Giải mã thiên tài Messi

16/01/2016 07:00 GMT+7 | Barcelona

(giaidauscholar.com) - Nhà báo nổi tiếng Sid Lowe, "chuyên trị" bóng đá TBN, cho rằng vốn từ của nhân loại hiện không đủ để ca ngợi Lionel Messi của đội tuyển Argentina và CLB Barcelona, người vừa giành Quả bóng Vàng lần thứ năm trong sự nghiệp.

Càng tầm thường, càng vĩ đại

Messi sẽ ăn mặc thế nào trong đêm gala? Đề tài này xuất hiện ở khá nhiều nơi trong ngày 11/1. Người ta phải chọn đề tài về thời trang của các ngôi sao bởi thực tế là cả thế giới đã biết chắc rằng Quả Bóng Vàng FIFA 2015 được trao cho Messi, từ nhiều ngày trước đó? Hay người ta phải tò mò đoán xem kỳ này Messi diện trang phục gì bởi anh vốn đã mang tiếng về "gu" thời trang... khá tồi?

Có một sự thật như thế. Nếu bỏ qua khía cạnh chuyên môn, Messi chắc không thể là đối thủ của Cristiano Ronaldo trên thị trường "ăn theo bóng đá". Anh chưa bao giờ là một ngôi sao sống bằng hình ảnh, kiểu như David Beckham. Anh gần như không có cá tính, càng không có sức chinh phục thị trường nhờ các đặc điểm riêng rõ ràng, kiểu như Zinedine Zidane có thể giúp Real Madrid chinh phục thế giới Hồi giáo (Real thậm chí phải bỏ đi chiếc thánh giá trong logo CLB vì vấn đề thị trường). Messi không đại diện cho cộng đồng nào, không làm cho phụ nữ đến sân nhiều hơn, không giúp các chính trị gia hô hào khẩu hiệu, không làm cho các phe thù nghịch phải thỏa thuận ngừng bắn.


Messi chỉ có tài năng bóng đá và dễ dàng đoạt QBV FIFA

Dù thiếu tất cả những điều quan trọng ấy, Messi vẫn dễ dàng đoạt Quả Bóng Vàng FIFA! Không cần thêm "quyền trợ giúp" vẫn thắng, thì mới thuyết phục. Messi luôn là như vậy. Thế nên, phải nói thêm, rằng những gì Messi đã đạt được trong bóng đá vẫn còn thấp hơn khả năng thực của một cầu thủ giỏi như anh. Messi chỉ có tài năng bóng đá, và anh cũng chỉ cần thế. Anh nhút nhát đến mức độ đôi khi là thiếu khôn ngoan. Anh từng không biết phải làm gì hoặc nói gì trong những hoàn cảnh cụ thể, từ đó dẫn đến kết quả bất lợi cho chính mình. Khoan nói chuyện ăn mặc vụng về hoặc thiếu sức hút quảng cáo, Messi thậm chí không biết làm những việc tối thiểu phải làm. Đấy là một phần nguyên nhân vì sao anh có những bước khởi đầu rất ư tồi tệ trong đội tuyển Argentina.

Toàn những điểm trừ trong bước khởi đầu

Màn ra mắt của Messi ở ĐTQG kéo dài chưa tới 1 phút. Anh bị đuổi chỉ 40 giây sau khi được vào sân thay người. Đấy là trận giao hữu Argentina gặp Hungary, trước thềm World Cup 2006. Trong lần thứ hai chạm bóng, Messi lừa qua Vanczak. Đối thủ kéo áo. Anh đưa tay ra sau để chống lại hành động ấy, cùi chỏ trúng ngay mặt đối phương. Trọng tài Markus Merk không ngần ngại phất ngay thẻ đỏ. Suốt phần còn lại của trận đấu, và suốt thời gian còn lại trước khi toàn đội giải tán, Messi chỉ khóc. Chả có "anh lớn" nào trong đội thật sự thông cảm, an ủi hoặc động viên "thằng nhóc lếu láo", kể cả khi ai cũng cho rằng trọng tài Merk quá nặng tay.

Lionel Messi: 'Tôi sẵn sàng chết vì chức vô địch với Argentina'

Lionel Messi: 'Tôi sẵn sàng chết vì chức vô địch với Argentina'

Thành công tột bậc cùng Barcelona, nhưng điều trăn trở nhất với Leo Messi sau khi giành Quả bóng Vàng thứ 5 chính là Argentina, với món nợ danh hiệu chưa thể trả, đó là những gì Messi bộc bạch với trang FIFA.com mới đây.


"Thằng nhóc lếu láo"? Dĩ nhiên đấy là cái nhìn hoặc cách nghĩ oan uổng, nhưng có nguyên nhân, khiến Messi bị chính đồng đội ghét bỏ. Khi đội tuyển Argentina tổ chức tiệc nướng ngoài trời, như một việc làm truyền thống nhằm tạo sự gắn bó cho các thành viên trong đội trước World Cup, Messi không hé răng nói chuyện. Mọi cầu thủ đều thấy khó chịu. Họ không cần biết Messi quá nhút nhát. Ở Argentina, có lệ là mọi tuyển thủ đều đến thăm HLV trong dịp Giáng sinh, sau khi đã đoàn tụ với gia đình. Trong năm đầu tiên lọt vào đội tuyển, Messi chính là cầu thủ duy nhất không đi "thăm thầy". Thậm chí LĐBĐ Argentina từng có những lúc không sao liên lạc được với Messi!


Messi từng khiến Gabriel Heinze nổi đóa vì những pha lừa bóng qua người, lặp đi lặp lại, có vẻ rất... "láo"

Trên sân tập, Messi từng khiến đàn anh Gabriel Heinze nổi đóa vì những pha lừa bóng qua người, lặp đi lặp lại, có vẻ rất... "láo". Heinze kể: "Chẳng qua tôi nghĩ đến ban huấn luyện và chấp nhận dẹp bỏ tự ái. Những người xấu miệng có thể nhìn vào đấy để bàn về niềm kiêu hãnh của tôi. Nếu tranh chấp sòng phẳng, Messi có thể chấn thương và... ráng chịu". Cứ thế, chẳng ai trong đội muốn Messi được đá chính tại World Cup 2006. Heinze và thủ quân Juan Riquelme là những người đã thẳng thừng nói ra điều ấy với HLV Jose Pekerman.

Kỳ thực, Messi không "láo". Anh không phải là trường hợp "bệnh ngôi sao" như điều thường thấy ở những ngôi sao trẻ khác. Anh không nổi loạn, cũng chẳng cố ý làm ai phật lòng. Tóm lại, Messi là như vậy. Anh xử sự không khéo. Đấy là ưu hay nhược điểm?

Messi làm chính Argentina... sợ hãi

Ở kỳ World Cup đầu đời (2006), Messi bị đồng đội ghét bỏ, và hẳn nhiên là không thành công. Mãi đến bây giờ, HLV Pekerman vẫn chưa trả lời một cách rõ ràng hoặc thuyết phục: Vì sao Messi không được thi đấu phút nào trong trận tứ kết gặp Đức - trận đấu mà Argentina bất ngờ bị loại. Phải chăng ông chịu ảnh hưởng từ sức ép của các cầu thủ "lớn", không muốn Messi ra sân?

Ở kỳ World Cup tiếp theo (2010), Messi nói riêng cũng như đội tuyển Argentina nói chung tiếp tục thất bại. Nhưng đấy là kỳ World Cup mà Argentina giao quyền huấn luyện cho cựu danh thủ Diego Maradona. Thành công mới là chuyện lạ. Mãi đến World Cup 2014, Messi mới rũ bỏ được những hoàn cảnh bất lợi như trên. Argentina vào đến chung kết, riêng Messi là cầu thủ xuất sắc nhất World Cup. Có một thực tế: Anh chơi rất hay trong suốt hành trình trước đó, nhưng lại mờ nhạt trong trận cuối cùng. Vậy nên, thế giới đồng loạt chỉ trích FIFA về việc trao giải cầu thủ số 1 cho Messi. Thật ra, chẳng ai đợi đến khi kết thúc trận cuối cùng mới bầu nhân vật xuất sắc nhất giải. Về mặt tổ chức, giải nào cũng chọn ngay sau bán kết.


Messi là cầu thủ hay nhất World Cup 2014

Điều kỳ lạ: Messi là cầu thủ hay nhất World Cup 2014, nhưng danh hiệu cầu thủ hay nhất Argentina năm ấy lại được trao cho Angel Di Maria. Tương tự, chẳng ai hiểu nổi vì sao Messi lại không được bầu là VĐV số 1 Argentina vào năm 2009 - thời điểm mà anh ngự trị một cách tuyệt đối trên vòm trời thể thao thế giới, đoạt "Quả Bóng Vàng châu Âu" với chênh lệch chưa từng thấy trong suốt lịch sử của cuộc bầu chọn danh giá và uy tín này. Năm ấy, người ta trao giải VĐV xuất sắc nhất Argentina cho VĐV quần vợt Juan Martin Del Potro (vô địch US Open). Thế còn năm nay? Biểu tượng thể thao của Argentina 2015 là Paula Pareto, một nữ VĐV judo.

Cứ như ngay tại Argentina, người ta cố tình làm ngơ trước sự xuất sắc của Messi? Nói như thế này, có vẻ hợp lý hơn: Người Argentina sợ Messi qua mặt... Diego Maradona. Họ luôn xem Maradona là một biểu tượng, là đại diện gần gũi với mình hơn cả. Thậm chí, kể cả khi đại bại trong chiến tranh Faulklands (mà Argentina gọi là Malvinas), người dân Argentina vẫn được an ủi khi Maradona ủng hộ cuộc chiến ấy. Thế còn Messi? Anh phải bỏ xứ ra đi ở tuổi 13, gia nhập lò trẻ Barcelona chỉ cốt để chữa bệnh còi xương trước khi nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp bóng đá. Anh vươn lên từ lò trẻ La Masia danh tiếng, thân thiết và gần gũi với Iniesta hoặc Xavi hơn bất cứ đồng đội nào trong đội tuyển Argentina. Anh chẳng bao giờ là một ngôi sao mà người dân Argentina có thể tự hào nói rằng "của mình".

Ngày xưa, cả thế giới đồng tình, cho rằng Pele là "Vua bóng đá". Tranh cãi bắt đầu bùng nổ từ khi Maradona tỏa sáng tại World Cup 1986. Đến cột mốc chuyển giao thiên niên kỷ thì FIFA bẽ bàng trước một kết quả bầu chọn do chính họ khởi xướng, qua internet: Maradona - chứ không phải Pele - là Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong thế kỷ 20. Làm sao có thể tôn vinh một cầu thủ từng bị trục xuất khỏi World Cup vì doping, một con người từng "thề trên đầu hai đứa con gái" rằng mình không chơi doping? FIFA đành muối mặt "bầu lại", theo một cách khác, để rút cuộc thì cũng trao được cho Pele một danh hiệu tương đương. Hành động chữa cháy của FIFA không thể xua tan niềm tự hào mà người dân Argentina dành cho Maradona. Nhưng bây giờ, nếu có đề tài tranh luận về một cầu thủ hay nhất xưa nay - một và chỉ một, có lẽ chính giới hâm mộ Argentina sẽ... im lặng. Hoặc họ sẽ dùng lập luận muôn thuở: không nên so sánh cầu thủ thuộc những thế hệ khác nhau. Chẳng cần lý giải vì sao.

Chê Messi... cho hay

Hãy trở lại với chính Messi. Anh chưa bao giờ quan tâm đến loại đề tài như vậy. Anh rất hờ hững khi được hỏi về tài nghệ của mình. Anh khác hẳn Ronaldo, càng đáng kính trọng hơn nhiều so với loại ngôi sao luôn tán dương... chính mình, đến mức có thể xem là nô lệ cho sự nổi tiếng, như Zlatan Ibrahimovic. Ngôi sao người Thụy Điển từng nhảy chồm lên trước một cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu trong nước mình. Anh nói: "Số 1 phải là Ibrahimovic. Số 2, số 3, số 4 vẫn cứ phải là Ibrahimovic". Bóng đá hiện đại, với biết bao nhu cầu thực tế phát sinh từ sự nổi tiếng của các danh thủ, làm cho không ít ngôi sao bỗng nhỏ bé đi như vậy.

Ngược lại, Messi xuất sắc đến mức độ chẳng còn gì là quan trọng khi người ta bàn về chính anh nữa. Nói một cách nghiêm túc thì khen Messi mới khó. Với giới cầm bút, đôi khi chê Messi... thì mới hay.


Messi đá hỏng penalty ở trận gặp Levante ở đầu mùa này

Hồi đầu mùa, Messi sút hỏng phạt đền trong trận gặp Levante. Anh vẫn ghi 2 bàn và góp 1 đường chuyền thành bàn, giúp Barcelona thắng 4-1. Thế là bùng nổ tranh luận. Đấy là lần thứ 17 Messi sút hỏng trong 81 lần sút phạt đền, trong suốt sự nghiệp. Không có cầu thủ nào ở La Liga sút hỏng phạt đền nhiều hơn Messi, trong 10 năm qua. Quá may, khi cả thế giới được thấy nhược điểm sút phạt đền của Messi.

 Đâu riêng gì khả năng sút phạt đền. Sút phạt nói chung, chơi bằng chân phải, khả năng làm thủ lĩnh, sút xa... là những chi tiết khác từng được đề cập như các nhược điểm chuyên môn của Messi. Tất nhiên, đấy chẳng bao giờ là chuyện "hai 5 rõ 10", nhưng đấy luôn là đề tài hay để bàn về cầu thủ mà ai cũng biết là xuất sắc như thế nào. Nói ra cho được Messi còn khiếm khuyết nào thì đấy mới là đề tài ăn khách. Đấy hóa ra cũng là chi tiết nói lên sự vĩ đại của Messi.

Sẽ là Messi... cho đến bao giờ?

Anh vẫn đang ở tuổi 28. Và, như mọi chú bé thích bóng đá đều thuộc làu, anh đã 5 lần đoạt "Quả Bóng Vàng", trong đó có 4 lần liên tiếp. Ngoài Messi thì người duy nhất từng đoạt được "Quả Bóng Vàng" 3 lần liên tiếp là huyền thoại Michel Platini. Lần đầu tiên Platini được trao giải, ông cũng đã 28 tuổi.

Ở tuổi 28, khối huyền thoại khác trong danh sách những người từng được trao "Quả Bóng Vàng" chưa hề tiếp cận với vinh dự này. Chủ nhân giải thưởng đầu tiên là Stanley Matthews, lãnh giải ở tuổi... 41. Kế đến là Alfredo Di Stefano, được trao giải lúc 31 tuổi. Fabio Cannavaro ở tuổi 33, Paved Nedved ở tuổi 31...


Messi đã phá kỉ lục của nhiều huyền thoại

Nói vậy không phải là để so sánh Messi với những tượng đài khác trong dòng trôi của lịch sử bóng đá, đơn giản vì đâu thể so sánh Messi với ai nữa! Vấn đề ở đây là nếu Messi chơi bóng đến gần độ tuổi tứ tuần, như Lothar Matthaeus chẳng hạn (đoạt Quả Bóng Vàng ở tuổi 29, khoác áo ĐTQG đến tuổi 39), rút cuộc anh sẽ làm chủ bao nhiêu Quả Bóng Vàng? Con số cụ thể sẽ làm ám ảnh rất nhiều thành phần trong giới bóng đá. Ngoài Messi, chưa ai vượt qua con số 3.

Nhìn từ Quả bóng Vàng 2015: Đừng lo, World Cup không thể ám ảnh Messi!

Nhìn từ Quả bóng Vàng 2015: Đừng lo, World Cup không thể ám ảnh Messi!

Lionel Messi đã có mọi thứ cùng Barca và những danh hiệu cá nhân. Anh cũng đã giành được chiếc HCV Olympic mà trong lịch sử người Brazil chưa bao giờ có cơ hội chạm vào. Chỉ riêng World Cup thì Messi vẫn lỡ hẹn.


Hồi Messi thắng giải lần đầu tiên (2009), anh mới ở tuổi 22. Và khi ấy, người ta đã xem chuyện anh đoạt giải như một trong số ít những điều chắc chắn trên đời. Trước đó, anh đã lần lượt lấy Quả Bóng Đồng, rồi Quả Bóng Bạc. Trong số 96 phiếu bầu, có đến 90 phiếu ghi tên Messi vào vị trí số 1. Tổng điểm của anh là 473 trong khi điểm số tối đa trên lý thuyết là 480. Còn phải bầu chọn trước một vấn đề như vậy? Messi thống trị thế giới bóng đá, lãnh Quả Bóng Vàng nhiều và dễ đến mức đôi khi người ta bỏ qua một chi tiết vô cùng quan trọng: khi không lãnh giải thì anh có Quả Bóng Bạc, suốt từ năm 2008 đến nay.

Pháp (6), Hà Lan (7) và Đức (7) là 3 nền bóng đá hiếm hoi sở hữu "tổng số Quả Bóng Vàng" nhiều hơn thành tích cá nhân của Messi. Ngoài Barcelona của chính Messi, cũng chỉ có 3 CLB sở hữu "tổng số Quả Bóng Vàng" nhiều hơn thành tích cá nhân của anh. Đó là Juventus, AC Milan, Real Madrid (đều có 8 Quả Bóng Vàng).

Messi sẽ lần lượt xô ngã tất cả, không chỉ những đối thủ con người, mà là đế chế?

Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm