08/07/2019 07:13 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Xem nghe thấy đọc tuần này có nhiều loại hình di sản đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại được trình diễn tại Hà Nội và hình thức diễn xướng đặc trương của Nam bộ đã tồn tại hơn 300 năm: Bóng rỗi – Địa Nàng.
1. Một cột mốc đặc biệt đã diễn ra với Hà Nội vào 20 năm trước: Ngày 16/7/1999, tại La Paz (Thủ đô của Bolivia), Hà Nội đã được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là danh hiệu được UNESCO xét tặng từ 1997 theo chu kỳ 2 năm/lần. Ở mỗi lần xét tặng, 5 thành phố tiêu biểu của 5 khu vực trên thế giới sẽ được bình chọn, dựa trên các tiêu chí: sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; phát triển văn hóa - giáo dục cho thế hệ trẻ.
Để kỷ niệm cột mốc đặc biệt này, cũng như nhìn lại những thành tựu văn hóa của thành phố sau 2 thập kỷ, nhiều hoạt động đặc biệt sẽ được Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 13, 14/7 tới đây. Trong đó, trọng tâm của chương trình là lễ kỷ niệm diễn ra vào sáng 13/7 tại vườn hoa Lý Thái Tổ, kèm theo đó là các màn thả chim bồ câu, bóng bay mang thông điệp hòa bình và hoạt động đi bộ vì hòa bình với sự tham gia dự kiến khoảng 5.000 người. Đặc biệt, trong dịp này, Thành phố sẽ công bố việc xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.
Nằm cạnh Hồ Gươm, vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực phố đi bộ liền kề cũng là trung tâm của chuỗi hoạt động văn hóa diễn ra trong 2 ngày tiếp theo, bao gồm 2 đêm nhạc có chủ đề: Tôi yêu Hà Nội và Thắp sáng hòa bình, giới thiệu và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh như: Nghệ thuật bài chòi, Nhã nhạc Cung đình Huế, ca trù…; trưng bày “làng hữu nghị” tại phố Lê Thạch để giới thiệu văn hóa các nước, tổ chức liên hoan các ban nhạc kèn Hà Nội tại sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối 14/7…
Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động phụ trợ như: Triển lãm ảnh Người Hà Nội thanh lịch văn minh và triển lãm ảnh Nhật ký hòa bình tại di tích nhà tù Hỏa Lò; Liên hoan giai điệu hòa bình, hữu nghị với chủ đề Âm vang thành phố hòa bình vào tháng 10/2019, phát động đợt viết về Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; tổ chức cuộc thi tìm kiếm “Đại sứ hữu nghị vì hòa bình 2019” và cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế Em yêu Hà Nội- Thành phố hòa bình…
2. Vào lúc 19h30 ngày 13/7/2019 tại sân khấu Kim Ngân (144 Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM) chương trình diễn xướng Nam bộ kỳ 5 với chủ đề Bóng rỗi - Địa Nàng sẽ diễn ra. Bóng rỗi và Địa Nàng là các loại hình diễn xướng đặc trưng của Nam bộ, với lịch sử hơn 300 năm.
Bóng rỗi, hoặc múa bóng rỗi, hoặc múa bóng gắn với phong tục thờ vía Bà ở Nam bộ, nên thường diễn ra định kỳ tại các đình, các miễu thờ bà. Về hình thức bên ngoài thì có vài nét tương đồng với hầu đồng tại Bắc bộ, nhưng bản chất và triết lý thì khá khác biệt. Bóng rỗi gồm vài điệu múa dâng hương, thờ cúng, còn lại chủ đạo là mua vui, giải trí, mang lại tiếng cười, sự chú ý cho người đi lễ.
Địa Nàng, hoặc chặp Địa-Nàng ban đầu là một sinh hoạt ca múa nhạc trong dân gian Nam bộ, về sau “sáp nhập” với bóng rỗi để thành Bóng rỗi - Địa Nàng. Trong các lễ vía Bà, Địa Nàng thường chiếm chủ đạo về thời lượng, mà mục đích chính mang lại sự giải trí, giải chấp, hơn là tâm linh. Địa ở đây Thổ Địa, còn Nàng là tiên nữ Hằng Nga. Nàng xuống trần hái lộc cầu an cho dân chúng, gặp Địa thì bị cà khịa, đùa giỡn đủ điều, kết quả làm nên chặp Địa-Nàng. Với lối diễn vừa bài bản vừa ứng tác, gồm cả múa xiếc tạp kỹ, Địa Nàng là tiết mục đặc sắc, thu hút đông đảo người xem.
Ngày nay, Bóng rỗi - Địa Nàng tuy không còn thịnh như trước đây, nhưng vẫn khá phổ biến ở Nam bộ. Tuy nhiên, với người dân bình thường, vốn ít chú ý đến hoạt động của các miễu Bà thì cũng ít có dịp được xem. Nếu lần về cốt tủy và ý nghĩa nhân sinh, Bóng rỗi - Địa Nàng cho thấy nhiều điều đáng trân trọng.
Đầu tiên, đó là việc đề cao vai trò của người nữ trong các hoạt động khai hoang, lập đất, tâm linh, nghệ thuật, trình diễn… giúp giải phóng họ ra khỏi các ràng buộc, các giới hạn vốn phổ biến trong xã hội truyền thống và phong kiến. Thứ hai, việc Địa cà rỡn, tán tỉnh Nàng, châm biếm cả thần, nhà trời, tiên giới… đã thể hiện tinh thần tự do, khát vọng bình đẳng. Thứ ba, cách tích hợp trình diễn của Bóng rỗi - Địa Nàng thực sự là một nét riêng, đan xen giữa yếu tố tín ngưỡng và nghệ thuật - vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh và nhu cầu giải trí của người tham dự những buổi lễ cúng Bà.
Bên cạnh hát bội, đờn ca tài tử, cải lương, thì Nam bộ còn có bóng rỗi - Địa Nàng, một hình thức diễn xướng lâu đời, nhưng rất may, vẫn còn khá hoàn chỉnh cho đến ngày nay. Qua nghệ thuật và triết lý của Bóng rỗi - Địa Nàng, chúng ta có thể hiểu được một phần tinh thần, bản sắc của vùng đất Nam bộ.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất