30/05/2020 07:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Có một nghệ sĩ piano tên thân mật là cu Bôm, cậu bị mắc bệnh hiểm nghèo (hội chứng xương cứng sớm cục bộ (Apert), khiến đường thở hẹp) ngay từ khi sinh ra, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cơ thể. Vậy mà bố cậu, diễn viên Quốc Tuấn, đã có một cuộc hành trình 15 năm dành sự sống cho cậu từ bóng ma bất hạnh muốn cuốn cậu đi. Cuộc hành trình của hàng trăm cuộc phẫu thuật nguy hiểm, đớn đau, cuộc chiến đấu sinh tử không chỉ tính mạng mà còn là thân phận con người trước nghiệt ngã tưởng chừng như mang tên số phận.
Chiến thắng của 2 bố con, chiến thắng của gia đình cu Bôm cho ta thấy một điều là chúng ta có thể không được lựa chọn hoàn cảnh nhưng chúng ta chắc chắn được lựa chọn thái độ. Một thái độ phù hợp, một cách nhìn của tình thương giúp chúng ta thích nghi hoàn cảnh như nó vốn là, để hiểu nó và hóa giải nó. Hành trình hóa giải dù có đau đớn, dù có hiểm nguy nhưng bao giờ cũng là kết quả tốt, như trong mọi cuộc chiến mà ta thấy giữa Phật tính và ma tính thì Phật tính với sức mạnh hóa giải luôn chiến thắng. Không những không bị ma tính thống trị mà còn hóa giải được ma tính, ma lực thành Phật tính và Phật lực.
Như niềm tin, qua một đêm tối lại một buổi bình minh. Người dân Việt chưa bao giờ hết khả năng thích nghi, có những khi chúng ta chìm trong đêm đen ngàn năm Bắc thuộc vậy mà chúng ta vẫn hóa giải để giành lại quyền tự do, quyền sống. Vì chúng ta có niềm tin vào con người, khi ta từ một con người nhỏ nhoi yếu đuối, ta tìm được vị Phật trong lòng mình, tâm thức ta được rạng ngời lên mỗi ngày bằng Phật tính và Phật lực thì lúc đó ta có niềm tin vào người khác.
Niềm tin này như một ánh sáng lóe lên trong đêm tối để chúng ta trực ngộ được con đường mình sẽ đi, hành trình đến ánh sáng của bình minh thời đại, ánh sáng của văn hóa tình thương dù có trải qua bao gập ghềnh, chông gai và sương gió.
Mỗi ngày trên xứ sở này, sự vận động của tình thương với cứu cánh của Phật tính và Phật lực đã là nguồn cảm hứng sống cho mỗi con người để họ thích nghi và hóa giải hoàn cảnh cho dù họ đang trong hoàn cảnh nào của hành trình mang tên thân phận. Đó là lý do chẳng cần tuyên bố là một “quốc đạo” thì một cách rất tự nhiên, trong tâm thức mỗi người đều rất hướng Phật, như cây bồ đề mọc tự nhiên khắp nơi, như cái tâm giác ngộ có trong thiện căn ở mỗi người như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Hà Huy Thanh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất