08/09/2014 09:44 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Các lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM không phủ nhận chuyện xuống cấp của các cơ sở vật chất phục vụ thể thao trên địa bàn thành phố. Từ sự cố nhà thi đấu Phan Đình Phùng, có thể trong tương lai gần, thể thao TP.HCM phải thực hiện cuộc đại tu những công trình đó.
1. Giám đốc Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ: “Không chỉ Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đâu mà những người quản lý thể thao như tôi đều đồng ý rằng, cơ sở vật chất phục vụ TDTT ở TP.HCM này đều đã xuống cấp nhiều rồi. Số tôi có lẽ gặp xui nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc như vừa qua mà thôi”.
Trong khi đó, Giám đốc Sở VH, TT & DL TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: “Trong thời gian tới, không những nhà thi đấu Phan Đình Phùng mà tất cả các cơ sở phục vụ TDTT khác trên địa bàn TP.HCM sẽ được kiểm tra chất lượng để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như thế”.
Sau sự cố “mất bò”, người làm thể thao TP.HCM có lẽ đã “tá hỏa” trước sự việc không những gây ảnh hưởng đến tiếng tăm của riêng thành phố mà còn là hình ảnh quốc gia. Ông Nguyễn Minh Hoàng thẳng thắn nhìn nhận sự xuống cấp của nhà thi đấu Phan Đình Phùng.
Tuy nhiên, để tránh những sự cố tai tiếng như vừa qua không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân nào. Theo ảnh hưởng của thời gian, chuyện xuống cấp ở các cơ sở vật chất phục vụ TDTT là rất đỗi bình thường.
Và trong thời gian tới, lãnh đạo ngành thể thao đang cân nhắc chuyện đệ trình đề án xây mới những nhà thi đấu đã xuống cấp, ví như nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Lý do vì việc chắp vá lúc này không hẳn đã đỡ tốn kém.
Không chỉ có trần nhà, những hệ thống đi kèm quanh nhà thi đấu đều đang hao mòn theo thời gian, nếu sửa chỗ này lại hư chỗ khác. Thế thì thà tốn một lần rồi thôi, ông Hoàng cũng cho biết nhiều khả năng, nhà thi đấu Phan Đình Phùng sẽ được đầu tư xây mới.
2. Trở lại với câu chuyện xuống cấp của các cơ sở vật chất phục vụ TDTT, TP.HCM có lẽ còn đau đầu với chuyện không đủ nơi tập luyện hay thi đấu từ thể thao đỉnh cao đến phong trào. Điển hình như khi nhà thi đấu Phan Đình Phùng gặp sự cố, giải Việt Nam Open chuyển sang nhà thi đấu Tân Bình, các VĐV bóng chuyền nữ thuộc CLB Tân Bình bỗng dưng phải …ra hành lang tập chay với nhau vì không còn sân để tập. Gần 1 tuần diễn ra giải đấu, có thể họ phải “nhịn” tập luyện để nhường sân cho các VĐV cầu lông.
Nhìn sang mảnh sân nhỏ nơi các VĐV khuyết tật thường xuyên tập trung để tập luyện, họ cũng không có nhiều đất để tập luyện. Ở một thành phố đông dân nhất nước, đếm nhanh cũng chỉ lơ thơ vài nhà thi đấu phục vụ hoạt động TDTT như Tân Bình, Rạch Miễu, Phan Đình Phùng, Lãnh Binh Thăng, SVĐ Thống Nhất, Phú Nhuận. Đó là những địa điểm lớn ở TP.HCM và tình trạng chung là đều đang xuống cấp.
Với thể thao phong trào, không khó để nhận ra rằng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân TP.HCM ngày càng phát triển. Những công viên Gia Định, Tao Đàn, Lê Thị Riêng buổi chiều tối nườm nượp người ra vào. Hay không nơi nào phát triển mạnh kinh doanh sân cỏ nhân tạo phục vụ bóng đá 5 người như ở TP.HCM, nhưng cơ sở vật chất phục vụ TDTT vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của người dân.
Phải chăng thể thao TP.HCM nhiều năm gần đây đi xuống cũng bởi “phần đóng góp” của nguyên nhân này?
Phan An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất