Gặp những người phụ nữ bó chân cuối cùng ở Trung Quốc

07/05/2012 14:36 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Tại làng Liuyi, Trung Quốc, chỉ còn khoảng 30 người phụ nữ vẫn thực hiện việc bó chân, một truyền thống gây nhiều đau đớn cho phụ nữ, nhưng lại được xem là giúp họ đẹp hơn và khiến mối quan hệ mẹ đẻ và con gái trở nên bền chặt. Nay hoạt động từng rất phổ biến ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang từng bước lùi dần vào bóng tối của lịch sử.

Ráng chiều hắt những luồng sáng yếu ớt lên mặt Fu Huiying, làm nổi rõ những vết nhăn nheo của tuổi già trên gương mặt và bàn tay bà cụ đã 76 tuổi này. Nhưng bất kỳ ai mới gặp  Fu đều sẽ chú ý ngay tới dáng đi tập tễnh, đôi chân đã biến dạng và một đôi giày nhỏ xíu được trang trí tinh xảo nằm ngay cạnh bà. Fu là một trong những người phụ nữ cuối cùng ở Trung Quốc vẫn thực hiện tục bó chân.

Truyền thống ngàn năm

Trong gần một thiên niên kỷ, tục bó chân đã xuất hiện rộng khắp trong xã hội Trung Quốc. Truyền thống này được cho là bắt đầu nảy nở từ các vũ nữ cung đình thuộc triều Tống, nhưng sau đó đã lan rộng ra các gia đình giàu có, rồi phổ biến ra toàn xã hội.

Theo tục bó chân, các bé gái sẽ được cha mẹ buộc chặt chân từ nhỏ, để nó không thể lớn thêm.

Bàn chân nhỏ, hẹp khi đó được xem là đẹp đẽ và người ta tin phụ nữ có đôi bàn chân nhỏ sẽ đi đứng uyển chuyển, nữ tính hơn. Bó chân, vì thế, trở thành điều kiện bắt buộc để một cô gái có thể tìm chồng. Nó cũng là con đường để các cô gái nghèo cưới chồng giàu. Phụ nữ, gia đình họ và cả những người chồng sẽ rất tự hào nếu các cô gái có đôi bàn chân nhỏ, với chiều dài lý tưởng là 7cm. Người con gái nào có chân đạt kích cỡ này sẽ được coi là có đôi chân "búp sen vàng"

Theo Wikipedia, tới thế kỷ 19, khoảng 40-50% phụ nữ Trung Quốc đã bó chân. Với những người phụ nữ ở tầng lớp cao trong xã hội, tỉ lệ này là gần 100%. Một số ước tính nói rằng hơn 1 tỉ phụ nữ Trung Quốc đã bó chân kể từ cuối thế kỷ thứ 10 tới giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên truyền thống này hiện đã gần như tuyệt chủng.

Bà Fu Huiying, một trong những người phụ nữ cuối cùng còn bó chân ở Trung Quốc

Nạn nhân của xã hội phong kiến

Nằm biệt lập so với các cổng hành chính và văn hóa lớn của Trung Quốc, khu vực xung quanh Liuyi, một ngôi làng với 2.000 dân ở phía Nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, là một trong những nơi cuối cùng ở Trung Quốc vẫn duy trì tục bó chân.

Cách đây chừng 1 thập kỷ, vẫn còn khoảng 300 phụ nữ như Fu ở trong làng, nhưng giờ chỉ còn khoảng 30 người. Vì tất cả đều đã cao tuổi, họ cũng ít khi tới khu vực giữa làng, nơi họ từng tụ tập để nhảy múa hát ca và thêu những đôi giày nhỏ xíu cho mình.

"Trước kia, tất cả con gái trong làng đều phải bó chân. Nếu họ không làm thế, sẽ chẳng có người đàn ông nào nhòm ngó tới họ" - Fu nói khi ngồi trầm ngâm trên một chiếc ghế gỗ trong làng. Fu nói rằng kể từ khi mới lên 5 tuổi, các bé gái sẽ bị làm cho gẫy xương chân, sau đó người ta sẽ dùng các đoạn vải quấn thật chặt quanh chân các em. Việc này khiến cho bàn chân dần biến dạng theo hướng chuẩn "búp sen vàng" - biểu tượng tối thượng của vẻ đẹp một thời. Việc bó chân sẽ kéo dài nhiều năm và hậu quả là hầu hết các cô gái đều bị tật ở chân.

Bước sang thế kỷ 20, tục bó chân dần mất đi sự ưa chuộng. Người ta xem nó là cổ hủ, lạc hậu, là một phần đáng xấu hổ thuộc về văn hóa phong kiến Trung Quốc. Nhưng ở các vùng nông thôn, các bé gái vẫn bị bó chân cho tới tận đầu những năm 1950. Ở Liuyi, phong tục này không chấm dứt cho tới tận năm 1957.

"Tôi bắt đầu được bó chân từ năm 1943, khi mới 7 tuổi. Đầu tiên tôi rất đau mỗi khi đi lại. Nhưng rồi tôi quyết định vẫn tiếp tục bó chân bởi các cô gái cùng tuổi tôi đều làm vậy" - bà Fu cười hiền lành và kể - "Mẹ tôi cũng bó chân, tương tự là bà ngoại, cụ ngoại, kị ngoại..."

Yang Yang, người sinh ra tại Liuyi, nói rằng bà mẹ quá cố của cô cũng đã bó chân như các chị em cùng thời. Yang, vốn sống ở thành phố Tonghai gần đó và đã viết hai cuốn sách về tục bó chân, nói rằng phụ nữ ở Liuyi không có lỗi khi hủy hoại đôi chân của họ. "Trong xã hội Trung Quốc cổ, đàn ông thích phụ nữ có đôi bàn chân nhỏ xinh. Và trong một xã hội trọng nam, nơi phụ nữ chỉ sinh ra để lấy chồng, có một thực tế là đàn ông muốn gì, họ sẽ được thứ đó" - cô nói.

Sợi dây kết nối các thế hệ

Yang cũng chỉ ra rằng bó chân không chỉ mang tới những tác hại. Thực tế nó là sợi dây gắn kết rất chặt nhiều thế hệ phụ nữ trong một gia đình, bởi việc bó chân luôn do phụ nữ thực hiện với nhau.

"Đó là một truyền thống rất mạnh được truyền từ mẹ sang con gái. Nó bao gồm kỹ năng làm các đôi giày đặc biệt, kinh nghiệm chống sự đau đớn và cách thức thu hút sự chú ý của đàn ông. Theo một cách thức nào đó, nó cũng phản ánh một phần văn hóa của phụ nữ" - Dorothy Ko, một giáo sư lịch sử và là chuyên gia nghiên cứu tục bó chân tại Đại học Barnard ở New York nhận xét - "Thật khó để thi vị hóa tục này và tôi cũng mừng là nó đã biến mất. Nhưng điều đáng tiếc nằm ở chỗ người ta không có một truyền thống nào tương đương với tục bó chân, với khả năng gây ít đau đớn hơn, song vẫn kết nối các thế hệ mạnh mẽ như vậy".

Ở Liuyi, ngay cả khi tục bó chân bị cấm, Fu nói rằng bà và những người khác trong làng vẫn chống lại lệnh của nhà chức trách và thường lẩn trốn các cuộc kiểm tra. Chính họ cũng xem đôi chân bị bó của mình là thứ gì đó đáng để tự hào. "Chúng tôi đều nghĩ chân mình rất đẹp" - bà nói và mỉm cười.

Trong những năm 1980, một số phụ nữ vẫn theo tục bó chân đã cùng nhau tổ chức các buổi biểu diễn múa hát ở làng và họ trở thành một điểm thu hút du lịch bất ngờ, cho tới khi số lượng các thành viên giảm sút, bởi tục này không còn tiếp diễn. Fu vẫn nhớ những tháng ngày huy hoàng đó, khi bà vui vẻ hát ca cạnh chúng bạn, thay vì việc "cấm cung" ở trong nhà vì tuổi tác và bận bịu với con cháu như hiện này. Nhưng bà không hề hối tiếc vì tục bó chân đang dần tuyệt chủng. "Tôi đã sống một cuộc sống hạnh phúc. Tôi tự hào vì thuộc về một phần của truyền thống. Nhưng tôi không bao giờ muốn con và cháu gái phải nếm thử qua những gì mình đã trải qua" - bà thổ lộ.

Tường Linh (Theo LA Times)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm