Olympic Việt Nam hòa U22 Uzbekistan: Không học, hỏi sao khó hành

15/03/2015 06:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Những pha bóng ấn tượng nhất ở trận giao hữu quốc tế ở sân Thống Nhất chiều qua không đến từ các đường bóng dài (vượt tuyến) hoặc bổng (rót dầu cầu may), mà bắt đầu bởi các màn solo cá nhân và phối hợp đoạn ngắn trong không gian hẹp.

Công Phượng đã gây ấn tượng với vài pha xử lý xuất thần, nhưng người ghi điểm cao phải là Văn Toàn.

Ở vị trí mũi nhọn, Văn Toàn đã thể hiện lối chơi lắt léo, thông minh và luôn sẵn sàng hy sinh. Trong một pha bóng mà nếu Huy Toàn chơi đồng đội hơn, nhường bóng cho Văn Toàn thoát xuống, có thể bàn thắng đã đến sớm với Olympic Việt Nam.

1. Sự thật là kể từ khi Tuấn Anh xuất hiện trên sân (thay Hùng Dũng từ đầu hiệp 2), lối chơi của Olympic Việt Nam uyển chuyển hơn và cũng đáng xem hơn. Một trong số đó là màn phối hợp tam giác: Tuấn Anh đoạt bóng, chuyền cho Văn Toàn dốc qua 2, 3 cái bóng áo trắng bên phía U22 Uzbeskistan, trước khi bóng đến chân Công Phượng. Sau vài động tác nhấn nhả, Phượng sút bóng rất căng, nhưng tiếc rằng không thắng được thủ môn đối phương.

Màn tung hứng nhận được nhiều tràng pháo tay nhất của khán giả đã không kết thúc bằng một bàn thắng. Trước đó, Huy Toàn ngả bàn đèn bắt volley cũng rất đẹp mắt, song bóng lại tìm trúng hậu vệ đối phương đi hết đường biên ngang. Cùng với Công Phượng và Văn Toàn, Huy Toàn cũng chơi khá ấn tượng. Trong hiệp 1, Công Phượng sút phạt góc rất tinh quái và nếu thủ thành Tursunbaev Akmal không cảnh giác, bóng đã đi thẳng vào lưới.

Nói tóm lại, trận hoà không bàn thắng trước U22 Uzbekistan mang nhiều hơn dấu ấn cá nhân cầu thủ, thay vì phải là kết quả của lối chơi có bài miếng, có ý đồ. Ơn trời, HLV Miura vẫn còn đủ thời gian để tôi luyện trước khi Olympic Việt Nam bước vào vòng loại U23 châu Á trên đất Malaysia.

2. Trở lại với vấn đề mà chúng ta đề cập ở đầu bài, rằng các học trò của HLV Miura đã chọn bóng dài và bổng làm chủ đạo trong lối chơi trước một đối thủ có thừa sức mạnh cơ bắp cũng như chiều cao.

Nếu không phải ông thầy người Nhật muốn thử sở đoản của đội bóng, thì hẳn đó phải là sự hạn chế trong khâu làm chiến thuật. Lý do là bởi U22 Uzbekistan hoàn toàn không chủ động vây ráp hay pressing, khiến tuyến dưới buộc phải đá dài, mà ngược lại, họ để Olympic Việt Nam khá thảnh thơi bên phần sân nhà.

Từ vị trí trung vệ của Ngọc Hải, đến 2 hành lang cánh với Mạnh Hùng, Tấn Tài (hiệp 1), rồi Phước Thọ (hiệp 2)… đều rất thích chuyền dài. Mà rõ là bóng đá Việt Nam hiện tại không còn sản sinh ra mẫu hậu vệ có thể chuyền chính xác từ cự ly 40-50m như Mạnh Dũng, thậm chí là Anh Tuấn (đều từ lò Thể Công), cũng không còn sở hữu các trung phong cắm giỏi tì đè kiểu Huỳnh Đức. Bản thân HLV Miura cũng không chỉ đạo các học trò sử dụng lối chơi bóng dài và bóng bổng trong các buổi tập chia đôi đá đối kháng.

Có cảm giác một áp lực hữu hình đang đè lên cái đầu và đôi chân của các cầu thủ, khi HLV Miura yêu cầu họ triển khai bóng một cách nhanh nhất lên tuyến trên. Thanh Hiền khi chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm vẫn chuyền hỏng rất nhiều như thường lệ. Một trận đấu bổ ích và dù để đối thủ vừa miếng cầm hoà, nhưng rõ ràng chúng ta rút ra rất nhiều bài học. 


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm