17/01/2025 11:19 GMT+7 | Đời sống
Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ trong suốt cả ngày để bôi trơn mắt và rửa sạch các chất bẩn, bụi bám trong mắt. Bình thường, nước mắt được bài tiết liên tục, làm ướt bề mặt nhãn cầu, sau đó dồn về góc trong mắt và được dẫn xuống mũi qua một hệ thống ống gọi là lệ đạo.
Lệ đạo là đường dẫn nước mắt từ mắt xuống khoang mũi. Lỗ thông của lệ đạo vào khoang mũi dưới được che phủ một phần bởi niêm mạc (van Hasner). Tắc lệ đạo bẩm sinh xảy ra khi đường dẫn nước mắt của trẻ chưa hoàn chỉnh, thường do màng tắc van Hasner che lấp đầu trong của ống lệ mũi khiến cho nước mắt không lưu thông từ mắt xuống mũi được.
Dịch tễ học
Tắc lệ đạo bẩm sinh xảy ra ở khoảng 5% trẻ sơ sinh bình thường. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt, ở cả nam và nữ, không có khuynh hướng di truyền. Tỷ lệ tự khỏi được ước tính là 90% trong năm đầu đời.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tắc ống lệ mũi bẩm sinh thường gặp là tắc màng ở van Hasner ở đầu xa của ống lệ mũi do có sự thoái triển chậm. Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp ống lệ quản chung hoặc bất thường cấu trúc xương mắt và ống lệ mũi dưới hẹp, lệch vách ngăn, biến dạng cuốn dưới, dính cuốn dưới vào thành ngoài của mũi…
Yếu tố nguy cơ
Trẻ sinh non hoặc mắc các hội chứng Down, hội chứng Goldenhar, hội chứng hở hàm ếch, hoặc các biến dạng bẩm sinh của xương hàm mặt đều có nguy cơ tắc lệ đạo bẩm sinh cao hơn.
Các triệu chứng
- Chảy nước mắt, tiết dịch nhầy và chảy nước mắt ở một hoặc cả hai.
- Khi ấn vào túi lệ góc trong mắt, có thể có sự trào ngược của chất nhầy hoặc mủ nhầy từ điểm lệ.
- Da quanh mắt có thể bị nứt nẻ, đỏ sưng ở góc trong mắt do tiếp xúc liên tục với nước mắt và dịch tiết.
- Tắc nghẽn hoặc loạn sản dòng chảy nước mắt gần có xu hướng biểu hiện bằng tăng hồ nước mắt và chảy nước mắt.
- Các dấu hiệu và triệu chứng thường nặng hơn khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên đồng thời.
- Bơm lệ đạo: nước không thoát xuống miệng mà trào ngược ở lỗ lệ đối diện, nước trong hoặc có kèm nhầy mủ.
Chẩn đoán phân biệt
- Viêm kết mạc
- Thiểu sản hoặc không có lỗ lệ
- Túi nhầy lệ: khối dạng nang rắn chắc, nằm ngay dưới góc trong mắt, thường xảy ra trong những tuần đầu sau sinh
- Glôcôm bẩm sinh: chảy nước mắt, sợ ánh sáng, giác mạc mờ đục và mắt to.
- Các nguyên nhân khác gây chảy nước mắt: quặm mi/ lông xiêu, tổn thương giác mạc, dị vật kết giác mạc…
Điều trị
- Day ấn ngón tay vào vùng túi lệ hàng ngày nhằm phá vỡ sự tắc nghẽn do màng bằng áp suất thuỷ tĩnh. Hướng dẫn cho cha mẹ bệnh nhân dùng ngón tay trẻ day ấn bên trên lệ quản chung và ấn theo hướng vào trong và xuống dưới.
- Thuốc điều trị có thể sử dụng kháng sinh, kháng viêm tại chỗ nếu có tình trạng viêm nhiễm, tiết tố - mủ nhầy, viêm túi lệ cấp
- Hầu hết các trường hợp tự khỏi trong vòng 6 tháng đến 1 năm nhờ các biện pháp trên. Nếu sau 1 năm vẫn còn tắc thì phải thông lệ đạo hoặc thông sớm hơn nếu có tình trạng nhiễm trùng lệ đạo tái phát hoặc dai dẳng. Không nên thông sớm trước 2 tháng tuổi vì nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng. Phần lớn các trường hợp khỏi sau một lần thông, một số trường hợp phải thông lại lần 2, tuy nhiên tỷ lệ thành công sẽ giảm hơn so với lần đầu tiên.
- Nếu các lần thông lệ đạo không hiệu quả thì có thể sử dụng các phương pháp khác như đặt bóng nong lệ đạo hoặc đặt ống silicon ở ống lệ mũi.
- Phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ - mũi là biện pháp cuối cùng nếu các phương pháp trên không thành công.
Tài liệu tham khảo
1. Nika Bagheri, Brynn N.Wajda (2017), "Congenital Nasolacrimal Duct Obstruction", The Wills eye manual, 7th Edition.
2. F. Salmon, J. (2025), "Congenital Obstruction" Kanski's Clinical Ophthalmology. 10th Edition, Elsevier, Amsterdam, pp. 108.
3. Suzanne K Freitag and John J. Woog (2000), "Congenital Nasolacrimal Obstruction", Ophthalmology Clinics of North America, Vol 12, pp. 705-718.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất