Tay chèo Nguyễn Thị Hương: Cuộc đua với những 'người khổng lồ' tại Olympic

05/08/2024 07:49 GMT+7 | Thể thao

Tay chèo Nguyễn Thị Hương với chiều cao 1m51 phải đối đầu với những đối thủ cao hơn cô ít nhất 20cm tại nội dung C1 200m môn canoeing tại Olympic.

Đối thủ vượt trội về thể hình

Lợi thế chiều cao thường là ấn tượng đầu tiên của người hâm mộ dành cho những VĐV thể thao, điều còn được thể hiện rõ nét hơn với những môn thể thao dưới nước như bơi lội, canoeing, rowing... Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn khi biết Nguyễn Thị Hương, đại diện duy nhất của Việt Nam ở môn canoeing tại Olympic lần này chỉ cao 1,51m.

Tay chèo "bé hạt tiêu" của canoeing không chỉ là VĐV có chiều cao khiêm tốn nhất trong làng thuyền Việt Nam. Cô tiếp tục giữ vững "vị trí ấy" mỗi khi tiến ra khu vực và thế giới. Ở SEA Games 31 đầu tiên mà Hương tham dự, đối thủ về nhì nội dung 200m canoeing là Orasa Thiangkathok cao tới 1,67 m. Các VĐV khác của Indonesia, Philippines và Malaysia đều cao hơn Hương.

Bước ra Olympic, cách biệt còn lớn hơn. Ở nội dung C1 200m nữ có 33 tay chèo tham dự, trong đó bộ đôi đến từ Ukraine, Anastasiia Rybachok cao 1m78 và Liudmyla Luzan cao 1m77. Tay chèo người Mỹ Nevin Harrison, đương kim HCV Olympic hiện tại, cao tới 1,75 m nhưng vẫn là người thấp nhất trong top 3 Thế vận hội lần trước. Có chiều cao tương tự là Katie Vincent, tay chèo người Canada từng vô địch thế giới vào năm 2021.

Thấp hơn một chút là Lin Wenjun (Trung Quốc) cao 1m72, Daniela Cociu (Moldova), Nilufar Zokirova (Uzbekistan) cao 1m71 hoặc chiều cao 1m70 là mức phổ biến như Mariya Brovkova (Kazakhstan), Maike Jacob (Đức), Dorota Borowska (Ba Lan)… Đứng trước họ, nói Nguyễn Thị Hương đang phải đấu với những "người khổng lồ" cũng không quá lời.

Nhưng cách biệt về chiều cao ấy càng lớn thì niềm tự hào lại càng rõ ràng. Nguyễn Thị Hương là tay chèo đầu tiên trong lịch sử giúp canoeing Việt Nam có một vé chính thức đến Olympic ở nội dung vốn không phải là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Trước đó, cô cũng giành 5 HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó có màn thị uy khó tin khi lấy đủ 3 HCV cá nhân ở các nội dung nữ 200m, 500m và 1.000m thuyền C1.

Tay chèo Canoeing Nguyễn Thị Hương: Cuộc đua với những người khổng lồ - Ảnh 1.

Tay chèo Nguyễn Thị Hương tập luyện trước giờ vào cuộc thi đấu tại Olympic. ẢNH: LĐĐTVN

Ước mơ của "bé hạt tiêu"

Thành tích của Hương khi ấy đặc biệt ấn tượng bởi SEA Games năm 2022 mới là kỳ đại hội đầu tiên của cô bé nhỏ nhắn nhà ven sông Lô, Vĩnh Phúc. Trước đại hội, tuyển canoeing đã đặt nhiều niềm tin vào Hương. Nhưng không ai ngờ cô sẽ chiến thắng, thậm chí thắng cách biệt các đối thủ cùng khu vực. Hết SEA Games ấy, Hương có tổng cộng 5 HCV (hai nội dung đồng đội) và lọt vào danh sách bình chọn VĐV tiêu biểu của năm.

Tất cả đều rất mới mẻ, tính cả Olympic lần này. Bởi Hương mới lên tuyển từ năm 2019. Trước đó, ở tuổi 14, Nguyễn Thị Hương mới lựa chọn thể thao chuyên nghiệp sau tấm HCV đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Cô cũng chưa chọn canoeing ngay. Một năm rưỡi đầu tiên, cô gái vàng tương lai bén duyên với vật. Cô chỉ chuyển sang canoeing sau khi đội vật ở Vĩnh Phúc giải thể còn HLV thân thiết Nguyễn Việt Phương cũng chuyển sang môn thể thao dưới nước này.

Ngày đến với canoeing, Hương còn chưa biết bơi. Một năm trời, cô tập bơi, tập chèo trên cạn, tập đứng vững trên mặt nước. Một năm, cô mới điều khiển được thuyền theo ý mình.

Trước SEA Games, trong quãng hai năm Covid-19, Nguyễn Thị Hương gần như không tập huấn nước ngoài, không làm quen đối thủ. Cô gái nhỏ bé bước một mạch tới đấu trường khu vực, giành 5 HCV rồi đi về nhà, giống hệt cái cách cô một bước đến vòng loại Olympic châu Á ở Nhật Bản cách đây ít lâu, đứng thứ nhì, giành vé tới Thế vận hội rồi trở về nhà.

"Một bước chân nhỏ bé" là miêu tả mang đầy hình tượng của Nguyễn Thị Hương với Thể thao & Văn hóa trước khi cô lên đường tới Olympic. Cô đúng là nhỏ bé thật, cả về tầm vóc lẫn trình độ trong lần đầu dự Olympic. Cô thừa nhận: "Em hơi lo lắng khi bước tới đấu trường lớn như vậy với thể hình khiêm tốn thế này. Đây là một đấu trường có khi là quá sức với em. Em sẽ cố gắng thi đấu quyết liệt nhất, chiến đấu hết mình để vượt qua ngưỡng của mình ở Olympic. Trước thềm Olympic, sự chuẩn bị đã diễn ra từ rất lâu rồi và trong đó, em đã chuẩn bị, cố gắng hết sức mình để tập theo giáo trình của HLV và đạt được thành tích tốt nhất tại Olympic".

Hy vọng, Olympic Paris sẽ là nơi Hương để lại dấu ấn và tạo động lực vươn lên trong hành trình dài mai sau của tay chèo nhỏ bé.

Thanh Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm