28/04/2014 08:19 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Hôm qua, 27/4, trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần 1 - Bạc Liêu 2014, tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã diễn ra Hội thảo khoa học: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân và đại diện ban ngành văn hóa của các tỉnh thành là chủ nhân di sản văn hóa Đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử: Vừa “tiêu khiển”, vừa nghệ thuật
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã mở đầu hội thảo bằng lời phát biểu ngắn gọn khẳng định giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Trong các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận ở nước ta thì Đờn ca tài tử có vị trí đặc biệt quan trọng vì sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến bất cứ đâu; bởi sức sáng tạo, sự ngẫu hứng làm nên tính bình đẳng, tình đoàn kết giữa những người chơi với nhau. Ở đây, người chơi, cả đờn và ca, đều “nương” nhau, thể hiện một tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” rất đặc trưng Nam Bộ.
GS.TS Trần Văn Khê đã điểm lại quá trình ra đời và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử từ sự chuyển lưu của dòng nhạc bác học từ cung đình Huế hòa quyện với yếu tố dân gian và phong thổ vùng đất phương Nam làm nên một loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc vừa là thú tiêu khiển và cũng để thỏa mãn nhu cầu sáng tác nghệ thuật.
Với Đờn ca tài tử, bất cứ ai, không phân biệt hèn sang, địa vị, học thức, cũng có thể trở thành nghệ sĩ và đôi khi chính những ông bác sĩ, kỹ sư, chánh án phải quay lại “bái phục” ngón đờn điêu luyện của một anh hớt tóc, chèo đò… Phải có sự bình đẳng, dân chủ đó mới làm nên cái gọi là “tâm tấu” mà ở đó người ta nghe tiếng đờn là đã hiểu tâm tình của nhau.
Cần tôn vinh di sản đúng cách
Tuy nhiên theo dòng thời gian với những biến thiên xã hội, thật khó để Đờn ca tài tử chỉ hoàn toàn là những cuộc chơi. Theo nghệ nhân Tấn Nhì, đời sống đương đại với nhịp sống công nghiệp đâu thể còn cảnh nông nhàn để đờn ca thâu đêm suốt sáng.
Đờn ca tài tử cũng đã phần nào thay đổi phong cách trình tấu theo yêu cầu giao lưu hay phục vụ lễ tiệc (cấu trúc chương trình bài bản tươi mát, gọn nhẹ hơn; trích câu, trích đoạn ra chứ không còn đờn trọn bản…). Đó có thể nói là lai tạp nhưng là một xu thế tất yếu không thể cưỡng lại được nhằm hòa nhập với xã hội đương đại. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều tụ điểm tư gia trên khắp Nam Bộ có nhiều nghệ nhân đích thực không cần danh nghĩa hay quyền lợi vật chất vẫn “vui vẻ làm công việc bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử Nam Bộ từ cái gốc rễ của nó”. Hiện nay chúng ta đang sa đà vào chăm bón phần ngọn (những hoạt động phong trào, liên hoan rầm rộ…) mà bỏ quên cái gốc, không chú ý chăm lo đến các nghệ nhân gạo cội – những “báu vật sống” của nghề.
Theo báo cáo của nhiều địa phương, một thực trạng rất đáng quan ngại là hiện chúng ta có rất nhiều tài tử ca nhưng lại khan hiếm tài tử đờn khi quá trình học tập và rèn luyện nên một tay đờn tài tử đòi hỏi rất nhiều thời gian và “lắm công phu”. Sự mất cân đối này là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho sự mai một nghệ thuật Đờn ca tài tử khi những ngón đờn điêu luyện rơi rụng dần mà lớp kế thừa không đủ sức nắm bắt mà dần lãng quên những giá trị tinh hoa.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho rằng việc bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử nên gắn liền với việc cổ súy việc sáng tác bài bản mới nhưng để viết được nhạc thì phải biết đờn. Mà với tình trạng thiếu hụt người học đờn hiện nay thì đây vẫn là vấn đề nan giải.
Có cái nhìn khá lạc quan, ông Võ Trường Kỳ cho rằng bên cạnh việc lưu giữ những giá trị chuẩn mực (thống nhất và thu âm lưu trữ 20 bài bản Tổ) thì nên để Đờn ca tài tử phát triển tự do và: “thời gian trôi qua sẽ tự sàng lọc những gì là tinh hoa, giá trị. Chính Đờn ca tài tử hiện nay cũng là kết quả của những sự sáng tạo, dám vượt qua khuôn khổ!”
Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất