10/03/2016 19:36 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - Có dấu hiệu cho thấy Maria Sharapova đã nói dối và những tổn hại tài chính mà cô phải chịu mới chỉ bắt đầu sau vụ dùng chất cấm Meldonium.
Sharapova vẫn che giấu sự thật?
Đầu tiên phải khẳng định một điều là giữa hai lựa chọn: lên tiếng hay im lặng, Sharapova đã chọn cách tốt nhất có thể lúc này là lên tiếng. Bởi nếu cô im lặng thì cuối cùng sự việc vẫn được phơi bày và khi đó tính chất nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực của nó lên thương hiệu và hình ảnh của cô trong một thế giới đa phương tiện và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay là khó có thể hình dung được. Sharapova chủ động lên tiếng thừa nhận mình dùng chất cấm meldonium dĩ nhiên vẫn tạo ra cú sốc trong thế giới thể thao nói chung và thế giới tennis nói riêng nhưng ít nhất cô vẫn nhận được sự cảm thông nhất định từ một số cá nhân và CĐV coi tiết lộ của cô là dũng cảm và trung thực.
Nhưng vấn đề không đơn giản như thế khi người ta có cảm giác Masha vẫn đang che giấu chuyện gì đó trong cuộc họp báo đầy “dũng cảm” của cô. Thứ nhất, như đã nói, cả cô lẫn luật sư đại diện đều không nói chi tiết là cô đã dùng meldonium với tần suất như thế nào trong 10 năm mà chuyện này thì chắc chắn cô biết rõ.
Thứ 2, trong khi Sharapova nói là cô đã dùng meldnium từ 10 năm nay thì nhà sản xuất loại thuốc này của Latvia Grindeks lại nói rằng thời gian điều trị meldonium thông thường là từ 4-6 tuần. Khoảng thời gian đó thì lại nằm trong thời gian từ khi cơ quan chống doping thế giới WADA đưa meldonium vào danh mục chất cấm sử dụng (từ 1/1/2016) tới lúc này và thời gian họ gửi email cho Masha (cuối tháng 12/2015).
Rõ ràng 4-6 tuần và 10 năm là hai khoảng thời gian khác nhau một trời một vực khiến mốc thời gian Sharapova đưa ra bị đặt dấu hỏi lớn. Không lẽ cô nói (cứ cho là theo tư vấn của bác sỹ) đúng còn nhà sản xuất nói sai? Hay vì sao mà giữa hai mốc thời gian lại vênh nhau quá lớn như vậy?
Thêm một khác biệt nữa: Sharapova nói cô bắt đầu được khuyên dùng meldonium từ 2006 vì bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Trong khi nhà sản xuất cho biết meldonium giúp tăng khả năng lưu thông máu, chống thiếu máu cục bộ, tăng sức chịu đựng cho VĐV, nhất là VĐV chơi những môn thể thao đòi hỏi nhiều về thể lực và tăng lưu lượng oxy cung cấp cho cơ thể.
Ngược dòng thời gian vào năm 2006 mà Masha nói sức khỏe của cô có vấn đề thì người ta thấy năm ấy cô chơi rất tốt, với thể lực sung mãn. Sharapova ít nhất vào tới bán kết ở 13/15 giải cô tham dự năm ấy trong đó vô địch 5 giải là US Open, Indian Wells, Carlsbad WTA, Zurich Open và Linz Open. Phải chăng một phần là nhờ dùng meldonium?
Những tổn hại lớn mới chỉ bắt đầu, Sharapova!
Việc 3 nhãn hàng quảng cáo và tài trợ Nike, Porsche, TAG Heuer nhanh chóng lên tiếng ngưng hợp đồng hợp tác và hoãn gia hạn hợp đồng mới với Sharapova đã khiến cô thiệt hại nhiều chục triệu USD. Nhưng chắc chắn tổn hại tài chính cô phải chịu còn lớn thế nữa.
Hãy tự hỏi vì sao Sharapova trở thành cỗ máy kiếm tiền số 1 trong thế giới thể thao nữ suốt 11 năm liền? Câu trả lời: Cô không chỉ sở hữu vẻ ngoài khả ái mà quan trọng không kém là cô vẫn đạt thành công đáng kể trong sự nghiệp quần vợt.
Sharapova đã 5 lần chiếm ngôi số 1 WTA ở những giai đoạn khác nhau, lần đầu hồi 2005 và gần nhất là giữa năm 2012. Nếu không là số 1 thì cô cũng thường xuyên nằm trong tốp các tay vợt dẫn đầu BXH WTA. Cô đoạt 35 danh hiệu đánh đơn, giành 5 chức vô địch Grand Slam và đủ bộ cả 4 giải lớn. Đặc biệt, từ năm 2003 tới 2015 năm nào cô cũng vô địch ít nhất một giải đánh đơn, điều mà chỉ có những Steffi Graf, Martina Navratilova, Chris Evert mới làm được tốt hơn.
Thành tích ở Grand Slam của Sharapova cũng chỉ kém 2 chị em nhà Williams trong số các tay vợt nữ còn thi đấu (nhưng hình thức của cô thì ăn đứt họ). Điều đó đảm bảo cho Sharapova trở thành tên tuổi lớn bậc nhất của WTA trong khoảng hơn 1 thập niên qua và thành tích của cô rất ổn định dù chỉ là tương đối.
Thành tích ấy, nhan sắc ấy khiến cô không có đối thủ xứng tầm trong giới VĐV nữ về khả năng làm tiền. Nhưng bây giờ Masha sẽ rất khó duy trì sức hút với các nhà tài trợ. Lí do? Ít nhất cô sẽ bị cấm thi đấu 1 năm (trong trường hợp được xác nhận là chỉ vô tình dùng chất cấm meldonium). Khoảng thời gian không thi đấu ấy sẽ khiến cô tụt hạng sâu hơn nhiều so với vị trí thứ 7 WTA hiện tại. Liệu có nhãn hàng quảng cáo nào lại muốn đặt cược hình ảnh của họ vào một tay vợt có thứ hạng thấp hơn kỳ vọng và không được thi đấu?
Trọng Tuệ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất