Milan bị loại ở cúp Italy: Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở Seedorf

24/01/2014 20:18 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chiếc phao cứu sinh cuối cùng, Coppa Italia, cũng xì hơi. Thua cả một Udinese không Antonio Di Natale, mùa giải thất bại của Milan càng trở nên thảm hại.

Một Milan “dễ dãi”

Trận thứ hai của Clarence Seedorf trên ghế HLV Milan cùng kịch bản với trận trước đó, gặp Verona. Milan dùng sơ đồ 4-2-3-1, tung ra sân 4 cầu thủ tấn công là Birsa, Kaka, Robinho, Balotelli – hệ thống rất mất cân bằng – và vận hành rất rời rạc. Milan vẫn đá tốt trong 10 phút đầu như trước Verona. Họ áp đảo Udinese bên phần sân đối phương, kiểm soát bóng vượt trội và ghi bàn mở tỉ số, nhờ Mario Balotelli. Nhưng Milan đuối sức những phút sau, và thất bại.

Một HLV lão luyện như Francesco Guidolin chắc chắn nhìn ra điểm yếu của Milan: Clarence Seedorf yêu cầu đội đá tổng lực, đẩy đội hình lên cao và ngay các cầu thủ tấn công cũng phải tích cực tranh chấp. Balotelli vốn lười biếng cũng phải lùi về, mà bàn mở tỉ số mà anh châm ngòi bằng pha đi bóng từ giữa sân, là tiêu biểu. Kaka 31 tuổi cũng phải phòng ngự, và kể cả Robinho không được lười nhác như thói quen. Nhưng tổng lực phòng ngự như vậy cũng là một cách tốt để… bào mòn thể lực cầu thủ.

Không đội bóng nào trên thế giới đá với nhịp độ cao liên tục. Các cầu thủ vốn đã phải cày ải nhiều như Kaka, De Jong, Emanuelson và Robinho, nhanh chóng xuống sức, rồi Milan “chết” từ phản công. Pha dâng cao sút xa ghi bàn của Nico Lopez cuối trận, khi trước mặt là một khoảng trống trải dài từ giữa sân đến vòng cấm địa, tố cáo một Milan quá dễ dãi với đối phương.

Thua, nhưng… chẳng biết trách ai

Bị loại ở cúp Ý nghĩa là cơ hội dự cúp châu Âu mùa sau của Milan coi như hết. Bị loại ở tứ kết giải này, nghĩa là mục tiêu lọt vào chung kết mà BLĐ đặt ra cho đội khi Seedorf lên thay Allegri, không hoàn thành. Nhưng Seedorf vẫn lạc quan, và thực tế, giờ là quá sớm để phán xét sự thành bại của anh, dù các thử nghiệm đã thất bại.

Seedorf đã cố gắng cải tiến chiến thuật của đội, nhưng hơn một tuần chẳng đủ cho một HLV làm gì cả. Thứ nhất: Vấn đề của Milan không nằm ở chiến thuật, thứ người tiền nhiệm Allegri xoay vòng rất nhiều các năm qua. Thứ hai: Chính anh cũng cảnh tỉnh những người mơ mộng rằng đừng trông đợi anh phù thủy. Một tuần chỉ đủ để HLV người Hà Lan nến ra ý tưởng, còn thực hiện thế nào, dựa nhiều vào tài năng từng cá nhân, cũng như sự thấu hiểu lẫn nhau trước đó.

Điểm sáng trong 2 trận qua của HLV Hà Lan là đã giúp đội bóng thoải mái về tinh thần. Chúng ta thấy toàn đội Milan ôm nhau đoàn kết sau trận thắng Verona. Chúng ta thấy tân binh Honda ăn mừng với Robinho, sau khi Mario Balotelli sút thành công quả phạt đền. Đấy là những biểu hiện của sự đoàn kết đáng được thừa nhận, nhất là với đội bóng vừa thay HLV và đang khủng hoảng.

Mục tiêu giúp cầu thủ tìm lại niềm vui chơi bóng của Clarence Seedorf cũng đã đạt được phần nào. Chất lượng lối chơi còn hạn chế, nhưng tinh thần xả thân vì nhau là đáng quý.  Tất nhiên, Milan không thể lấy tinh thần ấy ra làm sức mạnh đối chọi các đối thủ. Nhưng như đã nói, chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở một HLV chưa có bằng cấp, không kinh nghiệm, và như một trang giấy trắng ở công việc mới tinh.

Đó có thể là điều tốt nhất và cũng là tệ nhất với Milan bây giờ: Nếu toàn đội đoàn kết và ngay một cầu thủ bất tuân như Balotelli cũng xả thân vì Seedorf, thì rõ ràng là anh rất có uy. Nhưng là điều tệ, vì ở Milan bây giờ, không biết đổ trách nhiệm cho ai sau các thất bại. Nếu không thể là Seedorf, thì cũng không thể là Emanuelson hay Zapata, những sản phẩm của Allegri. Thôi thì, cố gắng giữ vững tinh thần như vậy, và hy vọng may mắn đứng bên Milan. Giờ chỉ còn Atletico Madrid…


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm