Góc Anh Ngọc: Balotelli, Milan và sự kết thúc không có hậu của một chuyện tình

22/08/2014 06:54 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Tôi không biết các milanista nói riêng và các tifosi nói chung có cảm giác gì khi biết tin Balotelli bị Milan rũ bỏ. Chỉ biết rằng, khi đọc những dòng đầu tiên về sự chia tay ấy, hai cảm giác cùng lúc đan xen nhau giằng xé tôi: buồn, vì rốt cục một lần nữa, những nỗ lực để cùng anh chiến thắng với một đội bóng lại thất bại (đội tuyển Ý đã xây dựng quanh anh, và không thành, Milan cũng thế), và trống rỗng, vì một ngôi sao nữa lại rời Serie A ra đi, khi giải đấu hệt như một sa mạc về các tên tuổi.


Balotelli rời Milan, gia nhập Liverpool.

Mọi chuyện đã kết thúc như nó phải thế, một kết thúc không có hậu, nhưng không ầm ỹ, không gây ngạc nhiên, không khiến cho nhiều người rơi lệ và ầm ầm tuần hành phản đối chống lại quyết định của ban lãnh đạo Milan như đã từng xảy ra với trường hợp của Kaka năm 2009. Không, Balotelli không được yêu như Kaka hay Sheva. Balotelli là một tên tuổi lớn, nhưng không phải là cái tên có thể khiến người ta đau đớn, vật vã và tức giận phản ứng như đã từng vài lần trong quá khứ. Bởi cả hai bên đều hiểu rằng, câu chuyện của họ không thể tiếp tục được nữa và phải chấm dứt, theo một cách mà tất cả đều chấp nhận. Milan có 20 triệu euro từ vụ bán Balo để tìm kiếm thêm những ngôi sao mà họ có thể với tới. Balotelli được giải thoát khỏi những sức ép truyền thông, những gánh nặng tâm lí ở Ý, và tìm đến một chân trời thực ra không mới, bởi Anh quốc chính là nơi anh đã đến, đã thi đấu, đã nếm trải cay đắng và phiền muộn nhiều hơn niềm vui với Man City.

Đấy là một vòng luẩn quẩn của cả hai phía, những người cùng thất bại và chỉ có ông bầu Raiola của Balotelli là chiến thắng nhờ ăn đậm tiền hoa hồng chuyển nhượng, sau khi mối tình Milan-Balotelli trở nên đắng ngắt. Khi đến Milan và được đội bóng anh thổ lộ là yêu thích từ tấm bé ấy giang tay chào đón anh, Balotelli vui sướng giống như một đứa trẻ. 19 tháng sau, sau 54 trận và 30 bàn thắng (nhiều trong số đó là đá phạt đền và phạt trực tiếp hơn là các tình huống bóng sống), anh ra đi cũng không khác gì một đứa trẻ, nhưng buồn bã và sụp đổ. Bởi anh đã không thể chịu được áp lực quá lớn mà người ta dồn lên anh cũng như áp lực bùng nổ từ chính bản thân anh, khi luôn nghĩ rằng, một thanh niên da đen phải nỗ lực bằng 10 người khác để xứng đáng với những gì anh ta có được và luôn xù lông nhím để tự vệ trước mọi lời chỉ trích dèm pha của dư luận sau mỗi lần vấp ngã. Các HLV đã âu yếm và cưng nựng anh. Các tifosi đã từng hát vang tên anh trên khán đài của San Siro. Nhưng họ luôn bị anh phản bội vào lúc người ta cần anh nhất. Berlusconi đã có lí khi mô tả anh là một "trái táo thối" trước khi Galliani đưa anh về Milan.

Sau thất bại của cá nhân Balotelli là thất bại của chính Milan, khi những dự án lớn lao về sức trẻ của họ chỉ tồn tại trên giấy, lúc họ đang chìm trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về bản sắc và dường như đang mất định hướng cho tương lai. Khi đưa Balotelli về, Milan đã từng hy vọng xây lên một đội bóng không chỉ của hiện tại, mà còn của tương lai, với những chàng trai tuổi 20 như anh, El Sharaawy, De Sciglio, Niang hay Saponara. Nửa mùa bóng đầu tiên của anh diễn ra trong hào quang, với những lời ca ngợi tới tấp đổ lên đầu anh sau những màn trình diễn đẹp đẽ. Thế rồi tất cả sụp đổ trong thời gian sau đó, khi số bàn thắng ít hơn số thẻ phạt anh hứng chịu và những dòng tít báo chỉ trích anh nhiều hơn những màn trình diễn ấn tượng trên sân. Bán Balotelli đi là cách duy nhất để Milan thoát khỏi những cơn điên của anh, là một cách để có tiền đầu tư, nhưng cũng là sự khẳng định sự không thành công của họ trong canh bạc này cũng như canh bạc Cassano. Milan cũng đã từng thành công ngắn ngủi với Cassano, để rồi cuối cùng cũng giương cờ trắng bán anh sang Inter, khi những cơn điên rồ của anh tái phát.

Điều đáng nói nhất trong câu chuyện Balotelli, là anh và tất cả những đội bóng đặt niềm tin nơi anh đều sụp đổ khi họ coi anh là ngôi sao lớn nhất và xây dựng lối chơi xung quanh anh. Đội tuyển Thiên thanh của Cesare Prandelli đã thất bại thảm hại ở World Cup 2014 dù vị HLV dày dạn kinh nghiệm coi anh là ngôi sao đầu tàu của một đội tuyển đã có những thăng tiến vượt bậc về trình độ ở EURO 2012 và Confederations Cup 2013. Anh đã đền đáp niềm tin của ông và hàng triệu người Ý bằng một thứ bóng đá nghèo nàn, yếu ớt, nhợt nhạt, điều không thể chấp nhận được với một cầu thủ được coi là thủ lĩnh.

Ở Milan mùa bóng vừa rồi, Balotelli đã phơi bày tất cả những hạn chế của mình khi được coi là một cầu thủ không thể thay thế, một cầu thủ quan trọng bậc nhất trong lối chơi và tinh thần của đội bóng. Trước đó, ở Inter, Balotelli chỉ là một dự bị tiềm năng cho Ibrahimovic. Tại Man City, anh phải chấp nhận cạnh tranh sống còn với những Tevez, Aguero hay Dzeko để có một vị trí. Ở Milan, anh là số 1, là duy nhất, là người mà đội bóng trông chờ và đặt toàn bộ niềm hy vọng vào tài năng và những bàn thắng của anh. Nhưng cuối cùng, họ đã cảm thấy mệt mỏi vì sự yếu đuối về tâm lí, sự thất thường về phong độ và những tác động xấu về mặt hình ảnh anh đã tạo ra cho đội bóng, buộc họ phải đẩy anh đi, khi những giấc mơ chiến thắng với anh trở nên mãi mãi dang dở.

Tất cả những gì tốt đẹp nhất của Balotelli mà chúng ta đã thấy cho đến giờ nằm lại trên đất Ba Lan, ở EURO 2012. Anh cũng không còn được coi là tiền đạo xuất sắc nhất mà nước Ý đang có lúc này. Trên anh đã có Immobile và Giuseppe Rossi. Sự ra đi của Immobile mùa hè này thực ra gây tiếc nuối hơn nhiều chuyến trở lại Anh lần này của Balotelli, khi Milan rũ bỏ anh như đang vứt đi một của nợ. Immobile là một trong số 3 cầu thủ trẻ đã bùng nổ cùng Pescara của HLV Zeman ở mùa 2011/12 ở Serie B thì anh cùng với Verratti đều đã rời bỏ nước Ý. Verratti sang PSG và Immobile sang Dortmund. Chính sự chảy máu những cầu thủ trẻ tài năng của Serie A ra nước ngoài ngày một nhiều, mà Verratti và Immobile là những ví dự tiêu biểu (Immobile cũng là Vua phá lưới Serie A thứ 3 liên tiếp rời bỏ nơi đây ra nước ngoài, sau Cavani và Ibrahmovic) cho thấy sự suy thoái không cưỡng được của giải đấu đã từng có thời là một World Cup thu nhỏ. Điều trớ trêu, đáng buồn và hiếm hoi trong lịch sử, là việc Juventus, đội bóng ba lần liên tiếp đoạt Scudetto, đã không có một chân sút nào của họ trong đội hình dự World Cup vừa rồi. Họ cũng không ngần ngại đẩy đi Immobile, chân sút mà họ cho Torino mượn ở mùa trước, để lấy tiền đưa về một chân sút trẻ không kiếm được vị trí ở Real Madrid, Morata.

Có quá nhiều chuyện buồn tại calcio trong thời gian này. Sau thất bại của đội tuyển Ý ở World Cup, các tifosi trở về với thực trạng đau đớn của một giải đấu đang đánh mất mình. Balotelli rời nước Ý, dù có thể đem đến những tiếng thở phào nhẹ nhõm cho không ít người, cũng là một chuyện không vui, vì Serie A lại đánh mất một tên tuổi lớn khi mà họ tưởng rằng đã có thể giữ được chân con ngựa bất kham ấy. Balotelli bây giờ ra đi, đến một đội bóng khác, nơi mà sức ép và thách thức lên anh không hề nhỏ. Liverpool có phải là một bến đỗ hạnh phúc với anh hay không, thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng tôi tin, hạnh phúc không phải là kết quả, mà là sự lựa chọn. Có người đã nói rằng, "không ai có thể làm cho ta hạnh phúc, nếu như ta không muốn thế. Hạnh phúc chỉ có thể đến từ chính ta". Nếu Balotelli muốn chạy trốn khỏi những phiền muộn và những cơn điên rồ của bản năng để hướng đến hạnh phúc, liệu anh có biết mình sẽ phải làm gì?

Những năm qua, có thể anh đã đi sai hướng để đến con đường hạnh phúc. Đến Liverpool phải chăng là con đường đúng để tìm đến sự bình yên?   

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm