Sir Alex nghỉ hưu: Sự cân bằng mới ở Premier League

10/05/2013 07:53 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Những ngôi sao lớn nhất đã đến rồi đi khỏi M.U, nhưng sự thành công của đội bóng áo đỏ chỉ có một nền tảng trường tồn: Ferguson. Vì vậy, sự ra đi của riêng ông đủ để làm xáo trộn cân bằng quyền lực lâu nay ở Premier League.

Không phải Eric Cantona hay Ryan Giggs, không phải Ruud van Nistelrooy hay David Beckham, không phải Wayne Rooney hay Robin van Persie, trong dài hạn, Ferguson mới là người định đoạt thành công của M.U trong một mùa bóng, trong nhiều mùa bóng và trong gần 3 thập kỷ qua.

Cục diện sẽ thay đổi

Trước khi Sir Alex đến với giải Ngoại hạng, M.U cũng chỉ là một đội bóng làng nhàng, đã trải qua hơn 2 thập kỷ không vô địch Anh, nhưng sau đó, họ là kẻ thống trị gần như không thể tranh cãi, là ứng cử viên cho chức vô địch gần như mỗi mùa bóng và chắc chắn là như thế kể từ khi Premier League ra đời (1993) tới giờ.

Sir Alex đã chứng kiến không biết bao nhiêu đối thủ của ông đến rồi đi, lần lượt đánh bại họ để duy trì vị thế gần như độc tôn của M.U ở Premier League. Hãy nhớ lại giai đoạn đầu mùa giải này để phần nào thấy được tầm ảnh hưởng của ông. Sau thất bại cay đắng trước kình địch, nhà giàu mới nổi Man City ở mùa trước, M.U đã khởi đầu trong sự nghi kị của nhiều người, ngay cả chính các CĐV áo đỏ, nhưng rồi chính Sir Alex đã một tay xua tan tất cả mọi nghi ngờ với hết chiến thắng này đến chiến thắng khác và bỏ túi dễ dàng chức vô địch Anh thứ 20.

Có thể nói không ngoa rằng Ferguson chiếm tới 60-70% sức mạnh M.U. Chỉ cần ông có mặt trên sân tập, trong phòng thay đồ và ngoài đường piste, những đối thủ lớn của đội bóng áo đỏ đã phải e dè, còn những đội yếu hơn thì khiếp vía ngay từ khi chưa đá. Lẽ đó, việc HLV người Scotland ra đi đương nhiên ảnh hưởng tới cục diện chung của Premier League.

Những đội mới giàu, các đại gia sẵn tiền và dám mua các ngôi sao gần như với mọi giá, như Chelsea hay Manchester City, chắc chắn sẽ coi đây là một cơ hội để họ tranh bá, chấm dứt vĩnh viễn sự thống trị của nửa đỏ Manchester tại Premier League. Những đội khác kém thế hơn, như Arsenal, Tottenham hay Liverpool, cũng đang khấp khởi mừng thầm bởi lẽ ít ra thì cuộc đua Champions League dự kiến sẽ bớt khó khăn hơn với họ.

Khi ngoáo ộp không còn

Trong 20 năm Premier League, cũng là 20 năm Ferguson, câu hỏi thường chỉ là M.U và ai. Có lúc là M.U và Blackburn, M.U và Arsenal, M.U và Chelsea hay M.U và Manchester City. Đó thực ra cũng là câu hỏi Ferguson và ai. Nhưng giờ đây, sự tự tin đã sống lại trong những đối thủ chính của đội bóng áo đỏ khi tượng đài ở Old Trafford, con ngáo ộp mà ai cũng phải e dè, đã ra đi.

Vấn đề không chỉ nằm ở sự cạnh tranh trực tiếp giữa các đội lớn. Thật ra, chính chiến thắng đều đặn, không chút sơ sẩy, trước các đối thủ dưới tầm, nhưng đôi khi rất khó chịu, như kiểu Stoke, Sunderland hay West Ham, mới là điều tạo ra sự khác biệt trong cuộc đua Premier League (đó cũng chính là lý do khiến cho M.U của Ferguson luôn tỏ ra thuyết phục hơn ở Anh so với khi bước ra đấu trường châu Âu). Ở những đội bóng nhỏ đó, Ferguson có quá nhiều ảnh hưởng, những HLV là học trò ông, ngưỡng mộ ông, thậm chí là sợ hãi ông. Giờ thì điều đó đã chấm dứt.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm nếu lúc này Chelsea hay Man City mở tiệc ăn mừng. Ferguson đúng là tương đương với 60-70% sức mạnh của M.U, nhưng không có nghĩa là ông ra đi thì M.U mất 60-70% sức mạnh. Có thể tin rằng quyết định chia tay này đã được ban lãnh đạo và huấn luyện ở Old Trafford tính toán hết sức kỹ càng. Họ không thể lường hết mọi tác động của một quyết định lớn như thế, nhưng chắc chắn những phương án dự phòng đã được tính toán kỹ lưỡng. Việc David Moyes không nhắc gì tới việc gia hạn cùng Everton suốt mùa qua dù cả hai phía đều biết chỉ còn lại 1 năm nữa trong hợp đồng có thể là lời gợi ý cho những chuẩn bị của Old Trafford.

M.U đúng là đã mất nhân vật quan trọng nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chắc chắn sẽ rời ngôi vương của mình ở Premier League.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm