US Open 2015, còn 4 ngày: Djokovic thêm một lần lỡ hẹn?

27/08/2015 06:38 GMT+7 | Tennis

(giaidauscholar.com) - Những thất bại ở chung kết Montreal và Cincinnati không làm giảm đi cơ hội vô địch của Djokovic tại US Open năm nay, nhưng đó cũng là lời cảnh báo về một giải đấu đầy rẫy những khó khăn trước mắt.

Nếu như thất bại trước Murray cách đây hơn 1 tuần chỉ là lần đầu tiên Djokovic thất bại trong trận cuối cùng tại Montreal Masters thì trận thua tâm phục khẩu phục trước Federer vừa rồi đã là lần thứ 5 anh lỗi hẹn với Cincinnati Masters. Nếu tính thêm 4 lần về nhì tại US Open, Djokovic đã thất bại ở 9/10 trận chung kết diễn ra vào mùa Hè trên đất Mỹ.

Djokovic và điểm yếu trên mặt sân nhanh

Điều này hoàn toàn trái ngược với thành tích gần như hoàn hảo tại Indian Wells và Miami khi Djokovic thắng 9/11 trận chung kết đã góp mặt. Điều gì đã làm nên sự trái ngược này?

Câu trả lời nằm ở mặt sân. Djokovic mạnh nhất trên mặt sân cứng nhưng anh chỉ thật sự xuất sắc trên những mặt sân bóng đi chậm và trung bình. Kể từ khi Australian Open thay thế Rebound Ace bởi Plexicushion được đánh giá an toàn và nhanh hơn, Djokovic biến Melbourne thành thánh địa của mình với 5 lần vô địch. Điều đó nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng trên thực tế, Plexicushion là một bước lùi so với Rebound Ace về tốc độ. Mặt sân mới này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ chuyên gia trên các mặt sân nhanh Roger Federer và cựu số 1 thế giới Lleyton Hewitt.

Cũng như tại Australian Open, Djokovic thống trị Indian Wells (mặt sân Plexipave IW thuộc Nhóm 1: Chậm) và Miami (Laykold Cushion Plus System thuộc nhóm 3: Trung bình) nhưng thất bại ở 10/14 trận chung kết tại Montreal Masters, Cincinnati Masters và US Open với mặt sân Pro DecoTurf II thuộc nhóm 4 (Trung bình – Nhanh). Rõ ràng, DecoTurf vẫn luôn là mặt sân mang lại nhiều kỷ niệm buồn cho tay vợt số một thế giới.

Ban tổ chức US Open muốn gì?

Trong khi ban tổ chức Australian Open đang làm mọi cách để giữ lại giải Grand Slam đã tồn tại 110 năm trước sự tấn công của Trung Quốc và những nước Trung Đông thì US Open với danh tiếng vượt trội vẫn tiếp tục là cỗ máy kiếm tiền nhờ sự thực dụng của những người điều hành giải đấu.

Khác với 3 giải Grand Slam còn lại, việc sử dụng tie-break ở set 5 khiến cho các trận đấu không bị kéo dài quá mức, đảm bảo được lịch thi đấu cũng như lịch phát sóng. Không chỉ có vậy, nếu không vì điều kiện thời tiết, các trận đấu vẫn sẽ được diễn ra bất kể giờ giấc (Nadal năm 2010 từng ra sân vào lúc 12h đêm!). Điều này rất khác với Wimbledon khi các trận đấu thường dừng trong khoảng 9h-9h30 (giờ địa phương), thậm chí với trận đấu ở sân Trung tâm có mái che, các tay vợt cũng chỉ phải thi đấu đến 11h.

Với những toan tính như vậy, người hâm mộ hoàn toàn có cơ sở để tin vào cáo buộc rằng ban tổ chức US Open đã chủ động “chọn” người thi đấu trận chung kết bằng cách làm tốc độ mặt sân trung tâm Arthur Ashe chậm hơn Louis Armstrong. Rõ ràng, trận chung kết với sự góp mặt của những Djokovic, Murray hay Nadal sẽ có nhiều khả năng kéo dài hơn sự có mặt của Federer. Thực tế cũng cho thấy trong 5 năm qua, US Open, ngoại trừ 2014, là chuyện nội bộ của bộ 3 nói trên. Còn Federer? Anh đã không một lần lọt vào chung kết kể từ trận thua trước Del Potro năm 2009.

Năm 2006, việc Mauresmo, HLV hiện tại của Murray, vô địch Australian Open với 3 lần chiến thắng nhờ đối thủ bỏ cuộc (2 trong 3 đến ở trận bán kết và chung kết) giống như 1 giọt nước làm tràn ly khiến BTC Australian Open quyết tâm khai tử Rebound Ace. Nếu không có sự việc đó, rất có thể Djokovic sẽ không thể thống trị Australian Open, và số danh hiệu Grand Slam của Federer cũng không chỉ dừng ở con số 17. Không ai có thể phủ nhận tài năng của Djokovic nhưng việc thất bại quá nhiều trên mặt sân DecoTurf (và đất nện) sẽ khiến anh khó có thể đạt được tầm vóc của Federer hay Nadal.

Thêm một kỷ niệm buồn nữa cho Djokovic tại Flushing Meadows năm nay?


Kim (từ Vương quốc Anh)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm