Serie A: Chu kì chiến thắng bắt đầu từ đâu?

04/04/2009 20:15 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần) -  Từ đống đổ nát của thất bại sau những năm chiến thắng huy hoàng, Milan đang muốn xây nên một chu kì chiến thắng mới. Nhưng họ phải bắt đầu từ đâu?

Chu kì chiến thắng mà Ancelotti đã tạo dựng được trong nửa đầu thập niên đầu tiên của thế kỉ 21 được xây nên từ hàng tiền vệ, điều tương tự như Sacchi và Capello đã làm. Chu kì chiến thắng trong những năm 1990 của Juve với Lippi được tạo nên từ sự kết hợp giữa thế hệ những ngôi sao còn sót lại từ thời chủ tịch Boniperti (Del Piero và Vialli) và những cầu thủ mới được mua về (Deschamps và Paulo Sousa).

Như lời Vujadin Boskov, thì chu kì chiến thắng của một đội bóng bắt đầu bằng việc đội bóng ấy giành được một danh hiệu nào đó, và những chiến thắng đến liên tục sau đó. Lịch sử calcio và bóng đá châu Âu đã chứng kiến những đội bóng như thế tỏa sáng rực rỡ trong một giai đoạn ngắn nhất là 3 năm và dài có khi đến cả chục năm với không ít những thăng trầm. Mùa bóng 2008/09 của calcio với cơn bão Mourinho được hy vọng sẽ mở ra một thời kì chiến thắng mới cho Inter, dù trên thực tế, người ta vẫn cần phải kiên nhẫn hơn nữa để đón chào những chiếc Cúp châu Âu. Siêu Cúp Italia đã nằm trong tủ kính của Inter và nếu không có cơn địa chấn nào xảy ra, sẽ có thêm Scudetto mùa này nữa. Đấy là sự mở đầu cho một giai đoạn thắng lợi của Inter những năm qua, và là sự tiếp nối của những năm tháng chiến thắng trước đó dưới thời Mancini.
 
Cũng như Milan, Juventus cần xây lại một chu kỳ chiến thắng mới
 
Massimo Moratti có thể coi những gì sắp đến cùng Mourinho là giai đoạn chiến thắng thứ 2 trong những năm tháng đứng đầu Inter của ông. Thời kì đầu tiên là một loạt những thất bại chỉ được an ủi một cách ít ỏi bằng chiếc Cúp UEFA dưới thời Gigi Simoni (trên băng ghế HLV) và Ronaldo (trên sân cỏ) vào năm 1998. 4 năm của Mancini từ 2004 đến 2008 đầy rẫy những chiến thắng ở giải quốc nội, với 3 Scudetto (một chiếc trên giấy vào năm 2006, năm nổ ra vụ Calciopoli), 2 Cúp Italia và 2 Siêu Cúp Italia. Kết luận: một giai đoạn đáng vỗ tay, nhưng không để lại bất cứ ấn tượng nào ở Cúp châu Âu, lí do để Inter đá đít Mancini và rước về Mourinho.
 

 
Điều mà Moratti mơ ước là làm được những điều kì diệu trên chiến trường châu lục như người cha Angelo của mình đã thực hiện được trong những năm 1960 vinh quang, nhưng để làm được điều ấy, ông chủ của Inter và những người cộng sự của mình cần phải vạch ra một kế hoạch chuyển nhượng và định hướng xây dựng đội một cách rõ ràng cho tương lai, cụ thể, là mùa bóng tới. Bản thân Moratti thừa hiểu, ông không thể cứ mãi xây dựng đội bóng trên những cái tên. Và vì lí do ấy, trên khía cạnh tạo dựng lực lượng và danh tiếng châu Âu, Inter cần phải rút ra được những bài học từ thành công của Milan với Berlusconi trong hơn 2 thập kỉ qua. Làm chủ Milan từ ngày 20/3/1986, Berlusconi đã cùng Milan giành 26 danh hiệu Italia-châu Âu-thế giới trong 3 chu kì chiến thắng và xen kẽ trong đó là những năm tháng thất bại và chuyển giao thế hệ. Đó là chu kì của Sacchi (từ 1987 đến 1991, với 8 danh hiệu, trong đó có 2 danh hiệu trong nước và 6 quốc tế), của Capello (từ 1991 đến 1996, với 9 danh hiệu, thì có đến 7 quốc nội và chỉ 2 quốc tế) và chu kì của Ancelotti (từ 2002 đến nay, với 8 danh hiệu, gồm 3 quốc nội và 5 quốc tế). Thời kì chuyển giao giữa Capello và Ancelotti với Zaccheroni cũng có một Scudetto mùa 1998/99.
 
Paolo Maldini ra đi, mở đường cho cuộc cách mạng ở Milan
 
Thời kì đầu tiên của Berlusconi thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán trên thị trường chuyển nhượng, với 6 vụ mua bán khá đình đám dựa trên tên tuổi của các cầu thủ được đưa về và điều đặc biệt, những người này đến Milan khi còn rất trẻ, điều đáng để Milan bây giờ phải chú ý và học tập. Họ là Roberto Donadoni, đến từ Atalanta, khi mới 23 tuổi; là 2 cầu thủ vừa dự Mexico 1986 với đội tuyển Ý, thủ môn Giovanni Galli, từ Fiorentina, 28 tuổi, và Giuseppe Galderisi, 23 tuổi, từ Verona; là Dario Bonetti, từ Roma và Daniele Massaro, từ Fiorentina, cùng 25 tuổi; là tiền đạo người Argentina Claudio Borghi, 21 tuổi, người mà Berlusconi mê như điếu đổ và Galliani phải hết sức khó khăn mới giật được anh trong cuộc đua tranh cùng Juve.
 
Mùa bóng 1986/87 ấy, với Fabio Capello được đôn lên từ đội trẻ để thay thế HLV cáo già sa cơ Nils Liedhom, Milan kết thúc ở vị trí thứ 5. Mùa ấy, họ bị đội hạng B Parma bởi một HLV có cái tên lạ hoắc là Arrigo Sacchi, người sau đó được Milan đưa về, loại thẳng cẳng ở Cúp Italia,. Những tăng cường ấy được Berlusconi thực hiện để thay thế cho một thế hệ cầu thủ đã kiệt quệ vì tuổi tác và không còn ý chí chiến đấu. Mùa Hè 1987, cuộc cách mạng tiếp tục. Bộ đôi người Anh Wilkins-Hateley được thay thế bởi những cầu thủ đến từ Hà Lan, Gullit và Van Basten. Kết quả của mùa bóng 1987/88 vô cùng mĩ mãn: Milan đoạt Scudetto. Chiến dịch chuyển nhượng mùa hè 1986 thành công. Ngoại trừ Bonetti và Galderisi không chứng tỏ được gì nhiều, Borghi bị Sacchi ruồng bỏ vì ông muốn có Rijkaard hơn, những người còn lại đều trở thành những nhân tố then chốt cho chiến thắng. Điểm chốt lại: để quên đi một thời kì dài thất bại, với việc xuống hạng năm 1982, Milan đã tăng cường tối đa cho hàng tiền vệ và hàng công.
 
Từ năm 1988, năm của Scudetto đầu tiên của triều đại Berlusconi, đến 1996, năm của Scudetto cuối cùng trong tay Capello, hai tuyến trên tiếp tục được tăng cường, bởi triết lí của Berlusconi là tấn công chứ không phải phòng ngự (bởi hàng hậu vệ Milan lúc ấy đã quá xuất sắc). Nhưng không vì thế mà Milan quên hàng thủ. Trên thực tế, chỉ có một tăng cường xuất sắc cho tuyến này trong suốt 8 năm, nhưng đó là chìa khóa của chiến thắng: Panucci. Cựu hậu vệ của Genoa được mua để thay thế Tassotti, trong khi những nhân tố còn lại không đổi: Baresi, Costacurta và Maldini. Họ trở thành khối bê tông đem lại chiến thắng cho Milan trên tất cả các chiến trường trong suốt ngần ấy năm. Sau Tassotti, Panucci ra đi, đến lượt Baresi. Milan đã không tìm kiếm được bất cứ ai thay thế Baresi trong suốt nhiều năm, đã thất bại với việc lấp chỗ trống của anh bằng Vierchowod hay Chamot, cho đến khi đưa Maldini vào đá trung vệ và tìm được Nesta vào mùa Hè 2002.
 

Nhiều nhà viết sử calcio vẫn cho rằng, thành công lớn của Milan trong những năm tháng của thế kỉ 21 vẫn nằm ở tuyến trên, với sự có mặt của Shevchenko, Inzaghi và Kaka, nhưng sự thật là ở chỗ, chu kì chiến thắng của Milan với Ancelotti, bắt đầu từ trận chung kết Champions League mùa 2002/03 ở Old Trafford nằm ở hàng tiền vệ, với sự có mặt của Gattuso (đến từ năm 1999), Pirlo (từ 2001) và Seedorf (từ 2002), cùng sự hỗ trợ thường xuyên của Ambrosini (có mặt liên tục từ năm 1995, trừ mùa 1997/98 được Milan đem cho Vicenza mượn). 6 năm đã qua kể từ ngày ấy, gánh nặng tuổi tác đã và đang đè nặng lên tuyến trọng yếu nhất của Milan. Nhưng cuộc cách mạng mùa Hè này sẽ chưa đụng đến họ, ít nhất là trong vòng 1 năm tới, và chìa khóa cho sự thay đổi của Milan mùa 2009/10 không phải ở hàng tiền vệ hay tiền đạo, mà là ở hàng thủ. Ở đó, người cuối cùng còn sót lại của bộ tứ vệ 20 năm trước, Maldini, sẽ chia tay vào cuối mùa bóng này và sự ra đi ấy chính là bản lề của một quá trình cải tổ quan trọng hệt như thời kì đầu tiên của Berlusconi: Milan phải làm mới từ hàng thủ, với những cầu thủ trẻ theo đúng nghĩa của từ ấy.

Với Juventus, thành công của thời Lippi 1 được bắt đầu khi chu kì chiến thắng của Milan với Capello đóng lại. Mùa bóng 1994/95, Juve kết thúc 8 năm không một danh hiệu quốc nội, thời gian kỉ lục không chiến thắng của họ kể từ sau Thế chiến II, bằng một Scudetto. Mùa sau đó, Milan đoạt Scudetto, Juve được “an ủi” bằng chức VĐ Champions League, nhưng cuộc cách mạng đã được bắt đầu từ đó, với sự hòa trộn giữa những nhân vật cũ của thời chủ tịch Boniperti (Torricelli, Del Piero, Di Livio, Ravanelli, Vialli, Conte...) và những cầu thủ được Moggi đưa về (Padovano, Ferrara, Deschamps, Paulo Sousa...). Trong 4 mùa bóng liên tiếp từ 1995 đến 1998, Juve đoạt 3 Scudetto và có mặt trong 3 trận CK Champions League liên tục, với 1 chiến thắng năm 1996.

Những năm cuối thập niên 1990, là Lazio của Sven Goran Eriksson, với 7 danh hiệu trong 4 mùa bóng. Chu kì chiến thắng được xây từ tuyến giữa (Nedved, Stankovic, Veron, Simeone) và hàng tiền đạo (Mancini, Vieri, Salas). Mùa 2000/01, đến lượt Roma, với sự bổ sung Batistuta và độ chín trong sự nghiệp của Totti. Mùa 2001/02 đến 2003, là thời kì thống trị ngắn ngủi của Juve với thời Lippi 2: có thêm 2 Scudetto, 2 Siêu Cúp Italia và một thất bại ở trận CK Champions League 2002/03. Giai đoạn ấy được xây nên từ hàng thủ và hàng tiền vệ, với sự có mặt của Buffon, Thuram và Nedved, sau đó được tăng cường thêm Cannavaro cho đến khi được củng cố bằng những vị trí trên hàng tiền vệ và tiền đạo (Emerson, Ibrahimovic).

Những nghiên cứu về giai đoạn thành công của các CLB ở Serie A trong các giải quốc nội và quốc tế trong 3 thập niên qua cho thấy vai trò quyết định không chỉ nằm trong tài của HLV, những đầu tư xuất sắc của các ông Chủ tịch, mà phải gắn liền với những tên tuổi siêu sao thượng hạng. Juve chiến thắng những năm cuối 1970 và đầu 1980 không chỉ có sự xuất sắc của Trapattoni mà còn ở sự xuất hiện vào năm 1982 của Michel Platini, Napoli không thể đoạt 2 Scudetto 1987 và 1990 nếu không có Maradona (dù HLV Bianchi và Bigon đều giỏi), Samp không thể chinh phục Scudetto 1991 nếu không đưa về bộ đôi Mancini-Vialli và Roma 1983 không thể đoạt Scudetto đầu tiên sau hơn 4 thập kỉ nếu không trở thành Roma của Falcao, dù được dẫn dắt bởi HLV huyền thoại Liedholm.
 
Đấy là điều mà Parma được đầu tư hàng trăm triệu USD trong những năm 1992 đến 2002 dưới thời chủ tịch Tanzi không thể có được: 11 mùa bóng liên tiếp với 4 danh hiệu châu Âu (2 Cúp UEFA, 1 Cúp C2 và 1 Siêu Cúp châu Âu), cùng với 4 danh hiệu Italia (3 Cúp Italia và 1 Siêu Cúp Italia), nhưng không hề có một Scudetto. Danh hiệu ấy và những chu kì thắng lợi chỉ có được nếu một ngôi sao lớn nào đó được đưa về. Parma đã bỏ ra hàng tấn tiền trong ngần ấy năm, nhưng không có được một siêu sao nào, kể cả Stoichkov, người mà họ đã hết sức mong đợi (nhưng sau đó thất bại) và đó là một lí do khiến họ không thể đoạt Scudetto.
 
Mourinho sẽ mở ra một chu kỳ huy hoàng cho Inter?

Inter đang mở ra một thời kì chiến thắng với Mourinho. Scudetto họ đã có thể mơ đến, vì họ đang có một siêu sao mang tên Ibrahimovic. Nhưng để thắng lợi ở Cúp châu Âu, Ibrahimovic chưa đủ. Inter mùa tới không cần những cái tên mới. Mourinho cần một kế hoạch cụ thể để xây dựng đội bóng cho cúp Châu Âu, chứ không phải là một danh sách gồm những cái tên. Juventus cần cả những tên tuổi lẫn một dự án tham vọng để trở lại đỉnh cao, mà điểm khởi đầu là Scudetto. Còn Milan? Tất cả bắt đầu từ hàng thủ, với việc lấp chỗ trống mà Maldini huyền thoại đã để lại.

Chu kỳ chiến thắng của các đội bóng

Đội bóng Thời kì Danh hiệu

Juve của Trapattoni 1976-1982 6 (4 Scudetto, 1 cúp Italia, 1 Cúp UEFA)

Juve với Platini 1982-1986 7 (2 Scudetto, 1 Cúp Ý, 1 Cúp C1, 1 C2, 1 Cúp Liên lục địa, 1 Siêu Cúp châu Âu, cùng 1 trận CK C1)

Roma của Liedholm 1979-1984 4 (1 Scudetto, 3 Cúp Italia, cùng 1 trận CK C1)

Napoli với Maradona 1986-1991 5 (2 Scudetto, 1 Cúp Ý, 1 Siêu Cúp Ý, 1 Cúp UEFA)

Samp “Mancini-Vialli” 1987-1991 6 (1 Scudetto, 3 cúp Ý, 1 Siêu Cúp Italia, 1 Cúp C2, cùng 1 trận CK C1 và 1 trận CK C2)

Milan của Sacchi 1987-1991 8 (1 Scudetto, 1 Siêu Cúp Ý, 2 C1, 2 Cúp Liên lục địa, 2 Siêu Cúp châu Âu)

Milan của Capello 1991-1996 9 (4 Scudetto, 3 Siêu Cúp Ý, 1 Cúp C1, 1 Siêu Cúp châu Âu, cùng 2 trận CK Champions League)

Juve của Lippi 1 1994-1998 9 (3 Scudetto, 1 Cúp Ý, 2 Siêu Cúp Ý, 1 C1, 1 Liên lục địa, 1 Siêu Cúp châu Âu, cùng 2 trận CK Champions League)

Lazio của Eriksson 1998-2001 7 (1 Scudetto, 2 Cúp Ý, 2 Siêu cúp Ý, 1 Cúp C2, 1 Siêu Cúp châu Âu, cùng 1 trận CK Cúp UEFA)

Juve của Lippi 2 2001-2004 4 (2 Scudetto, 2 Siêu Cúp Ý, cùng 1 trận CK Champions

Milan của Ancelotti 2002-2008 8 (1 Scudetto, 1 Cúp Ý, 1 Siêu Cúp Ý, 2 Champions, 2 Siêu Cúp châu Âu, 1 Liên lục địa, cùng 1 trận CK Champions

Inter của Mancini 2004-2008 7 (3 Scudetto, trong đó có 1 là phán quyết của tòa án, 2 Cúp Italia, 2 Siêu Cúp Ý)
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm