Nữ hoàng banh nỉ Thùy Dung: Tennis chưa dành cho người Việt

08/03/2015 15:33 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Cuộc trò chuyện dài tới hơn hai cữ cà phê trên tầng hai một con phố nhỏ nhìn xuống phố Tràng Tiền – một trong những con phố "Tây" nhất ở Hà Nội. Địa chỉ ấy do chính Thùy Dung chọn. Nó phản ánh đúng tính cách cô gái từng là số 1 về tennis nữ Việt Nam, trẻ trung về ngoại hình, rất có gu, nhưng đã rất chững chạc trong tư duy và vô cùng thực tế.

Điều đầu tiên Thùy Dung chia sẻ là cô không có nhớ mình đã đốt của gia đình bao nhiều tiền cho tennis nữa: "Gia đình tôi cũng chưa khi nào ngồi lại với nhau hạch toán xem là cuộc chơi tennis của tôi đã ngốn của bố mẹ bao nhiêu tiền. Rõ ràng là không thực tế khi nghĩ rằng tôi có thể kiếm được tiền từ tennis. Vài chục triệu tiền giải thưởng khi đánh ở trong nước thực tế chẳng là gì với những người chơi tennis chuyên nghiệp cả".

Lúc nào thì Dung nhận ra điều đó, và quyết định dừng cuộc phiêu lưu của mình?

- Khi ấy tôi đang chấn thương. Nằm trong Sài Gòn suy nghĩ nhiều rồi quyết định mình phải dừng lại. Thực sự là trình độ của mình với thế giới có khoảng cách lớn quá. Xuất phát điểm của tôi cũng khá muộn. Cứ tiếp tục thi đấu cũng không mang lại điều gì. Những tay vợt nằm trong top 100 mới có đủ khả năng kiếm tiền từ quần vợt. Tôi không muốn lãng phí thời gian và cả tài chính nữa".




Có phải Dung từng đưa ra con số 7 tỉ đồng?

- Không. Gia đình tôi quả là chưa từng thống kê xem đã chi ra bao nhiêu tiền nữa.

Trình độ có khoảng cách, tay vợt có thứ hạng cao nhất mà Dung từng đối đầu khi đánh WTA Tour là bao nhiêu?

- Hình như khoảng 30 thế giới, khi tôi tham dự một giải ở Las Vegas (Mỹ). Tôi chỉ có thể chơi tốt trong những game đầu thôi, còn sau đó chỉ biết chạy và chạy theo bóng.

Nếu đối đầu với Serena Williams, Dung sẽ ăn được game nào không?

- Làm gì có chuyện có thể ăn được game nào anh. Ăn được một điểm của cô ấy thôi cũng khó rồi.  

Nhưng Dung lúc đó là tay vợt số 1 Việt Nam. Quyết định treo vợt vì không thấy tương lai và cả sự bộc bạch này liệu có phải là lời khuyên cho những ai đang ấp ủ cho con cái của họ đi theo quần vợt chuyên nghiệp?

- Cũng có nhiều người hỏi tôi có nên cho con của họ theo nghiệp quần vợt không. Tôi nhớ là khoảng ba gia đình. Tôi hiểu được sự lo lắng của họ khi đầu tư cho quần vợt là những khoản tiền lớn trong khi tương lai là rất mơ hồ. Và nếu thực sự họ muốn đầu tư cho con cái của mình đi theo con đường chuyên nghiệp thì phải có một kế hoạch dài hạn và hoàn chỉnh.

Cũng giống như trong kinh doanh vậy. Số vốn định đầu tư là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu và điểm hoà vốn là khi nào. Tôi không nói với ai là không nên đầu tư nếu có khả năng cả. Tôi cũng khích lệ họ. Tôi chỉ chỉ ra một thực tế thôi, đó là nếu có tài năng và tập luyện chăm chỉ và tích lũy được một số điểm nhất định, nếu con cái của họ không vươn lên được tầm chuyên nghiệp thì họ có thể mở ra những cánh cửa của các trường đại học ở Mỹ thông qua nhận được những xuất học bổng.

Nhưng nếu đó chỉ là đích đến của những ai theo đuổi quần vợt thì tôi cho rằng có những cách khác họ cũng có thể tiếp cận được với nền giáo dục của Mỹ.

-  Vâng, đúng thế nhưng nó lại là mục tiêu thực tế đối với người Việt Nam theo đuổi tennis. Và đó cũng là kế hoạch dự phòng hợp lý. Hơn nữa, không nên dành thời gian cả ngày chỉ để tập tennis. Như thế lãng phí thời gian. Cách tốt nhất là vừa tập tennis vừa học. Khi tôi tập luyện và du đấu ở Mỹ, tôi cũng đã tranh thủ học được kiến thức và kỹ năng tiếp thị thể thao.

Người Việt thiếu kiên nhẫn khi đầu tư tennis

Tại sao tennis lại là một môn thể thao khó thành công ở tầm mức đỉnh cao đến thế? Phải chăng người Việt Nam mình không có những phẩm chất cần thiết khác nữa? Tôi từng suy nghĩ là chúng ta vẫn chưa đủ văn minh, chưa đủ chuyên nghiệp để đến với môn thể thao này. Liệu có đúng không?

- Có rất nhiều vấn đề, trong đó có yếu tố như anh nói. Tôi còn thấy những cái thiếu khác nữa. Đó là người Việt chúng ta thiếu sự kiên nhẫn. Tennis rất cần kiên nhẫn, nhất là khi đang đầu tư cho các tay vợt trẻ. Hệ thống giải đấu cũng có thời gian phát triển nhưng loanh quanh chỉ có vài tay vợt trong nước thi đấu nên cũng lụi đi dần dần. Chúng ta cũng thiếu các HLV đẳng cấp. Không thể có các VĐV giỏi nếu không có HLV giỏi được.

Để đầu tư cho một đứa trẻ tới khi trở thành tay vợt chuyên nghiệp theo Dung cần bao nhiêu tiền? Tôi đọc báo Mỹ họ nói rằng khoảng 4-500 ngàn USD.

- Không đủ đâu anh. Chắc chắn phải hơn.

Phải là con số 1 triệu như chúng ta đang nói ở Việt Nam sao?

- Phải cỡ ấy. Chỉ riêng thuê HLV giỏi mỗi năm cũng tốn cả trăm ngàn USD. Khi tôi ở Mỹ tập luyện, tôi chỉ đủ khả năng để thuê HLV trong từng giai đoạn ngắn. Rồi tiền tham dự giải đấu, mỗi giải ít nhất cũng tốn khoảng 2000 USD. Một năm thi đấu cỡ 15 giải thì cũng mất mấy chục ngàn rồi.

Dung từng nói mơ ước thành lập học viện tennis. Liệu không biết có đúng không khi tôi nói rằng thành lập học viện ở Việt Nam lúc này là không thể?

- Có lẽ thế. Chắc tôi không thể thành lập nổi. Làm được học viện cần phải có cả chục người cùng chí hướng và tài chính. Việt Nam mình nhiều người có rất nhiều tiền, nhưng không ai muốn làm việc đó cả, hoặc có thể tôi chưa gặp được.

Có thể nào chúng ta mời được một tay vợt nổi tiếng nào đó tới Việt Nam họ lập quỹ phát triển tennis, rồi thành lập học viện mang tính từ thiện được không? Federer, Nadal đều có những Foundation của họ cả.

- Tôi cũng không tin là Federer hay Nadal lại muốn tới Việt Nam mở học viện. Quần vợt Việt Nam mình có gì để họ biết chứ? Họ tới Ấn Độ mở học viện vì quần vợt ở đó cũng đã phát triển rồi.

Vậy thì chúng ta có thể trông chờ gì từ phía nhà nước? Tôi nghe nhiều các tay vợt Việt Nam phàn nàn là họ thiếu sự hỗ trợ từ Liên đoàn. Tôi nghĩ cách suy nghĩ này cho thấy chúng ta chưa hiểu hết về tennis chuyên nghiệp? Dung thì nghĩ sao?

- Tôi trước đây cũng nghĩ thế, tức là Liên đoàn phải làm cái này, phải làm cái kia, phải hỗ trợ chúng tôi. Nhưng sau này thì tôi thay đổi. Tennis là môn thể thao cá nhân. Chơi và tập luyện vì chính đam mê của mình. Mình có tiềm lực tới đâu thì mình làm. Mình có tiềm năng tới đâu thì sẽ có tài trợ. Được như thế thì các tay vợt sẽ chẳng bị ràng buộc bởi ai cả.

Họ sẽ tự quyết định được tương lai của chính mình. Khi thi đấu, các tay vợt cũng chỉ phải nghĩ tới bản thân của họ thôi. Họ chỉ nặng có 50 – 60kg thôi, làm sao mà có thể gánh được hàng chục triệu người trên vai được. Còn khi họ thành công và nếu mang lại được niềm tự hào cho quốc gia, dân tộc thì OK, rất tuyệt vời.

Dung thấy ai là người được nhất trong làng tennis Việt?

- Tôi thấy anh Trần Đức Quỳnh. Anh ấy là HLV tâm huyết, có nghề. Anh ấy cùng làm bất cứ thứ gì mà các VĐV phải trải qua, lại chịu khó tìm hiểu.

Còn làng tennis Việt nói chung, Dung có nghĩ là tự các tay vợt đang làm cho hình ảnh tennis Việt Nam trở nên thiếu tích cực từ tinh thần, thái độ thi đấu của họ?

- Không. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là do trình độ. Trình độ chưa cao thì thi đấu chưa hay thôi. Tôi thấy có nhiều tay vợt trẻ nữ yếu quá, nhất là bộ chân.

Đầu quân cho VTV không phải để đánh tennis

Chúng ta hãy nói về những thay đổi của Dung, về công việc mới.

- Tôi đã bán lại các cửa hàng trong Sài Gòn dù rất thích kinh doanh. Cả bố mẹ tôi đều là dân kinh doanh nên tôi nghĩ mình có "gen".  Tôi quyết định trở lại Hà Nội. Tôi ít chơi tennis hơn và cũng không còn nhiều thời gian dành cho golf nữa. Khi ở trong Sài Gòn thì tuần tôi chơi golf ba lần. Nhưng ra Hà Nội thì không thể duy trì như thế được.

Handicap lúc tốt nhất của tôi là 12. Giờ không biết nữa, vì mình không chơi một thời gian ngắn là điểm sẽ tụt ngay. Phần lớn thời gian tôi dành cho công việc mới




Hãy nói về golf. Tôi cũng chơi golf và thấy người Việt mình cần phải thay đổi để thích nghi với môn thể thao có những chuẩn mực riêng này. Dung thì nghĩ sao?

- Golf thú vị. Rất thú vị. Nó là môn thể thao cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu. Không biết có đúng không khi tôi hiểu ý anh là có nhiều người chơi không trung thực khi thi đấu? Cái đó thì khó nói lắm (Cười).

Công việc hiện làm một biên tập viên thể thao ở đài truyền hình của Dung thế nào?

- Tôi đọc báo hàng ngày, trong đó có Thể thao & Văn hóa. Tôi dẫn các bản tin thể thao của VTV3. Tôi thực sự thích công việc tổ chức sản xuất truyền hình. Tôi cũng thích công việc bình luận tennis, nhưng chưa một lần thử.

Thế giới có nhiều tay vợt sau khi chuyển nghề, họ trở thành những bình luận viên xuất sắc. Cá nhân tôi thấy Jim Courier là người xuất sắc nhất, anh ấy từng ba lần vô địch Grand Slam, rồi khi cầm micro, có những câu hỏi phỏng vấn dẫn dắt câu chuyện ngay trên sân tuyệt hay.

- Giờ thì tôi sẽ phải để ý tới công việc bình luận. Sếp tôi giờ cũng nói là tôi phải chuẩn bị để sẵn sàng. Trước kia tôi chỉ để ý các tay vợt thi đấu, để học hỏi. Giờ thì tôi cũng như anh, phải nghe xem các bình luận viên họ nói gì, để phục vụ cho công việc của mình.

Việc từng là VĐV rồi trở thành bình luận viên, viết báo rất tốt. Nhiều người có thể làm tốt các công việc đó ở đài truyền hình nếu như họ có khiếu ăn nói. Khi ấy, họ sẽ có ưu thế. Nhưng khiếu ăn nói lại là thứ điểm yếu của nhiều người.

Vậy những kiến thức chuẩn mực và kinh nghiệm được Dung vận dụng thế nào? Tôi muốn lấy một ví dụ cụ thể là sự kiện Hoàng Nam thi đấu ở nội dung đơn nam trẻ giải Australian Open.  

- Tôi thấy mọi người đều rất ồn ào về sự kiện đó. Nhưng đơn nam trẻ thì chưa phải là một giải đấu lớn. Những giải trẻ chỉ là tiền đề mà thôi. ATP khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ngay cả những giải thuộc hệ thống tính điểm ít nhất ATP challenger Tour.



Thùy Dung khi tham gia Cuộc đua kỳ thú của VTV

Vậy Dung có nói với sếp là đừng có làm việc đó quá ầm ĩ không?

- Không, anh. Giới truyền thông cùng rầm rộ như vậy thì mình cũng phải làm thôi. Nhưng đó cũng là một sự kiện có ý nghĩa, vì dù sao Hoàng Nam cũng là người đầu tiên của tennis Việt Nam có một trận thi đấu chính thức và thắng.


  Phạm Tấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm