08/10/2021 08:20 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Thành ngữ “tay chơi” chắc hẳn ra đời chưa lâu lắm ở thị thành. Tay chơi là đặc sản không chỉ ở chốn thị thành,các miền quê cũng có tay chơi của họ nhưng ít nhiều kín đáo hơn. Phần vì đồ chơi ở các miền quê không nhiều bằng thành thị. Phần nữa, ở làng xã mà mang tiếng tay chơi là hơi khó sống.
Tay chơi ở phố có khá nhiều dạng. Kẻ ham ăn uống, người thích ăn diện. Lại cũng có kẻ sa đà cờ bạc đề đóm. Người lại đắm say tửu sắc. Nhưng đã gọi là tay chơi thì ít nhiều đều có những phẩm chất ấy.
Mai Lâm là một tay chơi Hà Nội cũ. Cái lối chơi của thế hệ anh đều nằm trong nền tảng kinh tế nghèo nàn. Tuy nhiên thuộc vào hàng nề nếp con nhà cho nên vẫn giữ được độ lịch duyệt trong cách chơi của mình.
Kinh tế không khá giả gì nhưng độ đam mê đồ chơi và trò chơi của các anh lại đầy ắp ngay từ thời niên thiếu. Tuổi nào trò ấy cho đến tận bây giờ vẫn không hề suy giảm. Đó hình như cũng là tính cách của một phần không nhỏ thị dân Hà Nội. Họ không ham hố chức quyền, tiền bạc. Cũng chẳng thiết tha với việc xây dựng một sự nghiệp lẫy lừng. Với họ, được vui chơi gần như là lẽ sống. Bạn bè thân thiết cũng chẳng nệ chuyện giàu nghèo. Chẳng vay mượn xin xỏ gì ai. Chính vì thế tình bạn giữa họ bền chặt đến cả đời.
Vài chục năm nay Mai Lâm vắng mặt ở Hà Nội. Anh định cư ở Đức. Nhưng hầu như năm nào cũng về chơi Hà Nội. Với anh, phố phường Hà Nội và bạn bè có lẽ là thứ không thể thiếu. Lần nào anh về cũng vẫn những gương mặt cũ từ vài chục năm trước tụ tập. Nhà văn Trần Hoàng Bách, nhà văn Nguyễn Việt Hà, đạo diễn Cao Mạnh, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, điêu khắc gia Phạm Mai Châu, họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng, và tôi (nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn)...Và một người bạn vô cùng thân thiết bị tật nguyền là họa sĩ Phạm Gia Phúc (nguyên mẫu nhân vật Phúc "què" trong Tay chơi). Ông Phúc những năm cuối đời nằm im trên căn gác 2 ngôi nhà ở Phố Đinh Tiên Hoàng là người duy nhất lần nào về Mai Lâm cũng kéo bạn bè lên thăm.
Phúc có rượu quê nút lá chuối uống quen vài chục năm, Mai Lâm về xách vài chai rượu Tây. Phúc nằm một chỗ nhưng có mối mua đồ nhậu quen thuộc bên chợ Hàng Bè. Anh em kéo đến bất kỳ giờ nào cũng có đồ uống. Món thích nhất của Mai Lâm ở nhà Phúc "què" là bún chả gọi bên chợ Hàng Bè. Chuyện trò rôm rả như ngày còn ở nhà. Không ai có cảm giác như Mai Lâm đã từng xa Tổ quốc 30 năm có lẻ. Trong mâm rượu nhà Phúc có đến 4 ông học trường mỹ thuật Yết Kiêu ra là Phạm Gia Phúc, Phạm Mai Châu, Nghiêm Xuân Hưng và tôi.
Thực ra thì tôi chơi thân với đạo diễn Cao Mạnh hơn vì sàn sàn tuổi nhau. Đạo diễn Cao Mạnh là em ruột Mai Lâm. Thế nhưng vì cùng là dân trường mỹ thuật ra nên các ông Châu "sầu", Hưng, Phúc dù lớn tuổi hơn cũng thân thiết từ gần 50 năm trước khi còn đi học ở trường. Đều là dân sáng tác cả nên Mai Lâm dễ dàng thấu hiểu các bạn mình. Anh nguyên là dân Nhạc viện Hà Nội ra. Chính anh và những người bạn của mình là cả một kho tàng ký ức về Hà Nội một thời. Nhiều khi chỉ cần kể rất chân thực nó ra mà không cần đến văn vẻ gì cũng đủ hay rồi. Bởi vì cái thời tuổi trẻ ở thành phố của các anh đầy gian khổ. Các anh đều từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất. Phải làm đủ việc để kiếm sống.
Giờ thì chữ “tay chơi” được hiểu theo nghĩa là các đại gia và con cái của họ. Nghĩa là phải có nhiều tiền thì mới mong chơi được xe cộ, biệt thự, trang trại. Thế nhưng dưới con mắt của thế hệ các anh giờ này rất hiếm có được một tay chơi đúng nghĩa. Tệ hơn, các anh luôn nhìn họ bằng con mắt “ngoài tiền ra bọn ấy chẳng có gì”. Rượu Tây, nhà hàng sang trọng không phải các anh chưa từng thưởng thức. Nhưng để hiểu về rượu, về món ăn truyền thống lại là cả một quá trình dằng dặc lăn lóc phố phường. Thứ mà lớp trẻ ở phố bây giờ luôn thiếu.
Tay chơi, mà nhất là thế hệ trên dưới 70 bây giờ ở Hà Nội cũng không còn nhiều. Họ chơi với nhau trân trọng thân thiết nhưng không quá vồn vã. Cũng chẳng mấy khi nói ra thành lời tình cảm của mình với bạn bè. Nhưng chỉ cần nhìn cách cư xử lịch lãm thôi là họ biết ngay ai là hạng chơi được. Thế cho nên dù ở xa hay gần họ vẫn luôn là bạn tốt của nhau. Và thời gian đã lọc ra khá nhiều người thuộc hạng khó chơi.
***
Nhiều nhà văn do nhân duyên tình cờ mà thành. Thường thì họ cố gắng theo đuổi chính mình trong cách thực hành văn chương. Mai Lâm cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Có khác chăng chỉ là thái độ của anh với chữ nghĩa mà thôi.
Văn của Mai Lâm tỉ mẩn kể từng chi tiết đời thực. Thậm chí anh còn không ngần ngại đưa vào trang viếtcủa mình tên tuổi thật của những người bạn Hà Nội. Những Châu "sầu", Phúc "què", Phúc Te, Viễn, Phú…là những nhân vật hoàn toàn có thật với tên gọi chính xác như vậy. Và hơn hết, anh chưa bao giờ có ý thức trở thành nhà văn. Cho nên ngay cả cái cách anh thực hành văn chương cũng chẳng giống ai. Cho đến tận bây giờ “đồ nghề” của nhà văn Mai Lâm vẫn chỉ là chiếc điện thoại iPhone cổ lỗ sĩ. Ngồi bất cứ đâu anh đều có thể lôi “đồ nghề” ra hí hoáy dăm câu sáu sợi “tự nhiên nhi nhiên”.
Mạch nhớ, mạch thương có thể gọi như là chất liệu chính cho cái viết của anh. Và ta dễ hiểu với một “con giai phố cổ” có tuổi đời 70 thì cái nhớ nó đầy đặn đến như thế nào. Nhất là khi “con giai phố cổ” ấy có đủ đầy những năm tháng từng trải từ tuổi thiếu niên đến thanh niên và bắt đầu chớm già đi trên phố. Những tháng năm nghèo đói có thể nói là khốc liệt nhất ở thành phố này. Cái nợ áo cơm gắn chặt với số phận của cư dân nơi đây đến mức người ta mặc định coi nó như một lẽ thường.
Mai Lâm xa Tổ quốc đã 30 năm có lẻ nhưng cảm giác như anh chưa từng vắng mặt ở nơi này. Đây đó vẫn những con đường ký ức, những bạn bè một thuở hàn vi, những món ăn, đồ uống…mà ngay chính người Hà Nội đương thời không phải ai cũng biết. Tất cả hiện lên mồn một như câu chuyện mới chỉ xảy ra hôm qua. Những phận người lang bạt, những công việc lao động chân tay nặng nề, những trò chơi và đồ chơi nơi đất khách với một người từng sinh ra lớn lên ở Hà Nội đều mang nét đặc thù của những ông con giai phố cổ kỹ lưỡng tỉ mẩn đến kinh ngạc. Hóa ra cái phẩm chất “con giai phố cổ” là có thật cho dù họ ở bất cứ đâu trên trái đất này.
Tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng như là sợi chỉ xuyên suốt ăm ắp nhân tình trong từng trang viết. Giống như vài đàn ông Hà Nội viết, âm hưởng thoát thai ra từ cuốn sách là buồn và chậm rãi. Cười đấy, đùa đấy mà thấy quặn thắt từng cơn đau. Thương người, thương đời, thương yêu thành phố ngổn ngang những phận người hiếm khi toại nguyện.
Mai Lâm bắt đầu xuất hiện trong làng văn chưa lâu. Ban đầu chỉ là những status trên Facebook. Vài người bạn có liên quan đến sách vở khuyên anh nên tập hợp lại. Thế là bốn năm cuốn sách có tên gọi chung là Từ xa Hà Nội ra đời. Người đọc cả trong và ngoài nước bắt đầu biết đến tên tuổi anh từ những tản văn ngắn, có khi rất ngắn, nhưng hàm lượng thông tin trong ấy lại không hề nhỏ. Có thể nói nó đã làm sống dậy cả một Hà Nội thời quá vãng chưa xa. Thời mà những cư dân Hà Nội ở tuổi 60 - 70 bây giờ vẫn còn giữ được y nguyên trong ký ức.
Cuốn Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm dày dặn hơn đáng kể. Nó đã gần như chạm được vào cái cốt lõi phẩm cách đàn ông ở đất này. Cái viết cũng đã phần nào biến chuyển sang thể loại tùy bút nhiều hơn là tản văn. Vài bài còn đi sâu tìm hiểu thấu đáo về sự việc và sự vật. Nó sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn kỹ lưỡng hơn về Hà Nội của một thời thương khó nhưng đầy lạc quan hào hùng.
ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI 1. Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt 2. Bộ sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín 3. Cuốn sách Tay chơi (NXB Trẻ) của Mai Lâm |
Nhà văn Đỗ Phấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất