11/08/2021 08:26 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang ra đời khoảng 1935-1936, nhưng thực sự gây tiếng vang rất lớn khi Đoàn cải lương 284 dựng lại với bàn tay đạo diễn của NSND Diệp Lang.
Trong đó, cặp đào kép chánh là Minh Vương - Lệ Thủy đã lấy nước mắt người xem không biết bao nhiêu. NSND Lệ Thủy đã vào vai nàng Tô Ánh Nguyệt một cách chân thành, giản dị, đúng với tư chất của bà.
1. Năm đó, Lệ Thủy còn trẻ lắm, nét mặt đẹp một cách chân chất, cho nên đóng rất nhập vai cô Nguyệt từ quê lên tỉnh học đã yêu anh Minh (Minh Vương) bằng tất cả trái tim non nớt đầu đời. Nhưng khi cô vừa có thai thì gia đình Minh bắt anh về cưới vợ. Cha Nguyệt là ông Cả trong làng, cũng ép cô lấy chồng, nên Nguyệt bỏ nhà ra đi để giữ thanh danh cho gia đình.
Một thân một mình với đứa con vừa chào đời, khó khăn vây bủa, sau phải về phụng dưỡng mẹ già đau yếu, cô đành chọn cách gởi con lại cho gia đình Minh, mong nó có cuộc đời sung sướng. Minh lấy vợ là Dung, nhưng không có con, nên hai vợ chồng đồng ý nhận đứa bé làm con nuôi. Câu chuyện đau đớn bắt đầu từ đây.
Tô Ánh Nguyệt đã đau đớn từ khi mất người yêu, rồi bị cha đánh chửi, rồi phải xa lìa mái ấm, nhưng những hoàn cảnh đó cô có thể chịu được, đến khi phải bứt lìa núm ruột của mình thì nỗi đau của người phụ nữ mới thật sự lên tới đỉnh điểm.
Ai từng làm cha làm mẹ đều biết, con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất, là mối quan tâm đến suốt cuộc đời. Người ta có thể chịu đựng mất mát mọi thứ, nhưng mất con thì đất trời như sụp đổ. Chính tâm lý đó đã tạo đất diễn cho Lệ Thủy.
Nàng Tô Ánh Nguyệt đã ẵm đứa con đến nhà của Minh với một trái tim tan nát. Hình ảnh người mẹ nghèo khó trong bộ bà ba đen, chiếc nón lá cũ, cái giỏ đệm xơ xác, và những bước chân rụt rè, lảo đảo. Rụt rè bởi cô Nguyệt phải giấu thân phận của mình, không thể lộ diện là người yêu cũ, chỉ giả như một phụ nữ xa lạ tìm đến để cho đi đứa con. Rụt rè bởi thấy gia thế người ta đồ sộ sang giàu, không biết họ có chịu nhận nuôi con mình. Rồi lảo đảo bởi phải đối diện với sự trái ngang, giằng xé. Bao nhiêu cơn sóng cuốn lấy bước chân bất hạnh…
Khi vượt qua được sự rụt rè để nói lên ý nguyện cho con, thì tiếp theo là nỗi đau khi đối diện người yêu cũ mà không dám nhìn nhau. Họ đã “tâm sự” một đoạn dài mà kẻ vô tình, người thì cố ý. Cô Nguyệt vòng vo khéo léo trách móc người đàn ông tệ bạc. Còn anh Minh thì vô tình thố lộ tâm can, vô tình phơi bày trái tim cô đơn trong cuộc hôn nhân ép buộc. Nước mắt đôi bên cùng chảy.
Thế là họ đã hiểu nhau, đúng hơn cô Nguyệt đã hiểu và thông cảm cho người thương của mình. Những lời hát đầy ẩn ý, sâu xa, tê tái, đã làm nên một lớp diễn hay cho Minh Vương - Lệ Thủy.
2. Nhưng nỗi đau thật sự òa vỡ khi Tô Ánh Nguyệt chỉ còn lại một mình với đứa con, phải quyết định cho nó hay không. Lý trí thì biết là phải cho, để nó có cuộc sống bảo đảm, nhưng trái tim người mẹ theo bản năng cứ nhất định kéo về, không nỡ buông tay con. Sự giằng co, cấu xé trong lòng người mẹ đã khiến nước mắt khán giả rơi như mưa.
Tiếng khóc của đứa nhỏ càng đẩy người mẹ vào bức tường chịu đựng. Và người mẹ đã vén áo cho con bú lần cuối cùng, gợi hình ảnh đau đớn nhất của cuộc ly tan. Lệ Thủy khóc thật, chị đứng lảo đảo, sụp đổ, rã rời. Sau này chị kể mỗi lần đóng Tô Ánh Nguyệt là mắt chị sưng luôn, và chị rất mệt. Trái tim người mẹ của Lệ Thủy đã hòa vào trái tim người mẹ của Tô Ánh Nguyệt.
Còn một lớp diễn nữa, chứng minh thêm tài năng của Lệ Thủy. Tô Ánh Nguyệt vì quá nhớ thương con, nên đã thuê nhà gần nhà của Minh để hằng ngày được nhìn thấy con khỏe mạnh, trưởng thành. Người mẹ ấy lẳng lặng nép một bên đời để nhìn gia đình người ta hạnh phúc. Cái hạnh phúc lẽ ra là của mình nhưng lại rơi vào tay người khác, chỉ vậy thôi đã đủ cho lòng người sân si. Và thà rằng cách mặt cho mọi thứ lắng dịu, đằng này cứ diễn ra trước mắt, những âu yếm vợ chồng Minh - Dung, những ríu rít mẹ con bên ấy… quả là một thử thách quá sức chịu đựng đối với phụ nữ.
Ớt nào mà chẳng cay, tim nào mà chẳng đau. Cô Nguyệt đã tự chọn cho mình một cuộc thử thách suốt 20 năm mà chưa chắc người phụ nữ nào chịu nổi. Nhưng bởi tình mẫu tử đã lấn át tất cả, cô Nguyệt đã dành trọn trái tim cho đứa con, chấp nhận một cuộc sống lặng lẽ chỉ để nếm chút hạnh phúc dư thừa khi nhìn con khôn lớn. Bà Tô Ánh Nguyệt tóc pha sương trầm tĩnh ngồi thêu gối cưới tặng con là một phong thái rất đẹp của Lệ Thủy.
Thật ra, dư âm tình yêu vẫn còn bừng lên trong Tô Ánh Nguyệt. Minh đã tìm được Nguyệt, và ông cứ lui tới mong hàn gắn lại vết thương lòng, mong nhận từ bà một lời tha thứ. Nhưng bà Nguyệt không muốn phá tan hạnh phúc người ta, chỉ nén lòng giữ lễ với ông Minh, khuyên ông hãy vì con mà sống cho tử tế. Trong hoàn cảnh của bà, rất dễ xiêu lòng, nhưng bà đã chọn tình mẫu tử để làm niềm vui lúc tuổi xế chiều. Tình yêu chỉ cháy lên rất khéo trong ánh mắt Tô Ánh Nguyệt, trong cái tiếng gọi “thầy” nửa hờn trách nửa lễ nghi. Rồi cuối cùng là tiếng gọi “anh” với 2 lần tinh tế.
Khi ông Minh nói: “Anh về nghe Nguyệt!”. Bà trả lời: “Dạ, anh về”. Tiếng “anh” lần này nghe có chút gì đó tha thiết nhói lòng bởi đó chính là tiếng gọi yêu thương bà chờ đợi gần 20 năm. Nhưng khi ông Minh nói lại lần thứ 2: “Anh về nghe Nguyệt!” thì bà cũng trả lời đúng câu: “Dạ, anh về” mà tiếng “anh” bây giờ đã tỉnh hơn, chỉ còn đúng lễ. Nghe tiếng “anh” đó cảm được trái tim bà đã nhẹ nhàng buông ra, không còn nắm giữ nữa. Phải nghe thật kỹ mới khâm phục tài diễn xuất của nghệ sĩ và chắc chắn có bàn tay đạo diễn tinh tế của NSND Diệp Lang.
Những lớp diễn tâm lý quá đầy đặn cho nên nghệ sĩ đầu tư rất kỹ, chú trọng từng cách nhả chữ, từng cách nhấn nhá, chứ không phải hoàn toàn thả trôi cho cảm xúc kiểu lên gân, gào khóc, cuồng giận, lụy tình. Mọi thứ đều chừng mực nhưng kỹ thuật biểu diễn đạt đến mức đáng nể. Và NSND Lệ Thủy đã có một vai diễn để đời không ai qua nổi.
(Còn tiếp)
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất