phí thuốc men.

"Giống như những bài học đã rút ra sau vụ khủng bố 11/9, thảm họa sóng thần và bão Katrina, những tên tội phạm mạng đã tiến hành nhiều biện pháp thu lợi từ cảm xúc của con người, bằng cách đóng giả những nạn nhân đáng thương nhất, cần giúp đỡ nhất" - FBI đã viết trong cảnh báo được tung ra khi đó.

Mùa Thu này, cảnh sát Aurora, Colorado, đã khởi tố một người phụ nữ địa phương do bà này cố tìm cách thu lợi từ vụ xả súng trong rạp chiếu phim ở đây làm 12 người thiệt mạng. Người phụ nữ này tuyên bố với thiên hạ rằng bà ta đang phải chăm sóc một bé gái tên Kadence, sau khi mẹ của bé bị bắn chết trong vụ thảm sát. Cảnh sát nói rằng đứa trẻ chỉ là sản phẩm tưởng tượng. Vụ lừa đảo bị phanh phui khi một người hảo tâm nhận được cú điện thoại từ người phụ nữ này và ở đầu dây bên kia, cô ta đang giả giọng một đứa trẻ để xin tiền.

Tương tự, khi chính quyền Mỹ đổ tiền ra cứu trợ nạn nhân bão Katrina, nhiều tay lừa đảo đã xin tiền để tái xây dựng nhà cửa, dù họ chưa từng sống ở đây hoặc họ xin tiền trợ cấp cho các thân nhân "ảo", chưa từng tồn tại. Chính quyền sau đó đã phải thành lập “Trung tâm Quốc gia chống gian lận sau thảm họa” để tiễu trừ các hoạt động lừa đảo kiểu này. Trung tâm ban đầu chỉ tham gia quản lý các chương trình cứu trợ bão Katrina, Rita và Wilma, nhưng hiện đã mở rộng ra mọi thảm họa khác.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm