26/04/2013 12:15 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hơn 80 tuổi, trải bao thăng trầm với hội họa truyền thống, chưa bao giờ ông thấy dòng tranh sơn ta bi quan đến vậy. Sau 10 năm miệt mài chỉ làm tranh sơn ta, ông quyết định mở triển lãm tranh sơn ta để “thức tỉnh dư luận”.
Triển lãm Hội họa trên chất liệu sơn ta của họa sỹ Phùng Dzi Thuần vừa diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (Ngô Quyền, Hà Nội).
1. Theo chia sẻ của họa sỹ Phùng Dzi Thuần với TT&VH trước đó: nghề sơn truyền thống của người Việt đã có lịch sử rất lâu đời. Qua sử sách và tương truyền lại cho thấy từ thời Lê trong cuốn Bình vọng Trần thị gia phả đã nói về ông Tổ nghề sơn.
Năm 1930 trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính thức mở xưởng nghiên cứu sơn ta, đây là dấu mốc quan trọng xác lập vị thế nghề sơn truyền thống trên bản đồ hội họa quốc tế. Từ đó, sơn ta ứng dụng phổ biến trong hội họa. Đó là đã phát minh ra kỹ thuật mài ra hình sau khi làm những lớp màu chìm. Và thế là nghệ thuật tranh sơn mài ra đời sau những tìm tòi của các bậc tiền bối như họa sĩ Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí…
“Thời tôi học ở trường Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi chỉ dùng sơn ta. Và đó cũng là thời những bức tranh sơn ta đậm bản sắc dân tộc phát triển cực thịnh. Dần dà, tranh ta bị sơn công nghiệp làm phai mờ mất bản sắc.”- họa sỹ Phùng Dzi Thuần nói
2. Trở lại triển lãm Hội họa trên chất liệu sơn ta, triển lãm trưng bày 34 bức tranh vẽ làm bằng chất liệu sơn ta và sơn mài. Các bức tranh vẽ nhiều chủ đề khác nhau song chủ yếu đều mang cảm hứng hồi cố. Nhiều cảnh vật, nhiều con người (đã đến và đi nơi cõi tạm) được nhắc lại trong tranh của Phùng Dzi Thuần như: bà Huyện Thanh Quan tư lự nơi đèo Ngang (bức Bà Huyện Thanh Quan) Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân trầm tư trong một đêm bước chân về Phố cổ (bức Ba ông về thăm phố)…
Trong tranh Phùng Dzi Thuần, cảnh nhục dục xuất hiện cũng nhiều. Song nude trong tranh sơn ta của ông mang những vẻ đẹp nhẹ nhàng đằm thắm (chứ không sốc và sến). Điển hình như bức Đêm trăng vẽ thiếu nữ khỏa thân múc gàu dừa tắm đêm trăng. Cảnh quê, hồn quê, gái quê được tái hiện tinh tế và thuần khiết.
“Sự mộc mạc của sơn ta giúp tôi tái hiện được những khung cảnh, con người ấy. Màu sơn ta trầm ấm, kín đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Hơn thế, chất liệu sơn ta cũng được làm từ nguyên liệu thiên nhiên của Việt Nam nên đương nhiên, cảnh sắc, con người Việt phác họa qua sơn ta sẽ rất có hồn”- Họa sỹ Phùng Dzi Thuần nói.
3. Triển lãm là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật suốt 10 năm của Phùng Dzi Thuần. Ông chia sẻ: “Các ông thầy người Pháp ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xưa cũng như nhiều nhà sưu tập trên thế giới đánh giá rất cao ngôn ngữ hội họa được thể hiện bởi chất liệu tranh sơn ta và kỹ thuật luyện chế thành sơn chín (cánh gián, sơn then). Thậm chí, kỹ thuật này còn được xem như bí quyết thì hiện nay, thì chính bản thân các nghệ sỹ lại đang lãng quên dần, đôi khi còn biến tướng nó. Nên tôi quyết làm một triển lãm tử tế để thức tỉnh dư luận!”
Cũng theo họa sỹ Phùng Dzi Thuần, nhịp sống kim tiền hối hả khiến các nghệ sỹ trẻ mang ý thức “ăn xổi”. Họ cố vẽ thật nhiều, thật nhanh để thu thật nhiều tiền. Trong khi đó, tranh sơn ta đòi hỏi người nghệ sỹ phải rất cẩn thận trong việc sáng tác. Chỉ cần một sơ ý nhỏ có thể hỏng cả bức tranh.
Nguy hiểm hơn, nghệ sỹ còn bày tỏ sự ái ngại trước thực trạng thương lái nước ngoài đang ráo riết tìm mua cây sơn ta của Việt Nam. “Thực tình, không biết họ mua về để làm gì song giờ nguồn cung sơn ta có chất lượng là rất ít. Cả mấy chục năm ròng theo dòng tranh truyền thống, tôi phải xoay xỏa đủ bề mới có sơn ta đủ tuổi để vẽ”- ông nói.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất