Man United mua sắm hoảng loạn, tốt hay xấu?

03/09/2015 06:34 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thời điểm kết thúc thị trường chuyển nhượng là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi. Chốt đội hình trước khi mùa giải khởi tranh liệu có khôn ngoan hơn đợi vài vòng đấu để đánh giá nhân sự và đưa ra những quyết định cuối cùng?

1. Có một điều chắc chắn: Ngày cuối cùng của TTCN thường rất hỗn loạn, với những diễn biến khó lường. Một cách so sánh: Nó giống như thời điểm các thí sinh phải nộp bài cho giám thị. Những người chuẩn bị tốt thì chẳng có gì lo lắng và thậm chí còn muốn nộp sớm, nhưng sẽ có những người cuống cuồng trước giờ G.

Đó là lý do Man United đã mua Anthony Martial, 19 tuổi, từ Monaco với cái giá khó tin: 36 triệu bảng, thậm chí có thể lên tới 50 triệu bảng tùy theo điều khoản phụ. Sau đó là vụ Adnan Januzaj được cho mượn tới Borussia Dortmund và Chicharito bị bán sang Bayer Leverkusen, nhưng đáng chú ý hơn cả là thương vụ De Gea lỡ hẹn với Real Madrid chỉ vì chậm chạp về mặt giấy tờ đúng… 1 phút.  

Thật ra, giá cả cũng chỉ là một con số, và chưa thể khẳng định rằng Man United đã mua hớ. Câu hỏi thực sự là Martial có chất lượng như thế nào, và sẽ phát triển ra sao. Mà điều này thì chỉ thời gian mới có thể trả lời.

Nhưng căn cứ vào sự chóng vánh của thương vụ này, có thể khẳng định rằng đó là hệ quả của việc mua sắm hoảng loạn. Man United đã theo đuổi Pedro trong vòng vài tháng nhưng lại để anh rơi vào tay Chelsea, để rồi phải chuyển hướng sang Martial vào những giờ cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Tại sao Man United không mua Martial từ tháng Sáu, trước khi cầu thủ trẻ này gia hạn với Monaco đến năm 2019? Chắc chắn ở thời điểm đó, anh không nằm trong danh mục mua sắm của Van Gaal.

2. Có nhiều đội cũng mua sắm chả hơn gì Man United. Chelsea mất cả mùa Hè theo đuổi John Stone để rồi mua một cầu thủ gần như vô danh với cái tên cực kỳ khó đọc (Papy Djilobodji từ Nantes). Họ đã chuyển hướng từ một ngôi sao 21 tuổi đầy triển vọng sang một trung vệ 27 tuổi cục mịch và tưởng như chỉ phù hợp với Fulham hay Trabzonzpor. Chelsea cần củng cố hàng thủ nhưng không phải là với một lựa chọn như thế.

Trong những phút cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, hầu hết các đội đều mất đi sự tỉnh táo và vung tiền chỉ vì cảm thấy cần phải bổ sung một cái tên nào đó. Bằng chứng rõ ràng nhất trong vài năm gần đây về việc mua sắm hoảng loạn là Liverpool mua Andy Carroll với giá 35 triệu bảng hồi tháng Giêng 2011, sau khi bán Fernando Torres cho Chelsea.

Một vài ví dụ khác từ quá khứ: Man City chỉ có thể mua chân sút Benjani Mwaruwari vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Đông, dù trước đó mục tiêu số một của họ là một ngôi sao chạy cánh đắt giá.. Tương tự là QPR với 12,5 triệu bảng cho Chris Samba vào ngày 31/01/2013 và một năm sau là việc Arsenal mượn khẩn cấp “bệnh nhân” Kim Kallstrom từ Spartak Moskva.

3. Nhưng không phải cứ mua sắm hoảng loạn là gặp hàng hớ. Van der Vaart là một ví dụ khi anh chơi rất hay trong màu áo Spurs ở giai đoạn 2010-12. Tương tự là Christian Eriksen, người bị xem là phương án hai sau khi Spurs thất bại trước Chelsea trong vụ Willian năm 2013. Per Mertesacker và Mikel Arteta cũng vậy. Tất nhiên, họ không phải những ngôi sao lớn tầm thế giới, nhưng một người vẫn là trụ cột hàng thủ còn người kia từng có vai trò quan trọng trong việc cầm nhịp tại Arsenal.

Một số HLV rất thận trọng ở thị trường chuyển nhượng, và họ có lý do chính đáng cho quyết định của mình. Một bản hợp đồng thất bại có thể mang lại những hậu quả đáng tiếc. Nhưng đôi khi bạn cũng phải dấn thân, dù biết rằng con đường phía trước đầy mạo hiểm. Mua sắm hoảng loạn thường sẽ không có được kết cục tốt, nhưng cũng có lúc, nó lại mang đến những hiệu quả bất ngờ.

Hãy để thời gian trả lời!

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm