Steve Jobs và trái táo cuộc đời

08/10/2011 07:00 GMT+7 | Cuộc sống Số

Biểu tượng trái táo mất một góc được những “tín đồ” của Apple hướng tới như ước mơ phấn đấu đạt đến sự hoàn thiện của một triết lý mở mà Steve Jobs đã để lại cuộc đời này. Nhìn lại đời ông cũng giống như một trái táo không tròn trĩnh với sự phấn đấu tột cùng để hướng đến hoàn thiện trong từng ý tưởng và sản phẩm cho cuộc sống này.

>> Chuyên đề về Steve Jobs

Kỳ 1: “Tôi muốn những sản phẩm tuyệt vời”

Vào một ngày đầu hè năm 2004, tôi nhận được cuộc điện thoại của ông (Steve Jobs). Nhiều năm qua, Steve Jobs và tôi giữ một khoảng cách thân tình chừng mực, thỉnh thoảng tình thân này lại trở nên mãnh liệt hơn khi ông cần phải giới thiệu một sản phẩm mới trên bìa tạp chí Time hay trong mục chuyên đề của Hãng truyền thông CNN, là hai nơi mà tôi từng làm việc.



Steve Jobs


Nhưng khi tôi không còn làm việc ở hai nơi này nữa, ông ít liên lạc hơn. (Qua điện thoại) chúng tôi nói chuyện sơ qua về Viện Aspen nơi tôi vừa bắt đầu làm việc vào thời điểm đó, và tôi mời ông đến một buổi thuyết trình cho khóa học hè của chúng tôi tại Colorado. Jobs nói ông rất vui và sẽ tham dự, nhưng sẽ không lên sân khấu thuyết trình. Rồi ông nói ông muốn gặp mặt tôi để đi dạo và trò chuyện.

Lửa sáng tạo

Đề nghị của Job nghe có vẻ hơi kỳ quặc. Tôi chưa từng biết ông thích đi dạo dông dài để trò chuyện nghiêm túc. (Khi chúng tôi gặp nhau), hóa ra Jobs muốn tôi chấp bút cho cuốn hồi ký của ông. Vào thời điểm đó tôi vừa mới ra mắt cuốn hồi ký về Benjamin Franklin và đang viết một cuốn khác về Albert Einstein. Phản ứng ban đầu của tôi là thắc mắc, nửa đùa nửa thật, xem có phải ông nhìn nhận bản thân mình như là người kế tục các bậc tiền bối kia hay không. Vì quả thật lúc đó tôi nghĩ rằng sự nghiệp của ông sẽ còn dao động, còn nhiều thăng trầm phía trước. Tôi trả lời Jobs chưa phải lúc đâu. Chừng một hai thập kỷ nữa, khi ông về hưu đã.

Nhưng rồi sau đó tôi nhận ra Jobs đã gọi cho tôi ngay trước khi bước lên bàn phẫu thuật (ung thư tuyến tụy) lần đầu tiên. Rồi qua thời gian, tôi quan sát ông chiến đấu với căn bệnh của mình với sự mãnh liệt đáng kinh ngạc, kèm với một chủ nghĩa lãng mạn đáng cảm động, tôi dần nhận ra sức hút mạnh mẽ của Jobs và nhận ra cá tính của ông đã hóa thân vào trong các sản phẩm mà ông sáng tạo. Đam mê, quỷ quyệt, khát khao, nghệ thuật, liều mạng và nỗi ám ảnh về quyền kiểm soát - tất cả đều được truyền tải vào trong phong cách kinh doanh của Jobs.

Những lực hút gắn kết cá tính của Jobs và những sản phẩm mà ông sáng tạo đều bắt nguồn từ một đặc tính nguồn của ông - sự mãnh liệt. Ngay từ thời trung học, Jobs đã quyết định ăn kiêng chỉ bằng trái cây và rau quả để trở nên mảnh dẻ. Từ thời đó, ông đã tập cách nhìn chằm chằm vào người đối thoại, và tạo cho mình phong cách trò chuyện xen lẫn giữa những phút im lặng kéo dài với những trường đoạn nói cực nhanh.

Sự mãnh liệt này cũng biến Jobs thành người nhìn thế giới theo hai thái cực. Đồng nghiệp thường nhắc đến ông hoặc như một người hùng hoặc như một kẻ vô lại - đôi khi ông chuyển từ thái cực này sang thái cực khác chỉ trong một ngày. Cách Jobs nhìn các loại sản phẩm cũng thế: hoặc sản phẩm ấy là "thứ hay ho nhất từ trước đến nay" hoặc chỉ đơn giản là đồ chết tiệt...

Hoàn hảo với cuộc đời

Tính cầu toàn cũng là lý do đằng sau việc Jobs muốn kiểm soát từ đầu đến cuối các sản phẩm của Apple. Hầu hết giới tin tặc hoặc dân chơi máy tính đều thích chỉnh sửa và biến hóa bộ phận của máy tính mà mình sử dụng. Với ông, cách dùng đó làm máy tính mất đi tính trôi chảy điều hòa của nó... Khi tạo ra chiếc Macintosh, ông đã loại bỏ các ổ cắm thêm, thậm chí dùng loại đinh vít đặc biệt để dân chơi máy tính không thể tháo máy ra mà tí toáy...

Đối với Jobs, niềm tin vào việc chế tạo các sản phầm đồng bộ không chỉnh sửa là một vấn đề mang tính nguyên tắc. Ông từng giải thích: "Chúng tôi làm thế không phải vì chỉ muốn làm kẻ lạm quyền kiểm soát. Chúng tôi làm thế vì muốn tạo ra những sản phẩm thật sự tuyệt vời, và muốn chịu trách nhiệm trong việc mang lại một trải nghiệm hoàn hảo thay vì chỉ cung cấp những sản phẩm vớ vẩn mà ai cũng làm được”. Thêm vào đó, ông nói “cuộc sống của người sử dụng sản phẩm đã rối rắm đủ rồi, không cần phải làm thêm một sản phẩm rắc rối để họ phải nối kết máy nọ với dụng cụ kia nữa”...

Vài tuần trước, tôi đến thăm Jobs lần cuối cùng tại nhà ông ở Palo Alto, California. Ông đã chuyển xuống căn phòng tầng trệt vì quá yếu, không còn có thể lên xuống cầu thang nữa. Ông đang chịu những cơn đau mạnh nhưng đầu óc thì vẫn sắc sảo và óc khôi hài vẫn tinh quái như thường. Chúng tôi trò chuyện về tuổi thơ của ông, và ông đưa cho tôi vài tấm hình để sử dụng trong cuốn hồi ký sắp xuất bản.

Là người chấp bút sách, tôi đã tập thói quen không gắn cảm xúc cá nhân với công việc, nhưng thật lòng là tôi bị khuấy động vì làn sóng buồn sâu sắc khi chúng tôi nói lời từ biệt.

Để che giấu cảm xúc của mình, tôi hỏi Jobs điều vẫn làm tôi thắc mắc bấy lâu nay: Vì sao ông lại nhiệt tình như thế trong suốt hơn 50 cuộc phỏng vấn và trò chuyện trong vòng hơn hai năm, cởi mở bộc lộ mọi thứ về bản thân trong khi vốn dĩ ông là người rất kín tiếng? Steve Jobs nói: “Tôi muốn con cái tôi được biết về tôi. Tôi đã không thường xuyên có mặt trong đời các con, và tôi muốn các con tôi biết được vì sao và hiểu được những điều tôi đã làm”.

Walter Isaacson(viết cho tạp chí Time)

Walt Disney treo cờ rủ

Hôm qua 7-10, cả thế giới vẫn tiếp tục bày tỏ niềm tiếc thương và sự tưởng nhớ đối với Steve Jobs. Theo Reuters, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev viết trên Twitter: “Những người như Steve Jobs đã làm thay đổi thế giới”. Trên trang mạng xã hội Facebook, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định Steve Jobs là một trong những doanh nhân và nhà sáng chế vĩ đại nhất trong lĩnh vực công nghệ. “Ông ấy sẽ là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta”. Theo báo Independent, mới đây tổng giám đốc Hãng phim Walt Disney Bob Iger đã yêu cầu treo cờ Mỹ và cờ Walt Disney rủ tại khu nghỉ mát lớn nhất thế giới Walt Disney World ở Florida (Mỹ) cũng như các cơ sở khác của Walt Disney để tưởng nhớ Steve Jobs. Người sáng lập Hãng Apple nắm giữ 7% cổ phiếu của Walt Disney, có chân trong ban giám đốc Walt Disney. Việc treo cờ rủ sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 12-10. Trụ sở của Apple ở thành phố Cork, Cộng hòa Ireland cũng treo cờ rủ trong ngày 6-10 để tưởng nhớ Steve Jobs.



Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm