Tiêu điểm: Ranh giới của toan tính

02/05/2010 12:06 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Khúc cua định mệnh đã khiến cho số phận của M.U được đặt trong tay đại kình địch Liverpool. Điều trớ trêu là nếu đội chủ sân Anfield đánh bại hoặc chỉ cần hòa Chelsea, thì kỷ lục 18 chức VĐQG của họ rất có thể sẽ bị chính Quỷ đỏ thành Manchester xô đổ.

Chẳng một liverpudlian nào muốn điều đó xảy ra. Sự kình địch giữa hai đội bóng lâu đời và giàu thành tích bậc nhất xứ sương mù là lý do căn bản nhất. Một chiến thắng, dù trước đội đầu bảng Chelsea, sẽ không thể khỏa lấp cho nỗi uất ức vì đã tiếp tay cho đối thủ kình địch bước lên đỉnh vinh quang. Và dĩ nhiên, một thất bại vẫn sẽ được chào mừng với sự hả hê, nếu như nó khiến cho M.U tan mộng.


15 năm trước, Liverpool đã quật ngã Blackburn, nhưng không giúp được M.U
Khi nhắc đến sự thù địch trong làng bóng đá Anh, người ta thường hay đến trận derby thành Manchester hay những cuộc chiến Lancashire-Yorkshire giữa M.U và Leeds. Các fan của Leeds và Man City cũng luôn tỏ ra ác cảm với M.U, song điều đó xuất phát từ sự ghen tị bởi sự yếu thế hơn là cạnh tranh về truyền thống. Còn thực tế, sự thù địch số một phải kể đến sự đối đầu giữa M.U và Liverpool, hai đội bóng đang ngang nhau về số danh hiệu quốc gia (18), cũng như không mấy kém cạnh ở đấu trường C1/Champions League (Liverpool 5, M.U 3).

Lần gần nhất có một vụ chuyển nhượng trực tiếp giữa Liverpool và M.U là tháng 4/1964 khi Phil Chisnall rời Old Trafford tới Anfield với giá 25.000 bảng Anh. Đã hơn 4 thập kỷ qua, điều đó không lặp lại nữa. Có một số cầu thủ từng khoác áo cả hai CLB như Paul Ince, Beardsley hay Owen, nhưng đều không phải chuyển nhượng trực tiếp. Hồi năm 2007, khi Gabriel Heinze công khai ý muốn sang Liverpool, anh đã bị coi như một kẻ phản bội. M.U dù muốn đẩy hậu vệ trái này nhưng nhất quyết không cho sang Anfield, để rồi cuối cùng bán anh cho Real Madrid.

Tối chủ nhật này, Liverpool có trả đũa đối thủ không đội trời chung bằng cách "buông" cho Chelsea thắng? Về lý mà nói, đó là toan tính có thể hiểu được, nhất là trong trường hợp họ lọt vào chung kết Europa League. Hơn thế nữa, cuộc đọ sức này diễn ra sau khi Tottenham và Man City đã thi đấu xong. Nếu Tottenham thắng Bolton, và trận Man City-Aston Villa phân thắng bại, cơ hội dự Champions League của Liverpool xem như tan thành mây khói. Đó là chưa kể Rafa Benitez vốn coi trọng đấu trường cúp hơn Premier League, vốn không nhiều hy vọng.

Ký ức 1995

Như thường lệ, Sir Alex lại đăng đàn để kêu gọi tinh thần mã thượng của những đội bóng lớn. Và thực tế, mặc dù rất ghét M.U, song Liverpool vẫn dành cho đội bóng thành Manchester một sự tôn trọng nhất định nhờ những nền tảng đáng nể về truyền thống. Đó là thái độ khác hẳn với những đại gia mới nổi như Chelsea và Man City. Còn nhớ, trong hai lần loại Chelsea ở bán kết Champions League, các CĐV Liverpool đã hát vang rằng "Các người chẳng có chút truyền thống gì hết".

Sẽ có một cuộc đấu tranh tư tưởng của những cầu thủ chủ nhà. Tinh thần của mỗi một chiến binh The Kop, nhất là khi thi đấu trên sân nhà, là phải giành chiến thắng, bất chấp mọi hậu quả phát sinh. Việc gián tiếp giúp M.U giành chức VĐQG thứ 19 có thể là nghiệt ngã, song lại giúp cho hình ảnh của Liverpool không bị hoen ố bởi những toan tính nhỏ nhen. Và thực tế thì trong lịch sử đã có lần đội bóng này rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ở mùa giải 1994-95, Liverpool của huyền thoại Kenny Daglish đã thể hiện tính chuyên nghiệp bằng cách đánh bại đội đầu bảng Blackburn 2-1 trên sân nhà tại vòng đấu cuối cùng. Nhưng họ đã không phải rơi vào cảnh khóc dở mếu dở, bởi tại Upton Park, M.U đã bị cầm hòa. Ngày ấy, Liverpool được tiếng thi đấu sòng phẳng, mà vẫn không phải chứng kiến kình địch của mình lên ngôi.

Liệu bánh xe lịch sử có lặp lại? Rất khó nói trước vì hoàn cảnh giữa hai thời điểm không giống nhau, vì Rafa Benitez không phải là Kenny Daglish, và vì Chelsea bây giờ không sa sút như Blackburn dạo đó. Vậy thì hãy cứ cháy hết mình đi, trong một cuộc đấu vì danh dự. Chắc gì ở sân Ánh sáng, M.U đã thắng nổi Sunderland.
 
Tuấn Cương
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm