31/10/2024 14:30 GMT+7 | Văn hoá
Do sự quá nổi tiếng của trống đồng, tôi không muốn mất nhiều thời gian mô tả những trống lớn và đẹp nhất nữa mà dành thời lượng để bàn về cách chế tác và sử dụng trống đồng ra sao với tư cách chúng là đại biểu phổ biến nhất, long trọng nhất của nghệ thuật tạo âm Đông Sơn.
1. Để tạo ra âm thanh trong việc liên lạc với nhau, với thần thánh hoặc xua đuổi thú dữ… cư dân nguyên thủy thoạt đầu chỉ có thể tạo ra bằng chính tiếng hú kêu của mình, sau đó là tiếng va đập họ có thể tạo ra, chí ít là tiếng vỗ tay, giậm chân hay dùng một vật tác động (đập, gõ, giã…) vào một vật khác để rồi từ đó chế ra những dụng cụ tạo âm thanh chuyên biệt, như cách người Tây Nguyên làm ra hệ thống bộ gõ của mình.
Bộ gõ đương nhiên ra đời sớm hơn và dễ hơn, trước khi con người có thể bắt chước tiếng hút gió qua các khe vách, lỗ hổng để tạo ra tiếng huýt, tiền đề dẫn đến việc chế ra những chiếc sáo, tiêu, tù và của "bộ hơi" nguyên thủy… và cả trước khi con người quan sát được âm thanh phát ra từ sự rung đàn hồi của dây căng hay do những cây ống rỗng như tre, nứa đan cọ vào nhau, để hình thành công cụ tạo âm nguyên thủy của "bộ dây cọ" như đàn nhị, violin và "bộ dây bật" như đàn bầu, guitar…
Buổi "Rì rầm" hôm nay và có lẽ cả tuần sau nữa được dành cho "bộ gõ". Bởi những chứng tích tạo âm Đông Sơn bằng cách "gõ, đập, đánh, giã" để lại chiếm số lượng lớn nhất.
2. Không cần phải giải thích nhiều, bạn đọc cũng nghĩ ngay đến những trống đồng phong phú, được chế cầu kỳ và đắt đỏ xuất hiện nhiều trong thời Đông Sơn. Do sự quá nổi tiếng của trống đồng, tôi không muốn mất nhiều thời gian mô tả những trống lớn và đẹp nhất nữa mà dành thời lượng để bàn về cách chế tác và sử dụng trống đồng ra sao với tư cách chúng là đại biểu phổ biến nhất, long trọng nhất của nghệ thuật tạo âm Đông Sơn.
Trống đồng được chế ra để tạo âm thanh, nhạc điệu trong các lễ hội Đông Sơn. Trống đồng đã trở thành nhạc cụ chuyên biệt dành cho lễ hội, chứ không dành cho các cảm hứng cá nhân trong các bữa tiệc. Rồi đây, tôi sẽ dành một buổi nói về các dụng cụ tạo âm dành cho cảm hứng cá nhân trong những tiệc rượu say sưa. Nhưng trống đồng không phải nhạc cụ như vậy. Đó là nhạc cụ lễ nghi, mà cho đến tận ngày nay, người Mường, người Lô Lô… mỗi khi dùng đều phải làm lễ cúng xin phép thần trống.
Tất nhiên, trước khi xuất hiện trống đồng, xã hội nguyên thủy tiền Đông Sơn đã từng thực hiện lễ nghi của mình bằng những bộ gõ nguyên thủy, ví dụ bằng gỗ bọc da hay các cây bương lớn… Kỹ nghệ khai thác quặng và đúc đồng Đông Sơn đã cho phép thực hiện ý tưởng của xã hội, thông qua các thủ lĩnh cộng đồng, tạo thành một trào lưu thời thượng, đó là chế bộ gõ lễ nghi đó bằng đồng.
Giáo sư Nguyễn Duy Hinh, một chuyên gia kinh tế học khảo cổ, đã từng ước tính để có một kilogram đồng cần khai thác 1,6 tấn quặng, còn công vận chuyển, nguyên liệu đốt lò… Chưa kể công chế khuôn, chạm hoa văn, tạo lò đúc trống thì riêng 20kg đồng cho một chiếc trống nhỏ cũng rất tốn kém. Và đó là lý do tại sao sau Đông Sơn hơn 1.000 năm, Chú Khứ Phi đời Tống khi ở Lĩnh Nam đảm chức, từng viết trong sách "Lĩnh ngoại đại đáp" có nói các thổ tù Giao Chỉ từng đổi hàng trăm con trâu lấy một trống đồng.
Trống đồng được tạo bởi hợp kim đồng, trong đó đồng nguyên chất (Cu) chiếm khoảng 70-80% còn lại là chì (Pb) và thiếc (Sn). Chì giúp đồng dễ nóng chảy hơn và thiếc khiến đồng cứng, đanh vang hơn. Giáo sư Imamura của Đại học Tokyo đã từng đề xuất giả thuyết trống đồng mô phỏng từ những chiếc nồi đồng. Quả là đã có những dụng cụ đun nấu được cùng hai chức năng: đáy để đun nấu và đáy nồi, chậu, vạc đỉnh cũng đúc sao đẹp để có thể gõ sau khi ăn.
Hình dáng trống đồng rất gần với một nồi đồng, chỉ khác ở mặt gõ chuyên biệt đã tạo phẳng, trang trí và có lẽ chưa bao giờ dám dùng để đun nấu. Phần rỗng bên trong trống chính là vòm chứa âm để rung vang xa từ phần thân và vành chân đế. Điều này quy định hai cách đánh trống đồng Đông Sơn hiện còn phổ biến đến tận ngày nay.
Kiểu đánh trống dựng đứng, mặt trống trang trí đẹp có hình mặt trời nhiều tia ở giữa được hướng lên trời. Người đánh có thể dùng dùi hay chày để gõ, giã vào tâm trống cũng như các phần rìa trống tạo âm. Để âm thoát vang, trống không được đặt kín sát đất mà được kê lên hoặc tạo một vòm thoát âm riêng bên dưới. Trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Guimet, Cổ Loa…, dàn trống bên nhà sàn được đặt đứng, có người đứng hoặc ngồi dùng dùi dạng chày giã xuống từ sàn phía trên. Dưới đáy chân trống có một khoang vòm thoát âm.
Thể hiện kiểu ngồi giã trống rõ nét nhất là ở khối tượng nhà trong sưu tập CQK (California, Mỹ). Tại phần sàn đầu nhà có đặt hai trống đồng ở tư thế đứng, bên dưới thể hiện rất rõ bục vòm thoát âm. Hai người đánh trống ngồi vắt vẻo trên dàn tre một tay bám vịn cột trên, tay kia cầm dùi giã xuống mặt trống. Đa số trống đánh theo tư thế dựng đứng đều thuộc loại trống cao và trang trí tập trung trên mặt hơn là ở thân, tang. Cách đánh trống trong tư thế đặt đứng còn thấy hiện nay ở người Mường.
Kiểu đánh trống đặt nằm ngang: Trong khi khảo sát chiếc trống do tôi trực tiếp lau rửa đất từ dưới lòng đất, tôi nhận ra các vết mòn sử dụng trên trống, cho thấy chiếc trống được dùng trong tư thế nằm ngang, hoặc treo bằng dây lồng qua các quai ở thân – tang; hoặc ôm trong lòng, đập gõ bằng tay như đã từng thấy mô tả trên mặt một trống đồng ở Vân Nam, Trung Quốc. Vết mòn sử dụng lộ rất rõ ở gờ nổi mặt trời tâm trống và ở một bên rìa tang trống, nơi tay nghệ nhân "vê" để điều hãm âm gõ từ tâm trống, tương tự cách người Tây Nguyên ôm đánh và vê chiêng vậy.
Hầu như mọi trống "dáng lùn" mà tôi gọi là trống Đông Sơn kiểu Tây Âu đều thuộc loại trống đánh nằm ngang. Loại này trng trí trên mặt đơn giản, nhưng rất chú trọng trang trí tang và thân. Hiện tại cách đánh trống đặt ở tư thế nằm ngang thấy phổ biến ở người Lô Lô, người Shan.
3. Khi làm việc với sưu tập CQK với hàng trăm trống đồng Đông Sơn, tôi nhận thấy có hai chiếc trống chưa từng bị mọt gỉ do chôn dưới đất. Đó là những trống hoặc vớt dưới sông hoặc phát hiện dấu trong các hang núi.
Tại bảo tàng Hoàng Long (Thanh Hóa) cũng có một trống như vậy. Tôi tin rằng, việc thẩm âm trống đồng Đông Sơn thật phải bắt đầu từ những chiếc trống đó, bởi mọi trống chôn trong lòng đất đều sẽ bị "địa hóa", tạo mọt gỉ và thường tiêu hao các phân tử chì thiếc trong hợp kim, dẫn đến không đảm bảo độ thanh vang của hợp kim ban đầu. Tôi sẽ quay trở lại vấn đề thẩm âm nhạc cụ kim loại cổ khi bàn về các chiêng đồng Đông Sơn trong những buổi rì rấm tiếp theo.
"Hình dáng trống đồng rất gần với một nồi đồng, chỉ khác ở mặt gõ chuyên biệt đã tạo phẳng, trang trí và có lẽ chưa bao giờ dám dùng để đun nấu" - TS Nguyễn Việt.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất