Apple chiêu mộ Taylor Swift để tấn công thị trường nhạc trực tuyến

13/04/2015 22:14 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Không nằm ngoài cuộc chơi đang nóng hổi, Apple đã liên lạc với Taylor Swift, ban nhạc Florence and the Machine và khoảng 10 nghệ sĩ khác để thuyết phục họ cung cấp nội dung nhạc độc quyền cho Beats Music – dịch vụ nghe nhạc trực tuyến vừa được Apple mua lại trong một thương vụ trị giá 3 tỷ USD hồi tháng Năm năm ngoái.

Chiến lược đầy tham vọng

Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple đang cố thuyết phục ban nhạc Florence and The Machine trao nội dung phát hành độc quyền một ca khúc trong album sắp phát hành của họ trên hệ thống nghe nhạc trực tuyến Beats Music. Những đề nghị tương tự cũng đang được hãng công nghệ danh tiếng gửi tới Taylor Swift và nhiều nghệ sĩ khác. Apple hy vọng các sản phẩm độc quyền sẽ thu hút được lượng lớn những người yêu nhạc tham gia vào dịch vụ còn mới mẻ này.

Taylor Swift chính là người mở màn cho "cuộc chiến" giữa các nghệ sĩ và dịch vụ nghe nhạc miễn phí

Tidal – dịch vụ nghe nhạc trực tuyến do Jay-Z làm chủ và 16 nghệ sĩ tên tuổi khác như Beyoncé, Madonna, Rihanna… giữ vai trò cổ đông - mới đây cũng sử dụng chiến thuật tương tự nhằm lôi kéo khán giả từ các dịch vụ miễn phí như Spotify hay Youtube. Apple có thể sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ nếu muốn chiêu mộ Taylor Swift và các nghệ sĩ tên tuổi khác.

Nguồn tin giấu tên cũng cho biết Beats Music sẽ được Apple “đại tu” và lên sóng trở lại vào mùa hè này với một tên gọi mới. Người dùng sẽ có 2 gói cước để lựa chọn: gói 9,99 USD/tháng cho cá nhân và gói 14,99 USD/tháng dành cho gia đình. Trong khi đó, dịch vụ đối thủ Tidal cũng đang có 2 gói cước với mức giá tương tự là 9,99 USD cho chất lượng tiêu chuẩn và 19,99 USD cho chất lượng cao.

Đồng thời, nhiều người cũng tỏ sự quan tâm việc Apple sẽ tích hợp phần mềm nhạc số Itunes ra sao trong sản phẩm mới này. “Giờ đây rất dễ dàng để có thể sử dụng dịch vụ nghe nhạc trực tuyến miễn phí trên Internet, vì vậy các nhà dịch vụ cần phải tìm ra lối đi riêng nếu muốn người dùng trả tiền để sử dụng dịch vụ”, Tom Webster – giám đốc bộ phận marketing Edison Research cho biết.

Miễn phí hay trả phí?

Sự xuất hiện của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến miễn phí như Spotify, Pandora đã ít nhiều làm thay đổi thói quen tiếp nhận âm nhạc của một bộ phận lớn khán giả cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu bán đĩa của làng nhạc.

Tháng 11 vừa qua, Taylor Swift là nghệ sĩ đầu tiên tuyên bố “nghỉ chơi” với Spotify vì cô cho rằng nghệ sĩ đang không được trả công xứng đáng cho lao động sáng tạo của mình. Hay mới đây, trong chiến dịch quảng bá cho Tidal, các nghệ sĩ cổ đông cũng nêu cao khẩu hiệu: dịch vụ âm nhạc trả phí sẽ giúp “trao trả quyền lực vào tay nghệ sĩ”.

Apple sẽ bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào Beats Music

Thế nhưng, Russ Crupnick – quản lý đối tác của công ty nghiên cứu thị trường MusicWatch cho rằng điều đó khó có thể xảy ra bởi “số đông người dùng vẫn chưa bị thuyết phục tại sao họ lại phải trả tiền để được nghe nhạc khi đã có sẵn những dịch vụ miễn phí”.  

Tuy nhiên, Beats Music vẫn có khả năng xoay chuyển được thế cờ bởi Apple đã có sẵn một lực lượng fan hùng hậu cho các dòng sản phẩm Iphone và Ipad của họ, và đây là một lợi thế khổng lồ của Beats Music so với các đối thủ.

Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến đang trở thành một thị trường có sức phát triển vũ bão. Năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội ghi âm Hoa kỳ, lợi nhuận từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, radio trực tuyến và quảng cáo trên các trang nhạc đạt 1,88 tỷ USD, tăng trưởng 29%. Trong đó, riêng lợi nhuận thu được từ số lượng đăng ký nghe nhạc trực tuyến đã đạt gần 800 triệu USD, vượt xa doanh số bán đĩa trong năm.

Chiến lược đầy táo bạo của Apple được dự báo sẽ thổi một làn gió mới vào thị trường nhạc trực tuyến và khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các hãng dịch vụ càng trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.  

Hoàng Minh
Theo Bloomberg

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm