18/03/2012 06:33 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Mùi cỏ cháy được trao Cánh diều vàng 2011 không nằm ngoài dự đoán của TT&VH, bởi vì hai “mùa diều vàng” trước đó (vào năm 2009 và 2010), Đừng đốt, rồi đến Long Thành cầm giả ca đã lần lượt giành giải thưởng cao nhất, dù cho công luận cũng từng ủng hộ Khát vọng Thăng Long hay Cánh đồng bất tận.
"Mùi cỏ cháy" giành Cánh diều vàng Phim xuất sắc nhất - Ảnh: Vnexpress
Giải thưởng Cánh diều năm nay nếu không có “sự cố” liên quan tới bộ phim truyền hình do TP Hà Nội đặt hàng: Thái sư Trần Thủ Độ chưa được phép công chiếu đã đăng ký dự giải thì có thể nói là diễn ra suôn sẻ cho tới khi Lễ trao giải khai màn.
Lễ trao giải chưa như mong đợi
Không biết từ lúc nào, người ta đặt ra một sự so sánh: Cánh diều vàng và Oscar. Mơ tới một Oscar của Việt Nam, không hề sai, vì ai cũng có quyền… mơ ước. Song “hậu” lễ trao giải Cánh diều, những khán giả đặt kỳ vọng đều phải lắc đầu: giá như…
Và cũng như mọi năm, Lễ trao giải Cánh diều 2011 vẫn tiếp tục giữ “truyền thống” nhàm tẻ dù hội tụ đủ các tên tuổi của làng điện ảnh Việt cũng như rất nhiều ngôi sao đang lên.
Lễ trao giải là một cuộc mà trong đó MC có vai trò giới thiệu người lên trao giải (năm nay MC Quyền Linh và người đẹp Dương Thùy Linh chỉ làm đúng nhiệm vụ đọc và đọc), người lên trao giải phát biểu đôi lời, mở phong bì đọc kết quả, người nhận giải lên sân khấu nhận giải và phát biểu… Xen kẽ là các tiết mục biểu diễn ca khúc trong phim. Lễ trao giải Cánh diều vàng năm nay chẳng khác gì một bản sao thu nhỏ của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 diễn ra trước đó, và có phần còn nhàm tẻ hơn, khác nhau có chăng là ở kết quả trao giải.
Mùi cỏ cháy vẫn chưa được chiếu thương mại
Cảnh trong phim "Mùi cỏ cháy"
Rốt cuộc thì Mùi cỏ cháy đã bước lên bục vinh quang cao nhất tại Lễ trao giải Cánh diều 2011. Cũng không biết có phải vì tiêu chí của LHP Việt Nam lần thứ 17 là: “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”, trong khi đó, “slogan” của Cánh diều 2011 là: “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực” mà BGK có cách chấm chọn khác nhau?
Dù còn nhiều điểm chưa hoàn thiện do hạn chế về kinh phí sản xuất nhưng không ai có thể phủ nhận Mùi cỏ cháy là một trong những bộ phim gây xúc động nhất. Bộ phim kể về những ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, một sự kiện chiến tranh không thể nào quên của cả dân tộc. Bộ phim được thực hiện bởi một ê-kíp cực kỳ tâm huyết, với tấm lòng muốn tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc. Bởi vậy cho nên không hẹn mà gặp, đạo diễn Hữu Mười, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi lên phát biểu nhận giải đều dành những lời tri ân các anh linh liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc.
Đạo diễn Hữu Mười nói rằng: “Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ, câu chuyện cách đây 40 năm về những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai”.
Tuy nhiên, tiếc cho Mùi cỏ cháy là cho đến giờ, phim vẫn chưa được chiếu thương mại. Đặt cạnh Sen bạc - Long Ruồi, cũng là bộ phim giành kỷ lục doanh thu phòng vé năm qua - mới thấy “thương” cho một sản phẩm “made in” bằng tiền tài trợ của nhà nước!
Cánh diều Bạc năm nay chia đều cho Long Ruồi và Sài Gòn Yo!. Long Ruồi, bộ phim giải trí rất thành công về doanh thu của năm 2011 còn mang về giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Thái Hòa và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Tina Tình. Còn Sài Gòn Yo! rinh thêm giải Nữ diễn phụ xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Quỳnh Hoa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất