Có nên bỏ loa phường tại Hà Nội?

16/01/2017 07:20 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Hà Nội đang rà soát lại toàn bộ hiệu quả của loa phường. Đồng thời, thành phố cũng sẵn sàng loại bỏ phương tiện truyền thông không còn thích hợp trong thời đại mới. Bởi, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Tuy vậy, loa phường đã đồng hành cùng Thủ đô hơn nửa thế kỷ gian khó vẫn khiến nhiều người cảm thấy vương vấn với câu hỏi: Có nên bỏ loa phường tại Hà Nội?

Cách đây vài năm, tôi có gặp ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội. Ông Viễn là một trong những người đầu tiên giăng những chiếc loa phát thanh khắp đường phố Hà Nội năm 1955. Ông cũng là người trực tiếp cùng những người thợ đi đấu nối lại những chiếc loa bị oanh kích trong 12 ngày đêm năm 1972. Đó là những lần đấu nối đặt cược bằng sinh mạng.

Ông Viễn kể, trong những ngày không quân Mỹ oanh tạc Hà Nội, ngoài hệ thống giao thông, hệ thống phát thanh qua những chiếc loa phường là mặt trận sống còn. Địch quyết phá, ta quyết giữ. Và, nhiều người đã hy sinh để giữ mạch thông tin “đồng bào chú ý, đồng bào chú ý”.


Loa phường đã lỗi thời?

Một câu chuyện mà nhiều người Hà Nội lớn tuổi vẫn nhớ: 4h sáng 19/12/1972, trạm phát sóng chính của Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì bị đánh phá. Toàn bộ thông tin bị ngưng bặt. 9 phút sau, tất cả các loa trên thành phố đồng loạt vang vang đầy kiêu hãnh: Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kế sau đó là nhạc bài “Diệt Phát xít” hùng tráng.

Âm thanh từ những chiếc loa móp vì sức ép của bom khiến lòng người dân Hà Nội nghẹn ngào theo lời câu hát: "Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm". Mẹ tôi kể, thời khắc đó, nhiều người dân Hà Nội ở lại thành phố đã hướng về chiếc loa phường và rưng rưng. Đó có thể coi là khoảnh khắc huy hoàng nhất của loa phường!

***

Nay, loa phường đã trở nên lạc điệu giữa phố phường với vô vàn cách kết nối, truyền tin hiệu quả. Loa phường không những giảm công dụng, mà còn mất thiện cảm với người dân. Loa phát với âm lượng lớn, vào lúc sáng sớm và chiều. Thông tin được truyền tải cũng khô cứng. Nhạc phát lên cũng cũ kỹ.

Nhiều người dân cũng tỏ rõ thái độ “hắt nước đổ đi” với loa phường. Bởi, những âm thanh âm lượng lớn, tần suất đều, đã khiến cuộc sống cá nhân của họ bị ảnh hưởng nặng nề. Hệ quả, nhiều chiếc loa phường đã bị méo. Nhiều chiếc khác bị ngắt đường điện.

Nói chuyện xưa, chuyện nay để thấy, giá trị ký ức của loa phường với Hà Nội. Và rõ ràng, loa phường đã không còn thích hợp khi vẫn vận hành như cách nó vận hành cách đây nửa thế kỷ. Đồng nghĩa, Hà Nội có hai lựa chọn: một là bỏ hoàn toàn loa phường; hai là giữ lại loa phường nhưng phải cải tổ sâu rộng về âm lượng, mật độ loa; nội dung thông tin.

Cách một là cách dễ thực hiện và tính khả thi cao. Song, chúng ta buộc lòng phải đoạn tuyệt với di sản ký ức.

Cách hai sẽ tiếp nối được dòng ký ức nhưng đòi hỏi những người trong cuộc phải thực sự quyết liệt. Mà điều kiện tiên quyết là giảm thiểu tối đa phiền phức và lấy lại được lòng tin của người dân Thủ đô với kỷ vật đã theo người dân qua những ngày gian khó.

Nên để loa phường tồn tại hay không tồn tại? Câu trả lời nằm ở phía người dân cùng những nỗ lực tạo ra các lựa chọn của các cơ quan quản lý.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm