13/03/2022 07:18 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 1. Tác phẩm của Thomas Friedman đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng trong cách hiểu của tôi thì "thế giới phẳng" có nghĩa là chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi việc đều được dàn trải trên một bình diện chẳng thể bị che khuất, chẳng giấu được ai. Đó là khát vọng minh bạch để hướng tới tự do.
Những vấn đề vĩ mô như thế của thời đại thì thế giới phẳng đó cũng chỉ là một góc quy chiếu. Từ khái niệm thế giới phẳng đó tôi nhận biết ra có một thế giới khác: Thế giới càng phẳng thì nó càng tiến đến nghiêng hơn... Vì có phẳng mới càng nhìn rõ cái nghiêng. Làm gì có thế giới phẳng nào?
2. Có lần lên Sàng Ma Sáo một xã vũng cao của Lào Cai, tôi phát hiện ra rằng, chót vót trên cao Sàng Ma Sáo nhìn về hướng Mường Hum, trời lồng lộng, khí trời trong mát sạch không một hạt bụi. Nhưng cuộc sống người dân nơi đây luôn nằm trên thế giới nghiêng: Nhà nghiêng bên sườn đồi, đường nghiêng bên sườn núi, chân bước nghiêng để giữ lấy thăng bằng, cuộc sống nghiêng về gian nan vất vả, miếng ăn nghiêng về đạm bạc, tinh thần nghiêng về phía thiếu thông tin và đói văn hóa. Ở thế giới nghiêng này, con người đã tự giản lược đi rất nhiều nhu cầu sống để giữ được thăng bằng.
Tưởng rằng thế giới nghiêng đó như là điều tất yếu với người rẻo cao. Nhưng không phải chỉ rẻo cao, cuộc sống vốn chưa bao giờ hoàn thiện. Con người luôn muốn vươn lên hoàn thiện nên mới có những cố gắng vẫy vùng. Nhưng hình như càng tìm cách điều chỉnh nó càng nghiêng. Chúng ta hầu như đều còn nghiêng cả, tạo được mặt bằng đâu có dễ. Thế giới nghiêng này ta chỉ có thể cảm thấy chứ không thể chỉ ra chi tiết được.
3. Câu chuyện là thế này: Một đứa trẻ miền núi có thể thuộc tên các loại cỏ cây rừng, thả vào rừng chúng đi nhanh như sóc, đau ốm bệnh tật biết tự tìm cây thuốc uống, thậm chí giữa rừng chúng có thể tự kiếm rau, quả, củ để ăn mà không bao giờ bị đói. Nhưng về đến thành phố thông thoáng thì lại như đứng trước vách núi dựng đứng, không biết xoay xở thế nào.
Nhưng một đứa bé thành phố giỏi ngoại ngữ thạo vi tính, chơi game như gió và kiến thức sách vở thì đầy, nhưng bảo đảm thả vào cửa rừng thì chúng lạc, nhìn cây nào, quả nào cũng không phân biệt nổi và đói khát không thể biết tìm ra cách khắc phục, bệnh tật không thuốc thang là bó tay.
Rõ ràng về góc hiểu biết thì cả 2 đều còn nghiêng. Gạt mọi chuyện khác ra ngoài thì 2 sự nghiêng đều giống nhau vì chúng đâu có biết đủ mọi thứ!
4. Làm quan nếu sống chân thật liêm khiết thì nghiêng về thiếu thốn mà vị trí có khi không thể vững chắc. Những người chịu nhịn để tồn tại thì lương tâm cắn rứt, mệt mỏi vô biên. Còn bọn người lạm dụng tha hóa, khi vật chất dư thừa bao nhiêu thì càng nghiêng về thất đức bấy nhiêu. Lấy đâu ra cái mặt phẳng đúng nghĩa như người ta mong muốn!
Thế giới của cuộc sống con người luôn luôn nghiêng, vì có nghiêng mới bươn chải. Trong bươn chải có may mắn nhưng cũng đầy rủi ro. Xã hội có sự vận động, chính vì cái thế giới nghiêng đó luôn tồn tại trong mỗi con người, trong mỗi gia đình, trong mỗi tổ chức xã hội. Cuộc sống là như vậy. Nên hiểu cái sự nghiêng đó luôn tồn tại như một quy luật để yên tâm mà cố gắng phấn đấu làm việc. Nếu không vận động thì nghiêng đến độ nào đó nó sẽ đổ sập. Đó cũng là quy luật!
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất