11/09/2015 11:28 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) – Tối qua (10/9), rất đông khán giả hâm mộ điện ảnh và văn học đã tới Đại sứ quán Đức để được cùng xem phim và trò chuyện với Bernhard Schlink tác giả cuốn tiểu thuyết Người đọc (The Reader).
Bộ phim The Reader, có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Bernhard Schlink đã đem về cho nữ diễn viên Kate Winslet giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Sức hút của bộ phim, và sức hút của Bernhard Schlink đã khiến khán giả Hà Nội nườm nượp kéo đến Đại sứ quán Đức. Dù sân của Đại sứ quán không phải địa điểm lý tưởng để xem phim, nhưng phần lớn khán giả đã kiên nhẫn suốt 124 phút phim để cuối cùng được gặp Bernhard Schlink.
Nhà văn Bernhard Schlink giao lưu với khán giả Việt tại Đại sứ quán Đức tối 10/9/2015
Tác giả đã xem phim 7 lần
Bernhard Schlink sinh năm 1944 tại Đức. Ông là một luật sư, một nhà văn, thường xuyên giảng dạy tại các trường đại học lớn.
Bernhard Schlink xuất hiện tại buổi giao lưu đúng với phong thái của một luật sư. Ông trò chuyện rất thẳng thắn, câu trả lời bao giờ cũng gãy gọn, dứt khoát.
Thắc mắc lớn nhất của khán giả là Bernhard Schlink cảm thấy thế nào về bộ phim The Reader của Hollywood. Ông cho biết đã xem bộ phim này 7 lần, và đánh giá đây là một bộ phim tốt.
“Khi bắt tay vào làm bộ phim, đạo diễn Stephen Daldry đã bàn bạc với tôi rất nhiều. Ông ấy đã đưa cho tôi từng phiên bản kịch bản. Ông ấy là người nhã nhặn, lịch thiệp. Cá nhân tôi ngay từ đầu tôi đã nghĩ tác phẩm văn học, và tác phẩm điện ảnh là hai sản phẩm độc lập. Đạo diễn có quyền sáng tạo với bộ phim của mình. Và người đã đọc tiểu thuyết đương nhiên không hi vọng phim sao chép tiểu thuyết. Sách của tôi tập trung vào nhân vật nam Michael, trong khi phim với diễn xuất nổi trội của Kate Winslet đã tập trung nhiều hơn vào nhân vật nữ Hanna”.
Một độc giả đặt câu hỏi “Kate Winslet không phù hợp với nhân vật Hanna vì cô ấy đẹp hơn mô tả của ông về Hanna trong tác phẩm”. Bernhard Schlink trả lời: “Stephen Daldry đã thuyết phục Kate Winslet đóng vai này và tôi cho rằng cô ấy đã diễn rất tuyệt vời. Tôi thích Kate không phải vì vẻ đẹp của cô ấy mà bởi cô là một diễn viên có rất nhiều sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt: lúc lạnh lùng, lúc ngây thơ, lúc thân thiện, lúc rất căng thẳng...”.
Quên đi quá khứ để tha thứ
The Reader không chỉ đơn giản là một câu chuyện tình yêu giữa một cậu bé 15 tuổi và một người đàn bà hơn cậu 21 tuổi, mà còn là câu chuyện hậu chiến ám ảnh trong lòng dân tộc Đức. Bernhard Schlink thừa nhận sau Thế chiến thứ 2, những thế hệ thứ hai như ông ít nhiều vẫn cảm thấy mặc cảm tội lỗi của thế hệ đi trước.
Kate Winslet trong phim The Reader
“Tại Đức có rất nhiều phiên tòa xử những người như Hanna, có nhiều người giống Michael. Thế hệ sau chiến tranh đều đối mặt thực tế, rất có thể những người thân yêu của họ như ông bà, cha mẹ đã từng gây ra tội ác trong chiến tranh. Một câu hỏi đặt ra, liệu họ có thể chấp nhận điều đó hay không? Thế hệ đó có thể hòa giải với những cảm xúc đó hay không? Tôi vẫn cho rằng, tha thứ cũng chính là điều giúp chúng ta tự do để sống được trong tương lai. Những ai không thể tha thứ được đều rất đáng thương”.
The Reader đã từng gây tranh cãi trong giới phê bình, nhưng Bernhard Schlink cho biết khi cuốn tiểu thuyết mới xuất bản, phê bình duy nhất ông quan tâm là của vợ.
“Tôi biết có một số người phản đối vì tôi xây dựng nhân vật Hanna (từng làm việc cho Đức Quốc xã – PV) với một khuôn mặt có quá nhiều nhân tính. Hanna có quá nhiều đặc tính của những người phụ nữ bình thường. Họ nghĩ những tội phạm chiến tranh như những con “quái vật” thì không thể có một khuôn mặt nhiều nhân tính đến vậy. Nhưng tôi lại thấy cuộc sống này không phải lúc nào cũng có thể phân biệt trắng đen. Chẳng ai có thể ngờ một người hàng xóm tốt, một ông bố tốt trong quá khứ đã gây ra một tội ác nào đó. Tôi không đồng ý với cách nhìn như vậy”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất