14/09/2019 14:35 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Ngày 14/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng phức tạp khi bệnh sốt xuất huyết đang ở mức cao, còn bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa.
Tính đến cuối tháng 8/2019, tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 7.833 ca, tăng 18% so với tháng 7. Tích lũy trong 8 tháng qua, Thành phố ghi nhận 39.814 ca mắc sốt xuất huyết gồm 22.894 ca nội trú và 16.920 ca ngoại trú; tăng 142% so với cùng kỳ năm 2018. Đây được xem là thời gian cao điểm của dịch bệnh này bởi thời tiết mưa nắng đan xen, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
“Cùng với bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng theo mùa. Tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng tăng cao do trẻ em trở lại trường học sau khi nghỉ hè”, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 8 qua, toàn thành phố ghi nhận 3.088 ca mắc tay chân miệng, tăng 115% so với tháng trước (1.438 ca). Tích lũy từ đầu năm, số ca mắc tay chân miệng là 9.718 ca và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Để phòng tránh dịch bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, các trường học cần tuân thủ thực hiện việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học, đặc biệt là việc theo dõi giám sát, phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời. Phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học ở nhà khi có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng và thông báo rõ lý do cho nhà trường để phòng chống bệnh lây lan.
Sở Y tế cũng đã ký kế hoạch liên kết với với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi trong khu vực trường học, nhóm trẻ.
Với dịch bệnh sốt xuất huyết, để hạn chế số ca mắc, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đồng thời 3 chiến dịch gồm: Chiến dịch xử lý điểm nguy cơ theo phương pháp phân loại mới 2019; chiến dịch phun hóa chất diện rộng kết hợp diệt lăng quăng triệt để tại các ổ dịch và chiến dịch “Thanh niên xung kích” tại các đơn vị có cơ sở Đoàn, tại hộ gia đình của Đoàn viên thanh niên và trên địa bàn dân cư khu phố, ấp. Phương châm của các chiến dịch này là “Cuối tuần không lăng quăng, cả tuần không có muỗi” để đạt được mục tiêu “không có lăng quăng, không có muỗi, không có bệnh sốt xuất huyết”./.
Đinh Hằng (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất