28/08/2021 14:54 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Sáng 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học. Dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ cùng với Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Tại Hội nghị, lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố đã báo cáo đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm học 2020-2021; tập trung bàn các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Theo đó, năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVOD-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có giáo dục, đào tạo.
Để thích ứng trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vừa hoàn thành nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021.
Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao một bước hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn; Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo...
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trong đó đẩy mạnh phát triển học tập theo hình thức trực tuyến; tiếp tục tổ chức xây dựng Kho học liệu số toàn ngành và đóng góp vào Hệ tri thức Việt. Hiện, 100% các cơ sở Giáo dục và Đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 100% các trường Trung học phổ thông có tối thiểu 01 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn tin học, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên. Trong đó, 100% đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện, 99,3% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 22/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 35%, tăng 5% so với năm học trước; Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 đã được tổ chức 2 đợt thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước), tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học lên Trung học phổ thông đạt 97,5%, tăng 1,5% so với năm học trước. Qua các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, thành tích cả 37/37 học sinh tham dự đều đoạt giải trong đó 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen...
Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là ở bậc tiểu học và ở những địa phương chưa có điều kiện. Hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp. Gia đình chưa tham gia phối hợp hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả. Còn tình trạng thừa thiếu giáo viên tại một số địa phương.
Giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số trường có quy mô rất nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Việc triển khai tự chủ đại học nhiều nơi còn lúng túng do hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ và toàn diện.
Đối với năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế và các địa phương chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế, chính sách thảo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương, qua đó tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã tổ chức triển khai kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sát hợp với tình hình, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và chống dịch, được dư luận đánh giá cao. Giáo dục Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế, cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế. Nhiều học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt được thứ hạng cao, thể hiện được trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc mừng kết quả xuất sắc của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo và gửi lời khen ngợi đến toàn thể thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc đã vượt qua nghịch cảnh của dịch bệnh để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”. Trong đó ghi nhận và biểu dương tinh thần tích cực tham gia chống dịch COVID-19 của thầy và trò các trường y dược, đã và đang không quản ngại hy sinh gian khổ, đi đầu trong trận tuyển chống dịch, bảo vệ cuộc sống của người dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ mà các đại biểu đã nêu như: Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; Chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu, xuống cấp; Kiến thức cho học sinh vẫn nặng về lý thuyết mà còn thiếu tính thực tiễn, tính ứng dụng và kỹ năng sống; Việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập; Một số cấp ủy, chính quyền chưa dành sự quan tâm ngang tầm với nhiệm vụ “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Thủ tướng nhấn mạnh, vẫn còn hiện tượng bệnh thành tích trong giáo dục; chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo đại học đã có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; đời sống giáo viên, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn; tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành và nhu cầu về nguồn nhân lực xã hội cần; giáo dục, phát huy giá trị lịch sử truyền thống, văn hóa trong giáo dục chưa tương xứng; tác động của dịch COVID-19 đến giáo dục chưa được tiên lượng và đánh giá thầu đáo về mọi mặt...
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ sự thấu hiểu những khó khăn, trăn trở, tâm tư, mong muốn của các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, hiện nay phải tập trung giải quyết 2 vấn đề là: giải quyết các vấn đề của kế hoạch của năm học 2021-2022 và giải quyết vấn đề đang tồn tại của ngành Giáo dục gắn với mục tiêu để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo.
Về kế hoạch của năm học 2021-2022 Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Theo đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vaccine cho trẻ em dựa trên căn cứ khoa học và quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phủ hợp; rà soát, nếu nơi nào thiếu vaccine cho giáo viên thì bổ sung sớm. Đồng thời với việc tiêm vaccine cần đảm bảo các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp chống dịch khác để khi các cháu trở lại học bình thường.
Đối với việc dạy và học tại các “vùng đỏ” và “vùng vàng” dịch bệnh, trước mắt vẫn phải học trực tuyến. Do phải học trực tuyến, sẽ là thiệt thòi lớn của các cháu, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và kiến thức, vì vậy đề nghị các thầy cô giáo quan tâm đến các cháu để đảm bảo “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thủ tướng đánh giá rất cao nhiều trường, lớp, thầy cô đã có những chương trình vừa học vừa chơi để các con hứng thú học và không bị căng thẳng.
Thủ tướng chỉ đạo, đối với những học sinh, sinh viên của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Những giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa.
Nhân dịp này Thủ tướng cũng kêu gọi các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người", để từ đó đảm bảo cho thầy cô giáo, học sinh được đến trường an toàn, hiệu quả. “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Do đó, ngành Giáo dục cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý 4 năm nay cùng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế... Hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ những vứng mắc, giải quyết các đề xuất, kiến nghị như: vấn đề quy hoạch xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ chế, chính sách, phân bổ giáo viên và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng cho phù hợp; giảm bệnh thành tích trong giáo dục để đạt mục tiêu “học thật , thi thật , nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học gắn với hành”, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”; giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; trang bị cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học thiếu , xuống cấp.
Thủ tướng lưu ý việc thiết kế chương trình học đảm bảo tăng cường kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh. Việc biên soạn, quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cần khoa học, công khai, minh bạch. Giảm tình trạng dạy thêm học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, học một đằng thi một nẻo.
Sớm công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị. Cần có giải pháp để học sinh thích học môn lịch sử, yêu văn hóa, truyền thống dân tộc. Tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ gắn với việc đổi mới và sáng tạo cách dạy học...
Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", ngành Giáo dục đang thực hiện trọng trách vô cùng vinh dự của sự nghiệp “trồng người”; dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với truyền thống tốt đẹp và với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của từng giáo viên, sẽ xây dựng nền giáo dục ngày càng phát triển, tất cả vì thế hệ trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì một Việt Nam thịnh vượng “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Phạm Tiếp/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất