26/09/2021 06:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - "Tại sao phải cúi đầu, khi chúng ta đã nỗ lực?", lời HLV Park Hang Seo như vẫn văng vẳng kể từ sau trận thua Uzbekistan ở chung kết U23 châu Á ở Thường Châu 2018. Và, nó ứng luôn với đội tuyển futsal Việt Nam tại Litva, khi đoàn quân của HLV Phạm Minh Giang chỉ thua sát nút 2-3 trước đương kim á quân FIFA Futsal World Cup - đội tuyển Nga, tại vòng 16 đội mạnh nhất. Chúng ta rời cuộc chơi trong thế ngẩng cao đầu.
Trong một diễn biến thời sự khác, lá thăm vừa đưa đội tuyển Việt Nam nằm vào bảng đấu có Malaysia, Indonesia, Lào và Campuchia tại AFF Suzuki Cup 2020. Giấc mơ và hiện thực hay AFF Cup và World Cup, đều là những chặng đường dài.
Nếu là 5-7 năm đổ về trước, không một ai nghĩ bóng đá Việt Nam (bao gồm cả sàn futsal) có thể chạm được vào World Cup. Nhưng cùng trong năm 2016, futsal Việt Nam bất ngờ giành vé đến World Cup Colombia, đồng thời đội tuyển U19 Việt Nam cũng làm được điều tương tự - giành quyền tham dự VCK FIFA U20 World Cup Hàn Quốc 2017.
Nó không phải câu chuyện ở xứ sở thần tiên. Trong bóng đá, càng không tồn tại khái niệm bất chiến mà thành. Tất cả đã được đánh đổi bằng bao mồ hôi, công sức, bao nỗ lực và cả máu, với những ca chấn thương nặng như trường hợp của Đức Tùng, cầu thủ đội tuyển futsal Việt Nam tại Litva 2021.
Nói về vinh dự góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ở đây là sân chơi World Cup, HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” của ông, chắc chắn là những người đi tiên phong. Di sản từ 5 năm trước của ông Tuấn "con", đến giờ vẫn để lại trong lòng ĐTQG và các CLB, không chỉ đa mà còn tinh. Đấy, bóng đá là sự tích lũy và phát triển không ngừng nghỉ, còn nếu tự mãn mà vỗ ngực, sẽ như người bơi ngược dòng nước vậy.
Những Bùi Tiến Dũng, Tấn Tài, Tiến Linh, Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Đình Trọng, Quang Hải..., từ va đập ở VCK U19 châu Á 2016 đến U20 World Cup 2017, chính là những hạt nhân trong hành trình kỳ diệu Thường Châu 2018, và tiếp tục đóng góp lớn cho đến tận bây giờ, tại Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, ở cấp độ ĐTQG. Nói di sản là nghĩa như vậy, và ông Hoàng Anh Tuấn hẳn hạnh phúc lắm lắm, khi đã góp một phần công sức tôn tạo lứa cầu thủ này và cũng không ai hiểu lứa này hơn ông.
Ở quy mô nhỏ hơn - Sàn futsal, đội tuyển Việt Nam dự World Cup Litva 2021, kịp giữ lại 4-5 "cầu" (coi như đủ một tổ đấu) từ giải đấu Colombia 5 năm trước đó, đồng thời khéo léo cấy ghép vào những nhân tố trẻ. Hồ Văn Ý, Đức Tùng, Văn Hiếu, Châu Đoàn Phát, Nhan Gia Hưng... nhưng họ dám chơi và chơi tốt luôn, mém chút cầm hòa Nga ở 2 hiệp chính.
Thực ra, đến được với World Cup đã là một điều lớn lao, với nền bóng đá vẫn bị cho là khiêm tốn như Việt Nam. Cần phải hiểu như thế. Và nếu chu kỳ được tính bằng 4-5 năm, nếu giữ được đà phát triển ổn định, futsal Việt Nam sẽ mang một tâm thế rất khác, mà sân chơi World Cup chính là thước đo. Nên nhớ, futsal Việt Nam chưa từng vô địch Đông Nam Á, chứ đừng nói đến châu Á, khi Iran, Nhật Bản, Uzbekistan và cả Thái Lan vẫn sừng sững ở đó.
Trở lại với bóng đá sân 11 người, rõ ràng là đà phát triển đội bóng được tạo sẵn tốt hơn dưới thời HLV Park Hang Seo. Việt Nam đã từng vô địch Đông Nam Á 2008, trước đó cũng vào đến tứ kết Asian Cup 2007. Thêm 2 nấc thang với đội tuyển U19 Việt Nam của Hoàng Anh Tuấn trong 2 năm 2016-2017, như đã điểm ở phần đầu, ông Park được thừa hưởng cả thiên thời, địa lợi đến nhân hòa.
AFF Suzuki Cup 2020, chúng ta sẽ bước vào hành trình bảo vệ ngôi vương. Có thì phải giữ, nhưng ngay cả khi vô địch Đông Nam Á một lần nữa, thì nó không còn là thước đo chuẩn mực cho năng lực chinh phục ở tầm cao. Lý là bởi, chúng ta đã chạm được các cột mốc ở tầm châu lục một cách liên tục và thậm chí FIFA World Cup rồi, nên lấy mục tiêu cao hơn để phát triển, là điều bắt buộc. Không ai lại quay về và dồn hết sức cho mục tiêu cũ cả.
Cao hơn, Nhanh hơn và Xa hơn là tinh thần của Olympic và cũng của bóng đá.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất