Tay vợt số một thế giới Novak Djokovic: Kẻ chiến thắng mơ mộng

03/08/2014 14:10 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Câu chuyện về Novak Djokovic gợi nhớ về một ca khúc của Mỹ sáng tác năm 1931 bởi  Kahn và Andre Schwantdt “Dream a Little Dream of Me”. Nội dung bài hát như những gì đã diễn ra với Nole trong khoảng thời gian gần đây khi anh trở lại ngôi vị số 1 thế giới.

Cuộc đời của tay vợt người Serbia là những giấc mơ có thật. Anh đã leo lên được đỉnh núi cao nhất một lần nữa, và lần này, anh muốn ở lại đó một lúc lâu hơn.

Kỹ năng của Djokovic

Cú giao bóng đầu tiên của Djokovic thường đạt vận tốc từ 190 đến 200 km/h và chọn điểm rơi ở gần vạch chữ T. Nếu thất bại, ở lần thứ 2, cú giao bóng của Djokovic sẽ có góc đi rộng hơn và đương nhiên là chậm hơn. Thế nhưng chính những cú đánh đó mới là vũ khí nguy hiểm mà anh có được. Tính cả thảy, những cú giao bóng của tay vợt số 1 thế giới đạt tỷ lệ chiến thắng lên tới 88%, và hầu hết đến từ lần giao bóng thứ 2.

Những cú đánh trả giao bóng của Djokovic còn vượt lên mọi chuẩn mực. Điểm rơi của cú đánh đó rất đa dạng bởi Nole sử dụng tối đa cả hai phần sân, đặc biệt là nếu nó đến từ những cú trái hai tay, anh còn có thể giành lại phần tấn công trong pha bóng đó. Tỷ lệ chiến thắng của những cú đánh trả này là 31%.

Djokovic không muốn trở thành “chuyên gia” của một mặt sân cụ thể nào. Anh thích được coi là một tay vợt đa năng, toàn diện trên mọi mặt sân dù rằng Nole chưa tiệm cận được sự hoàn hảo như kiểu Roger Federer. Thế nhưng sự thật ở đây là Djokovic luôn thể hiện được sự nỗ lực kinh khủng từng mùa bóng đi qua để trở nên toàn diện. Thể lực sung mãn, nội lực mạnh, chơi cả 2 tay đều tốt.

Nhưng sân cứng vẫn là nơi mà Djokovic thể hiện rõ sự vượt trội. Anh lên lưới nhiều hơn ở mặt sân này và các cú vô-lê cũng phát huy được nhiều tác dụng. Djokovic thường mắc rất ít sai lầm khi chơi trên sân cứng. Nick Bollettieri từng khen ngợi “Djokovic là tay vợt toàn diện nhất mọi thời đại”. Bởi ngay cả sự di chuyển của anh cũng là một nghệ thuật trên sân. Đầy sự tinh tế, linh hoạt để chơi trên lưới. Khả năng kiểm soát cây vợt của anh cũng tuyệt vời.

Từng từ chối người Anh

Lần đầu tiên Djokovic cầm vợt là khi anh mới 4 tuổi. 12 năm sau, Nole bước vào con đường chuyên nghiệp. Ở tuổi 19, anh đã xếp hạng 63 thế giới. 2006 có lẽ là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của anh. Hồi khoảng tháng 4, tháng 5  British Lawn Tennis Camp (Trung tâm huấn luyện quần vợt của Anh quốc) và nơi mà Djokovic tập luyện đã có một cuộc đàm phán rất nghiêm túc. Chủ đề của nó là về một ngôi sao trẻ người Serbia. British Lawn Tennis Camp muốn đưa Nole về Anh quốc và nhập tịch cho anh.

Hồi đó, Djokovic gạt đi những tin đồn về việc rời quê hương đi “du học”. Anh bảo chuyện đó “không nghiêm túc”. Điều này đã trở thành một ngạc nhiên lớn đối với những người Anh bởi thiện ý đào tạo Nole của họ thậm chí còn hơn cả nghiêm túc. Lúc ấy, họ đã có Andy Murray và biết rằng có lẽ Murray là tất cả những gì họ có thể có trong thì tương lai. Thế nên người Anh phải đi “mua sắm” hơn là “xây dựng”, một thói quen có thể nhìn thấy rõ trong cách làm bóng đá. Khi cuộc đàm phán kết thúc, Djokovic vẫn là người Serbia. Anh đã từ chối những khoản đãi ngộ khổng lồ. Thế nhưng ở thời điểm ấy, Nole đã có thể kiếm đủ tiền chi trả cho những giải đấu mà anh tham gia.

Từ một cậu bé chạy tị nạn trong những năm tháng chiến tranh, phải tập bóng ở một khoảnh đất hoang trên núi cho đến một người đàn ông thành đạt cùng cuộc sống như cổ tích ở Monte Carlo, Djokovic là một kẻ chiến thắng mộng mơ. Anh đã khẳng định chân lý: Thành công dành cho những ai biết mơ ước.


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm