05/02/2019 08:21 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com) - 18 tuổi, Maria Sharapova là VĐV nữ được trả lương cao nhất thế giới. Vị thế này được Masha giữ trong vòng 11 năm, quãng thời gian cô nỗ lực để giành trọn bộ Grand Slam. Tài năng sản sinh ra tiền bạc, và Masha còn được phú cho vẻ đẹp sắc nước hương trời…
Khuôn mặt baby, mái tóc vàng óng, hình thể nổi trội giúp Sharapova được hàng loạt thương hiệu như Canon, Porsche, Nike, Head, Evian... chú ý. Và tiền tài trợ từ những tên tuổi lớn này nhanh chóng vượt qua tiền thưởng từ các giải đấu. Và giờ cô còn là một doanh nhân thành đạt.
Đế chế Sugarpova
Năm 2012, Sharapova chấn thương vai khá nặng. Tình cảnh tưởng chừng như khó khăn đó lại mở ra cơ hội tuyệt vời cho Masha. Sharapova tâm sự với Max Eisenbud (Phó Chủ tịch của IMG Tennis và là đại diện của Sharapova kể từ khi cô mới 11 tuổi- PV) rằng cô muốn thử sức kinh doanh. Ý tưởng nảy sinh sau khi mẫu giày Sharapova thiết kế cho Cole Haan trở thành mẫu bán chạy nhất trong 2 năm liền.
Kẹo có vẻ không liên quan tới một VĐV chuyên nghiệp. Câu chuyện Sharapova thích kể là mỗi khi thi đấu tốt, bố mẹ sẽ thưởng bằng kẹo. Vì thế, kẹo chính là lựa chọn khởi nghiệp của cô. Thực tế, sự ra đời của Sugarpova đến từ cuộc gặp với Jeff Rubin, người đồng sáng lập cửa hàng kẹo Dylan's Candy Bar. Rubin gặp Eisenbud để mời Sharapova hợp tác quảng bá cho chuỗi cửa hàng mới có tên It'Sugar. Trong lúc chuyện trò, Rubin thốt ra cái tên Sugarpova. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Eisenbud. Ông lập tức nêu ý tưởng này cho Sharapova.
“Ban đầu, cô ấy cười khi nghe cái tên. Nhưng vài tuần sau, cô ấy tới gặp tôi. Cô ấy đã thực hiện một số nghiên cứu”. Eisenbud nói những gì Sharapova tìm ra là thị trường kinh doanh kẹo rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng phát triển. Mặc dù cộng đồng ngày càng quan tâm tới sức khỏe, hạn chế đồ có đường nhưng ngành công nghiệp sản xuất kẹo dự đoán sẽ đạt gần 19,6 tỷ USD vào năm 2025.
Sharapova đem tới cho Eisenbud một loại kẹo dẻo mà cô đặc biệt thích. Sau 4 chuyến bay, Eisenbud hạ cánh tại một thị trấn nhỏ ở Madrid, Tây Ban Nha. Một công ty có tên Fini ở đó đã đồng ý sản xuất. Với danh tiếng của Sharapova cùng 500.000 USD tiền mặt, Sugarpova chính thức ra đời.
Là một đại lý thể thao và không biết gì về ngành bán lẻ, Eisenbud và Sharapova đã quyết định thuê Dentsu, công ty PR có trụ sở tại Tokyo để giám sát việc xây dựng thương hiệu. Dentsu thông qua công ty Brooklyn Red Antler để thiết kế sản phẩm và sản xuất bao bì. Những viên kẹo sặc sỡ và có hình dạng đặc biệt như đôi môi, giày cao gót, túi xách... được đóng gói trong những chiếc túi đầy màu sắc với tên gọi ngọt ngào.
Vài năm sau, thương hiệu Sugarpova đã hoạt động ổn định. Eisenbud trăn trở với Sharapova rằng Sugarpova cần người để đưa thương hiệu tiến thêm một bước mới. Patrick Patrick Kenny, Giám đốc điều hành tại Traub- công ty đã xây dựng thương hiệu cho các tên tuổi như Jessica Simpson, Dita Von Teese... được nhắm tới.
Thách thức ập đến với đội ngũ này vào năm 2016, khi Sharapova bị cấm thi đấu vì xét nghiệm dương tính với doping. Hầu hết các nhà tài trợ lớn nhất của Sharapova, bao gồm cả Porsche và TAG Heuer, đều rời bỏ cô. Liên Hợp Quốc đình chỉ tư cách Đại sứ thiện chí Chương trình Phát triển, một quan hệ đối tác mà Sharapova từng coi là “đáng tự hào nhất”. Theo lời khuyên của Kenny và Eisenbud, Sharapova sử dụng 15 tháng bị đình chỉ để tập trung vào Sugarpova. Cô hiện hiện trong các cuộc họp, thăm các hội chợ thực phẩm, đăng ký tham gia chương trình quản lý chiến lược kéo dài 10 ngày tại Trường kinh doanh Harvard, thực tập tại công ty quảng cáo có trụ sở ở London của Nike…
Trong lúc đó, nhóm nghiên cứu tại Traub đã quay trở lại với thử thách ban đầu – đưa Sugarpova tiếp cận tới nhiều cửa hàng hơn. Nhờ sức mạnh tổng hợp đó, Sugarpova giờ đây được bán ở 22 quốc gia. Bê bối doping không ảnh hưởng tới bất cứ đồng doanh thu nào của Sugarpova. Doanh thu năm 2017 của hãng được ước tính ở mức 10-12 triệu USD.
Những bước đi xa hơn
Với Sharapova, tinh thần làm việc nhóm là chìa khóa dẫn tới thành công. Cô biết giá trị của việc mời những chuyên gia tài giỏi song hành cùng mình trong các dự án. “Một trong những điều tôi đúc rút từ môn thể thao của mình chính là tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ. Tôi có một nhóm nhỏ mà tôi tin cậy. Lý do bạn nên có một đội ngũ đằng sau là bởi họ hiểu biết về một số lĩnh vực nhất định hơn bạn”, nữ tay vợt chia sẻ.
Đầu năm nay, Sharapova và Eisenbud bắt đầu bàn về kế hoạch để được công nhận với tư cách một doanh nhân. Đồng thời, thực hiện giấc mơ xa hơn của Sharapova là giúp đỡ những phụ nữ có cùng đam mê.
Đáp ứng nguyện vọng đó, Traub đã nghiên cứu và phỏng vấn hàng chục tổ chức của phụ nữ trước khi tiếp cận Hiệp hội nữ doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NAWBO), nơi tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nhân nữ trên toàn quốc. NAWBO rất phấn khích trước ý tưởng hợp tác của Sharapova. Lynda Bishop, Giám đốc chương trình quốc gia của NAWBO, đã làm việc với Kenny và các thành viên khác để tạo ra chương trình Sharapova Women’s Entrepreneur Program.
Đến mùa xuân, chương trình thử nghiệm kéo dài 12 tháng chính thức đi vào hoạt động với sự tham gia của 7 doanh nhân được lựa chọn. Mỗi người được ghép nhóm với một nữ cố vấn kinh doanh cao cấp từ mạng lưới của NAWBO. Họ được tham dự các hội thảo về các chủ đề như tuyển dụng, kết nối với các nhà đầu tư. Ở bước tiếp theo, nhóm PR của Sharapova sẽ giúp các nữ doanh nhân học hỏi cách thức để “được chú ý bởi những người thích hợp”.
Reema Dutt, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất phim ở Los Angeles, người tham gia Sharapova Women’s Entrepreneur Program cho biết: “Chương trình giúp tôi có sự tự tin để đối mặt với rủi ro, có những người đồng hành thực sự kinh nghiệm và luôn truyền cho tôi cảm hứng bằng câu nói: 'Chúng tôi tin ở bạn'. Đó là điều vô giá”.
Những gì Dutt đang được nhận là điều mà Sharapova đã có khi đồng hành cùng nhóm của mình. Masha chỉ đơn giản không muốn giữ điều quý giá đó cho riêng mình.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất