24/07/2021 06:45 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Mấy hôm nay khi nghe tin dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở phương Nam, lòng tôi bồn chồn nghĩ đến những người thân yêu, những bạn bè đã từng làm việc cùng tôi trong nhiều năm tháng sôi động của tuổi trẻ…Tôi ngồi đọc lại bài thơ Nhớ Bắc của tác giả Huỳnh Văn Nghệ (1914 -1977) và viết bài này gửi các bạn phương Nam thân yêu.
Có lẽ có rất nhiều người biết câu thơ “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Đó là một tâm trạng nhớ của tất cả những ai đi xa đất Bắc, xa Hà Nội...Nỗi thương nhớ ấy âm vang trong lòng người xa quê da diết nhung nhớ mà lúng túng... không biết nói nên lời, chợt bắt gặp câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ bỗng ứa nước mắt ghi nằm lòng, thỉnh thoảng lại đọc lên cho thỏa nỗi nhớ.
Thế rồi,với người ham đọc, ham tìm hiểu thì sự biết không thể dừng ở đó...Từ câu thơ "nằm lòng" ấy ta bắt đầu một cuộc tìm kiếm nơi nguồn cội và... bài thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ hiện ra trước mắt ta với một vẻ kỳ bí lạ lùng hấp dẫn chói ngời ánh gươm lấp lánh và gương mặt dãi dầu sương gió của người tráng sĩ...
“Ai về xứ Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn.
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.
Sứ mạng ngàn Thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi.
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa.
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta”.
(Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ - Chiến khu Đ- 1946)
Giọng thơ hào sảng rõ ràng là của một võ tướng! Đúng ông là một nhà chỉ huy quân sự đã cầm quân đánh trận. Sao có một chút bàng hoàng khi tìm hiểu tiểu sử tác giả Huỳnh Văn Nghệ, ông là người Nam bộ, sinh ra và lớn lên ở Nam bộ. (Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2/2/1914 tại làng Tân Tịch, tổng Mỹ Chánh Hạ, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Như thế nghĩa là suốt thời thơ ấu, cái thời mà mọi ấn tượng đầu đời sẽ khắc ghi vào ký ức, ông không hề ở Thăng Long. Vậy sao ông lại "thương nhớ đất Thăng Long"?
Đọc tiếp đoạn thơ sau, ta bắt đầu chạm đến nền sâu thẳm của bài thơ: “Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong thơ ca, tên Nguyễn Hoàng được gọi lên như là một ông tổ của những người ra đi mở mang bờ cõi cho đất nước. "Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!".
Vậy Nguyễn Hoàng là ai? Chúng ta lại mở trang sử nước nhà để tìm câu trả lời.
Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) ông là con trai thứ 2 của An Thành Hầu Nguyễn Kim, ông sinh ra ở Thanh Hóa. Dưới triều nhà Lê Trung Hưng, ông là một tướng tài lập nhiều công lớn được vua Lê phong tước Thái úy Đoan Quốc Công.
Năm 1545, cha ông là Nguyễn Kim bị đầu độc chết, quyền lực trong triều rơi vào tay anh rể là Trịnh Kiểm. Lo sợ bị sát hại và theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông xin vào trấn thủ Thuận Hóa (là khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế hiện nay). Năm 1601, vốn là một Phật tử, ông cho xây chùa Thiên Mụ như là một cột mốc cho lịch sử Đàng Trong. Để mở rộng bờ cõi, năm 1611, ông thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên sau khi trấn giữ Thuận Quảng...
Ông được các chúa Nguyễn suy tôn là Chúa Tiên mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 đời Chúa Nguyễn và sau này là vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 đời vua.
Như vậy tác giả bài thơ Nhớ Bắc dường như đã tìm về cội nguồn để cảm nhận nỗi Nhớ Bắc từ thăm thẳm lịch sử mấy trăm năm trước, từ Nguyễn Hoàng-thái úy Đoan Quốc Công của vua Lê đã giã biệt kinh thành Thăng Long mà đi vào phương Nam. Nỗi nhớ ấy là từ trong máu huyết truyền từ đời này sang đời khác:
“Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”.
Phải chăng trong một đêm phương Nam thao thức, những mái đầu xanh sinh ra ở vùng đất mới đã tự đặt câu hỏi: "Ta là ai?", "Cội rễ ta ở đâu?" Giữa trời rộng sông dài, con người nhỏ nhoi chống chọi với sóng to gió lớn, hùm beo, cá sấu có lúc ở trong tâm trạng "Mà ta con cháu mấy đời hoang"?
Và rồi tác giả bài thơ Nhớ Bắc đã trả lời lại nỗi băn khoăn ấy là một nỗi nhớ có thực, một sợi dây vô hình gắn kết Bắc Nam như thể là trong Nam có Bắc, trong Bắc có Nam trong từng hương thơm, trong từng hơi thở, từng câu hát bày tỏ nỗi buồn vui...
“Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn.
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng”.
Tác giả đã quay về lịch sử, giao cảm với tâm trạng của những vị tướng oanh liệt dũng mãnh xông xáo mở mang bờ cõi cho đất Việt từ mấy trăm năm cũ.
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.
Mở mang bờ cõi xa tới đâu, thì tấm lòng nhớ kinh đô cũ dường như lại bùng lên da diết như là một giấc mơ dài không dứt, không hết...
Để rồi đến khổ thơ cuối, tác giả như lại bừng tỉnh trở về với thực tại năm 1946, tại chiến khu của cuộc kháng chiến đang ở lúc ác liệt nhất. Lúc đó cả một dải đất hình chữ S đã là một mặt trận chống lại một đội quân xâm lược Đế quốc Pháp hùng mạnh. Giữa lúc cam go, tình yêu đất nước, truyền thống dân tộc dâng trào trong lòng vị tướng kháng chiến, nỗi Nhớ Bắc của ông là nỗi nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc:
“Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta”.
Câu chuyện thanh kiếm báu của Lê Lợi trả lại cho rùa thần ở Hồ Gươm, được tác giả nhắc lại với một hàm ý như thể "gươm mở cõi" và "kiếm giữ nước" không phải để thần linh lưu giữ mà chính là để ở lòng dân.
Vị tướng của nhân dân đó, bằng thực tế cuộc đời mình đã viết nên những trận chiến đấu và chiến thắng oanh liệt, phải chăng chính là vì ông đã sống với một tâm hồn lớn, một tâm hồn thấm sâu những rung cảm lịch sử truyền thống dân tộc, một truyền thống có cội nguồn từ nòi giống Lạc Hồng, từ nền văn minh Thăng Long để rồi vượt lên, đi xa hơn, vượt ra ngoài cái Hồ Hoàn Kiếm nhỏ nhoi để mang gươm đi mở cõi như là một “Sứ mạng/ Chinh Nam/ Say bước...”(chữ của Huỳnh Văn Nghệ).
Vị “Thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ sinh ra trên đất phương Nam mà lại là tác giả câu thơ "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" câu thơ được hàng triệu người con đất Việt thuộc nằm lòng. Câu thơ đó như bay lồng lộng trên mây trắng trời xanh một chân lý: Dân tộc Việt Nam là một! Đó là một khối thống nhất từ đỉnh cao Lũng Cú Hà Giang đến đất Mũi Cà Mau và đang vươn ra biển lớn.
Bài thơ Nhớ Bắc là lời ca của những người đi mở cõi cho đến nay vẫn còn “Say bước”...
(Hà Nội, những ngày chống dịch Covid-19)
Nhà văn Lê Phương Liên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất