20/11/2021 07:00 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Trong giây phút tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã ra đi vì COVID-19, tâm trí Điều dưỡng Trần Thanh Hưng hiện lên hình ảnh về những chiếc giường liên tục "thay chủ nhân", người bán nước chỉ vài giờ đã "ngậm" ống nội khí quản...
Điều dưỡng Trần Thanh Hưng – Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) có nhiều tháng ròng rã tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19, tại Bệnh viện dã chiến số 14, TP Hồ Chí Minh (do BV Trung ương Huế phụ trách).
Mặc dù đã trở về với công việc thường nhật hơn 1 tháng nay, nhưng cũng từng ấy thời gian, Điều dưỡng Trần Thanh Hưng không thể quên được những ký ức của những ngày điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong tâm thư gửi tới Báo Sức khỏe & Đời sống trong ngày lễ tưởng niệm nạn nhân COVID-19, Điều dưỡng Trần Thanh Hưng đã giãi bày:
"Hôm nay, ngày 19 tháng 11 năm 2021 – tôi viết những dòng tâm tư này để tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã ra đi vì COVID-19. Tôi muốn gửi gắm đến những đồng nghiệp của mình đã và đang gồng mình để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tôi đã trở về nhà, trở về với cuộc sống thường nhật được khoảng 1 tháng. Mỗi khi ngồi một mình bên ly cafe, đầu óc của tôi không thể thoát khỏi những ký ức về cuộc chiến mình đã trải qua. Đêm ngủ, cứ nhắm mắt là khung cảnh bên trong Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19 trong Bệnh viện dã chiến số 14 lại hiện ra. Đó là những khuôn mặt bệnh nhân, là những mảnh đời vừa nhập viện đã diễn biến nguy kịch.
Ở đó, có khuôn mặt của bà lão 70 tuổi vừa hôm qua bán nước để nuôi em trai, em gái ăn học mà chỉ vài giờ đồng hồ sau đó đã phải "ngậm" ống nội khí quản. Dù y, bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng điều gì đến đã đến, chiếc giường của ấy đã trống trơn…
Ở đó, có một người cha, chỉ còn ít ngày nữa là có thể đón đứa con đầu lòng nhưng cũng phải nằm đó, để chống chọi với virus, giành giật với virus từng nhịp thở.
Ở đó, có sức mạnh của người mẹ chưa một lần bồng bế đứa con buộc phải sinh mổ, cũng phải chìm trong hôn mê.
Ở đó, tôi thấy cậu con trai đút từng muỗng cháo cho và cô lớn tuổi mà không thể tự ăn.
Ở đó, lần đầu tiên, tôi cầm chiếc bơm tiêm trong tay không để tiêm thuốc hay bơm ăn, mà để xả cuff (van để giữ ống nội khí quản – PV) ống nội khí quản để rút ống khi bệnh nhân đã xác định tử vong.
Mọi cố gắng để kéo dài thời gian cho bệnh nhân sau vài ba lần ngưng tim, ngưng thở, mà theo đức tin của mình, khoảng thời gian trước khi người ta tắt thở sẽ là đẹp nhất, là khoảng thời gian họ nhớ về những ký ức đẹp nhất của cuộc đời…
Nhưng kết cục cũng không thay đổi và rồi, từng hành động gọn gàng, sạch sẽ là lau nhẹ dòng nước mắt còn đọng trên đôi mi của bệnh nhân, là phủ tấm vải trắng từ chân đến quá mặt, là gọi báo thân nhân…
Mọi thứ đã rất nặng nề, tôi bước đôi chân đi trong sự thất vọng về bản thân. Thậm chí là có những thời điểm nản chí, tự hỏi mình rằng, tại sao bản thân không làm tốt hơn một ít nữa? Những rồi, tôi lắc đầu với bản thân, với thực tại, với sự tàn khốc và nghiệt ngã của kẻ thù là virus corona đã tàn phá đi tất cả, tất cả…
Song, tôi đã nhận được sự quan tâm, đồng cảm từ các đồng nghiệp!
Quy Hòa hôm nay mưa, thời tiết lạnh khiến tôi cũng tê tái hơn, nhưng không thể buốt hơn cảm giác 12h đêm ngâm mình trong dòng nước sau 6 giờ làm việc liên tục. Ở đó, có những tiếng hát í a trong nhà tắm đã trở thành thói quen của ai đó chẳng bao giờ có thể bỏ được.
Nơi đó, sau ca trực, mọi người quây quần bên nhau trong căng-teen quen thuộc.
Tôi đau lòng mỗi khi thấy những đôi môi nứt nẻ sau nhiều giờ liên tục không được uống nước…hay đôi khi, có những cô đồng nghiệp ngất xỉu trong buồng bệnh do không đảm bảo sức khỏe để làm việc.
Ở nơi đó, tôi và những người xa lạ bỗng chốc thành thân thuộc, ngồi lại với nhau và những sợi mì tôm đêm muộn, những cốc cà phê đã trở thành quen thuộc cho tỉnh táo để đảm bảo hoàn thành sứ mệnh.
Nơi có những cuộc gọi về nhà lúc đêm muộn thông báo tình hình rằng mình vẫn khỏe.
Đã có những lúc, trong "công xưởng" ấy, nhìn những chiếc giường trống, tôi tìm những bệnh nhân mà bàn tay tôi đã chăm sóc… tôi lung lay, nước mắt cứ rơi lã chã.
Nhưng tôi đã thấy, những chàng trai ở tuổi đôi mươi với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh để Sài Gòn khỏe trở lại.! Và Sài Gòn đã khỏe trở lại.
Cuộc sống thật ngắn ngủi và vô thường, còn dịch bệnh thì chẳng chừa một ai, mà sự hối hả của cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, tiếng chuông nhà thờ vẫn vang mỗi sáng và những sinh mệnh vẫn sẽ nối tiếp chào đời… Chúng ta hãy trân trọng những gì mình đang có. Sinh mệnh con người là đáng quý nhất, chẳng có gì có thể bù đắp được những mất mát này…".
Theo Suckhoedoisong.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất