Sức hút kỳ lạ của hai vở cải lương kinh điển

10/03/2014 13:52 GMT+7 | Văn hoá


(giaidauscholar.com) - Tối 1 và 2/3, lâu lắm rồi nhà hát Bến Thành (TP.HCM) mới sống lại cảm giác “nghẹt rạp” khi phải kê thêm ghế để đón lượng khán giả kỷ lục đến với hai đêm diễn Tiếng trống Mê LinhBên cầu dệt lụa. Vé của hai ngày cuối tuần này, 8 và 9/3 tiếp tục “cháy”. Đây là hai vở tuồng kinh điển của sân khấu cải lương đã nhiều lần được tái dựng và lần nào cũng được khán giả hào hứng đón đợi. Điều gì làm nên sức hút kỳ lạ đó?

Chuẩn mực cải lương

Nhiều kịch bản cải lương sau này thường bị phàn nàn là “kịch nói đâm bài ca”, là thiếu “chất cải lương”. Nhưng cái “chất cải lương” đó như thế nào thì không dễ nói cho rõ ràng, rành mạch theo kiểu liệt kê luận cứ khoa học mà chỉ có thể do khán giả cảm nhận và công nhận. Tiếng trống Mê Linh Bên cầu dệt lụa hoàn toàn khác nhau về đề tài và phong cách nhưng đều được nhìn nhận là thể hiện “chuẩn mực” chất cải lương: tính bi hùng ở Tiếng trống Mê Linh và sự trữ tình của Bên cầu dệt lụa toát lên hài hòa từ chất liệu văn chương đến âm nhạc và thần thái người nghệ sĩ.

Mảng đề tài chống ngoại xâm luôn chiếm vị trí quan trọng, sân khấu cải lương là lĩnh vực đóng góp nhiều tác phẩm giá trị bậc nhất mà Tiếng trống Mê Linh vẫn luôn được xem là một đỉnh cao. Lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vở diễn là bài ca bất diệt về truyền thống yêu nước, đấu tranh giữ gìn bờ cõi của cha ông. Tiếng trống Mê Linh có kết cấu cổ điển của loại tuồng “kể chuyện” dẫn dắt sự kiện, tình tiết theo tuần tự thời gian. Các lớp diễn cô đọng và sắp xếp hợp lý. Tuy xuất hiện nhiều nhân vật nhưng mỗi người đều có đất diễn với tâm lý tròn đầy cùng những trường đoạn khai thác sâu nội tâm. Sự đặc sắc của tuồng không nằm ở cốt truyện mà ở những lớp diễn đã thành kinh điển: chất tự sự hòa quyện với trữ tình, tình nhà bên nợ nước, niềm riêng hòa cái chung trong đêm Mê Linh khi Trưng Trắc tiễn chân chồng là Thi Sách ra đi chuẩn bị khởi nghĩa. Không dồn dập kịch tính nhưng chỉ một điểm nhấn được đẩy lên cao trào đỉnh điểm: Trưng Trắc “tế sống” chồng và nổi trống tiến quân đã đủ để Tiếng trống Mê Linh “còn mãi với thời gian”. Lớp diễn có một không hai này không chỉ đúc kết chủ đề tư tưởng “vị quốc vong thân”, “nợ nước trên tình nhà” - truyền thống ngàn đời của một dân tộc luôn phải đối mặt nguy cơ ngoại xâm - mà trên hết là kết tinh đặc trưng nghệ thuật ca kịch cải lương: bi kịch và hùng ca hay “máu và nước mắt” (ví von về sân khấu cải lương của TS Yến Chi - Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).

Bên cầu dệt lụa mang một vẻ đẹp gần như đối lập khi không đặt con người trong bi kịch lớn - sự vong quốc như Tiếng trống Mê Linh mà thử thách ứng xử về tình yêu và đạo nghĩa trong mỗi cá nhân. Lấy cảm hứng từ truyện thơ dân gian Trần Minh khố chuối, Bên cầu dệt lụa không có cái không khí hùng tráng dễ tác động đến cảm xúc người xem như Tiếng trống Mê Linh nhưng xét về tổng thể lại hoàn chỉnh hơn. Mỗi lớp diễn đều có sức nặng riêng kết hợp hài hòa làm nên một tác phẩm nhẹ nhàng mà sâu sắc, bình dị mà tuyệt đẹp. Bên cầu dệt lụa nổi bật nhất ở giá trị văn chương cùng việc dựng nên những hình mẫu nhân vật lý tưởng điển hình: Quỳnh Nga - đại diện cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam chung thủy, chính chuyên, đầy khí tiết; Trần Minh - một nam nhân chuẩn mực với đủ đầy: hiếu, tín, lễ, nghĩa; Nhuận Điền - một trong những nhân vật sân khấu đặc sắc và được yêu thích bậc nhất khi mang dáng dấp một “anh Hai Nam Bộ” trọng nghĩa khinh tài. Lớp diễn Trần Minh tái ngộ Nhuận Điền trong lớp áo hàn sĩ sau khi đỗ đạt được xem là mẫu mực bởi triết lý nhân sinh sâu sắc thể hiện qua lời ca cải lương giàu chất văn học cùng diễn biến tâm lý vô cùng tinh tế của đôi nhân vật tri kỷ. Tác giả Thế Châu đã thực sự “cân đong” từng chữ để cho ra đời một Bên cầu dệt lụa “đẹp” từng lời thoại, câu ca. Tuy nhiên, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp đó cùng tinh thần vở diễn thì có lẽ khán giả cần một “độ lắng” về thời gian.

Tiếng trống Mê Linh Bên cầu dệt lụa nằm trong số những kịch bản, không ít khán giả có thể thuộc nguyên tuồng. Và chắc chắn mỗi khi Mê Linh biệt khúc - “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề…” (Tiếng trống Mê Linh) hay bài ca quay tơ của Quỳnh Nga - “Dòng tơ tươi thắm đau thân tằm se mình…” (Bên cầu dệt lụa) vang lên đâu đó là sẽ lại có người ngân nga theo.

Dấu ấn Thanh Minh - Thanh Nga

Tiếng trống Mê Linh (tác giả: Vĩnh Điền - Việt Dung, đạo diễn: Ngô Y Linh) và Bên cầu dệt lụa (tác giả: Thế Châu, đạo diễn: NSND Huỳnh Nga) được tái dựng trong chương trình Chút tình gửi lại nhân gian nhân kỷ niệm 64 năm ra đời đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và 36 năm ngày mất của “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga.
Tuy đã nhiều lần được tái dựng nhưng bản dựng của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga từ năm 1976 - 1978 đến nay vẫn được xem là mẫu mực. Có thể nói chính dấu ấn không phai của lớp nghệ sĩ tài hoa này đã góp phần rất quan trọng đưa Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa lên một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả mộ điệu. Câu vọng cổ đầy khí tiết của Thi Sách trên dàn hỏa có thể không đáng nhớ đến thế nếu thiếu chất giọng đặc biệt của NSƯT Thanh Sang; Nhuận Điền có thể sẽ kém vẻ hào sảng nếu thiếu “chất” ngạo nghễ và nét trầm hùng trong giọng ca của NSƯT Thanh Tú; công chúa Bích Vân có thể sẽ không nhận nhiều sự đồng cảm đến thế nếu không có nét diễn duyên dáng của nghệ sĩ Xuân Lan… Đặc biệt, Trưng Trắc và Quỳnh Nga thật sự bất tử cùng “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga. Soạn giả Kiên Giang (tác giả thường trực của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trong giai đoạn thịnh vượng nhất vào những năm 1960) từng nhận xét: “Thanh Nga là nghệ sĩ trăm năm trước và trăm năm sau chỉ có một”. Không sở hữu một giọng ca quá xuất sắc nhưng chất giọng bàng bạc một nỗi buồn lại khiến người nghe day dứt không quên. Thanh Nga thực sự là mỹ nhân trên sân khấu lẫn trong đời thực nhưng điều lưu giữ cái tên Thanh Nga mãi trong lòng công chúng chính là thần thái diễn xuất. Khán giả cải lương thường thích nghe ca nhưng Thanh Nga lại chinh phục người xem chủ yếu bằng nét diễn. Những ai đã từng xem (dù chỉ qua băng đĩa) và cảm nhận “cơn bão lòng” của Trưng Trắc khi phải “tế sống” phu quân qua từng cái nhíu mày, cắn môi hay nhìn nàng Quỳnh Nga buông mái tóc dài quỳ xuống chờ chết với nét mặt thản nhiên và đôi mắt sáng bừng ánh nhìn cương nghị thì chắc chắn không thể nào quên. Các nghệ sĩ khác có thể ca rất hay, diễn xuất rất tinh tế nhưng “cái thần” của nhân vật thì chỉ có thể tìm thấy trọn vẹn cùng Thanh Nga - điều rất khó lý giải nhưng đầy thú vị của nghệ thuật sân khấu.

Sau 36 năm, Tiếng trống Mê LinhBên cầu dệt lụa trở lại cùng với bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga trong một dịp kỷ niệm và có lẽ cũng là lời chia tay thực sự của Thanh Minh - Thanh Nga (một trong những cái tên nổi bật nhất trong lịch sử 100 năm sân khấu cải lương) với khán giả khi những người từng gắn bó với đoàn đều đã ở cái tuổi “cổ lai hy”. Để giữ trọn vẹn cảm xúc kỷ niệm, NSƯT Bảo Quốc và Hữu Châu quyết định phục dựng không gian cải lương xưa với bối cảnh, phục trang, phong cách diễn xuất. Chỉ còn NSƯT Thanh Sang, Bảo Quốc, Hùng Minh, nghệ sĩ Quốc Nhĩ và Xuân Lan trở lại với những vai diễn “để đời” của mình, còn lại là những gương mặt tài danh hàng đầu của sân khấu cải lương đã từng cộng tác hoặc có cảm tình đặc biệt cùng Thanh Minh - Thanh Nga: NSND Lệ Thủy, Ngọc Giàu, NSƯT Phương Hồng Thủy, Vũ Linh, nghệ sĩ Phượng Liên, Hồng Nga, Thanh Hằng… Dĩ nhiên dù cố gắng đến đâu cũng khó thể tìm lại cái “chất” của Thanh Minh - Thanh Nga ngày trước nhưng năng lực ca diễn của những nghệ sĩ bậc thầy thực sự đem đến cảm xúc khó quên cho khán giả. Cả 4 suất diễn hết vé từ sớm không hẳn vì cái tên Thanh Minh - Thanh Nga mà vì “nỗi nhớ cải lương” và mong muốn gặp lại những người nghệ sĩ mình yêu mến từ lâu vắng bóng. Đến với Chút tình gửi lại nhân gian mới thấy tình cảm của khán giả với cải lương vẫn còn sâu nặng lắm nhưng liệu người làm cải lương có đáp lại được tấm tình đó khi mà yếu tố: “ca diễn nghiêm túc, không hát nhép” đáng lẽ là hiển nhiên bỗng trở thành “điểm cộng” cho chất lượng một chương trình?

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm