Rubik bóng đá: Tây Ban Nha, thay đổi hay không thay đổi?

18/06/2014 13:55 GMT+7 | Bảng B

(giaidauscholar.com) - Bóng đá Tây Ban Nha, bao gồm cả cầu thủ, HLV, lãnh đạo và CĐV đất nước này đang đối mặt với một cảm xúc lạ lẫm, thứ họ chưa từng biết đến trong 6 năm qua: Cảm giác thất bại.

1. Cảm giác ấy đã được tạo ra sau trận thua kinh hoàng trước Hà Lan. Kết quả ấy, không dừng lại ở một trận đấu, mà nó báo hiệu cả một giải đấu thất bại. Bởi Tây Ban Nha không thể hiện chút tài năng và khí thế nào trước một đội bóng đồng cân đồng lạng.

Bây giờ là lúc họ cần suy xét xem nên đối mặt với thất bại như thế nào. Đối mặt với thất bại trước Hà Lan, và xa hơn, chuẩn bị tinh thần cho thất bại chung của World Cup 2014 (điều rất dễ xảy ra).

Về cơ bản, chỉ có 2 cách đối mặt với thất bại: thay đổi hoặc trung thành với những giá trị cũ. La Roja đến lúc này vẫn đang chọn cách sau. Hôm qua, Juan Mata nói trong buổi họp báo: “Chúng tôi sẽ không thay đổi phong cách”.

2. Có 2 cách đối mặt với thất bại. Không có cách nào chuẩn, mà chỉ có cách nào phù hợp, lịch sử đã chỉ ra như thế.

Người Brazil đã chọn thay đổi phong cách sau những thất bại đầu thập kỷ, chuyển từ bóng đá vị nghệ thuật sang một thứ bóng đá trực diện và cơ bắp hơn. Nhưng cho đến hôm nay sự thay đổi ấy vẫn chưa mang lại thành công, mà chỉ khiến CĐV nước chủ nhà World Cup sống trong mâu thuẫn, bởi họ vẫn yêu bóng đá vị nghệ thuật.

Người Đức đã chọn thay đổi phong cách sau thất bại tại EURO 2004 và cho dù đến lúc này họ chưa vươn tới đỉnh cao ngày trước, thì ai cũng thừa nhận rằng bóng đá Đức đã thành công.

Người Pháp chọn thay đổi phong cách chơi bóng (chọn những HLV trẻ trung hơn) sau thất bại tại World Cup 2010 và thậm chí họ… không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào cho đến hôm nay.

Người Italy thì gần như chưa bao giờ thay đổi phong cách sau những thất bại và lại tiếp tục có thành công bằng phong cách cũ. Người Argentina cũng không thay đổi phong cách sau những thất bại và lại… tiếp tục thất bại.

Tức là lịch sử nói rằng thay đổi chưa chắc đã thành công. Và vấn đề chính ở chỗ này: bởi vì không chắc chắn, nên lịch sử ghi danh những người dám quyết đoán làm việc đó, cho dù sau đó họ có thể trở thành tội đồ.

Một kẻ thay đổi phong cách có thể trở thành Dunga, người đã tạo ra Brazil thực dụng hoặc có thể trở thành Juergen Klinsmann, người đã tạo ra Đức cống hiến. Họ có thể bị phỉ báng, hoặc tôn vinh.

3. Vicente Del Bosque thực chất là một người rất biết tự làm mới mình. Lối chơi tiki-taka kiểu Barca mà ông áp dụng cho Tây Ban Nha không phải là thứ gắn bó với ông từ đầu sự nghiệp, cũng không phải truyền thống của La Roja. Ông đã làm mới đội tuyển Tây Ban Nha bằng thứ bóng đá ấy từ năm 2008.

Bây giờ câu hỏi đặt ra là Del Bosque có thể tự làm mới mình một lần nữa hay vẫn sẽ trông chờ vào một thứ tiki-taka an toàn và đã được kiểm chứng qua thời gian.

Không ai có thể đưa ra lời khuyên cho vị HLV lão làng này. Nhưng nếu lên mạng, tìm kiếm với từ khóa “Spain fan sadness” (nỗi buồn fan Tây Ban Nha), và nhìn ngắm những bức ảnh chụp fanzone ở Madrid trong trận thua Hà Lan, nhìn những giọt nước mắt và khuôn mặt thẫn thờ của CĐV nước này, thì có thể khẳng định một điều: Tây Ban Nha có thể thua, nhưng Tây Ban Nha không nên thua một cách bế tắc. CĐV của họ không xứng đáng với điều đó.

Nếu tiki-taka không thể làm nên chuyện trước Chile, thì đó không phải là thất bại, mà là thứ tệ hơn cả thất bại: Đó là sự bế tắc, một sự bế tắc cần loại trừ.

ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm