Tài năng đặc biệt của Nelson Mandela: Biến âm nhạc trở thành vũ khí

09/12/2013 13:54 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Âm nhạc có vai trò thế nào trong cuộc đời cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela? Bộ phim tài liệu, mang tựa đề Music for Mandela, vừa ra mắt đã giúp khán giả hiểu được Mandela sử dụng âm nhạc ra sao trong cuộc chiến chống chủ nghĩa apartheid.

Sinh thời, Nelson Mandela từng nói: “Âm nhạc là phúc lành. Âm nhạc có sức mạnh nâng cao phẩm giá con người và giải phóng chúng ta, giúp con người tự do mơ ước. Đó chính là giá trị của âm nhạc”.

Tôn vinh thần tượng sống vĩ đại nhất

Được quay hồi năm 2011, phim tài liệu Music for Mandela mô tả ông Mandela đã sử dụng âm nhạc trong suốt cuộc đời mình như thế nào, cả ở khía cạnh cá nhân cũng như khía cạnh chính trị. 

Nhà làm phim Jason Bourque.

“Chúng tôi làm bộ phim này để tôn vinh thần tượng sống vĩ đại nhất của chúng ta” – nhà làm phim Bourque nói với BBC hồi đầu năm, thời điểm bộ phim Music for Mandela bắt đầu được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim. Tác phẩm điện ảnh này đã đoạt giải Lựa chọn của khán giả tại Liên hoan phim Quốc tế Amnesty năm nay, được tổ chức ở Vancouver, Canada.

Nhà làm phim Bourque và đạo diễn Ken Frith đã trải qua tuổi vị thành niên của mình ở các vùng khác nhau của Canada. Nhưng năm 1988, họ nằm trong số 600 triệu khán giả truyền hình theo dõi chương trình hòa nhạc mừng kỷ niệm 70 năm sinh nhật Mandela, được truyền hình trực tiếp từ sân vận động  Wembley ở London (Anh).

“Chương trình hòa nhạc này đã tạo một dấu ấn không thể phai mờ trong tôi” – nhà làm phim Bourque chia sẻ - “Năm đó, tôi khoảng 16 tuổi và bạn biết lúc ấy âm nhạc đóng vai trò quan trọng như thế nào. Tôi là fan của Peter Gabriel, Simple Minds, Dire Straits, Sting và George Michael. Vì vậy thông qua các nghệ sĩ yêu thích của mình, tôi biết được Mandela là ai”.

9 năm sau, Bourque và Frith gặp nhau tại Trường Điện ảnh Vancouver và sáng lập Công ty Gold Star Productions chuyên làm phim tài liệu, phim nhựa, video nhạc, quảng cáo.

Mất 2 năm thai nghén dự án phim về Mandela, họ mới quyết định bỏ ra 6 tháng quay Music for Mandela ở Nam Phi, Canada và Anh. Phim có các màn diễn của Ladysmith Black Mambazo và dàn đồng ca Soweto Gospel. Phim cũng có các cuộc phỏng vấn nhiều ngôi sao âm nhạc, như BB King, Sean Paul, Estelle, ca sĩ dòng cổ điển Katherine Jenkins và nghệ sĩ hip-hop Bambatha Mandela, cháu nội ông  Mandela. “Đối với tôi, điều thú vị là qua quá trình quay phim, tôi bắt đầu nhận thấy âm nhạc còn có sức mạnh hơn cả vũ khí” – nhà làm phim Bourque nói.

Nghệ sĩ hip-hop Bambatha Mandela, cháu nội ông Mandela, trình diễn trong phim Music for Mandela.

Dùng âm nhạc để nâng cao tinh thần của bạn tù

Tháng 6/1964, ông Mandela bị chính quyền Apartheid buộc tội phản quốc và phá hoại. Ông bị lĩnh án tù chung thân, bị giam trên đảo Robben và phải lao động khổ sai.

Mặc dù bị cầm tù, song sức ảnh hưởng của Mandela vẫn lan rộng qua các ca khúc ca ngợi tự do và ông trở thành một biểu tượng trong trào lưu nhằm chấm dứt chế độ Apartheid.

Jonas Gwangwa, một nghệ sĩ nhạc jazz Nam Phi, nói trong phim: “Tên tuổi ông được nhắc đến nhiều trong âm nhạc. Khi mọi người hát về Mandela, thế hệ trẻ hỏi ‘Mandela là ai?’. Chúng tôi giải thích cho họ”.

Bản thân ông Mandela cũng dùng âm nhạc để nâng cao tinh thần cho các bạn tù của mình. Một trong những điểm trọng tâm của bộ phim tài liệu là hình ảnh Eddie Daniels, cựu tù và là người bạn lâu năm của Mandela, hát bài Bonny Mary of Argyle, ca khúc Mandela từng hát khi ở trong tù.

“Thời gian ngồi tù, năm nào Mandela và các bạn tù của ông cũng tổ chức các buổi hòa nhạc mừng Giáng sinh. Tiếng hát thường dội qua các bức tường trong nhà tù. Ở trong tù, họ thường hát các ca khúc dân gian” - Bourque cho biết.

Dàn đồng ca Soweto Gospel hát trong phim Music for Mandela.

Phim còn đề cập đến những hình ảnh và nhạc phẩm lấy cảm hứng từ Mandela, song từng bị cấm lưu hành. Hàng trăm bản thu âm đã bị cấm, trong đó có nhạc phẩm The Wall của ban nhạc Pink Floyd. Đây là nhạc phẩm yêu thích của những người phản đối tình trạng không công bằng trong giáo dục dưới chế độ  Apartheid.

Dù bị cấm, những nhạc phẩm này vấn được phát hành “lậu” ở Nam Phi qua các băng cassette, trong khi nhiều nhạc sĩ ở hải ngoại đã đi khắp thế giới để hát về hoàn cảnh khó khăn của người dân Nam Phi.

Một “điểm nhấn” nữa trong phim là những hình ảnh về nghệ sĩ hip-hop Bambatha Mandela, cháu nội ông Mandela. Nhà làm phim Bourque nhớ lại: “Bambatha đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tuyệt vời về thời gian anh lớn lên cùng ông nội như thế nào và sau đó đã hát rap về thời điểm ấy. Một kỷ niệm thật tuyệt”.


Tuấn Vĩ (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm