17/09/2024 11:18 GMT+7 | Giải trí
Gần đây cộng đồng mạng đang nhắc đến sự xuất hiện Đào liễu trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai 2024. Tiết mục này được giới thiệu trên kênh YouTube Yeah1 Music với 3,24 triệu người đăng ký vào ngày 8/9. Tính tới cuối tuần qua, tròn một tuần công chiếu, tiết mục thu hút được gần 550 nghìn lượt xem, 14 nghìn lượt thích, hơn 4.300 bình luận và xuất hiện trong danh mục âm nhạc thịnh hành ở vị trí số 16.
Tránh nhầm với Đào liễu trong chèo cổ và không bị quá dài, chúng tôi tạm gọi tiết mục này với tên Đào liễu (phiên bản Anh trai). Có một vài suy nghĩ, vui thôi, chia sẻ cùng bạn đọc.
Chèo thời nhạc điện tử!
Như bao bản nhạc thời âm nhạc điện tử và rap hiện nay, Đào liễu (phiên bản Anh trai) cũng là một "đại nhạc hội mini" khi kết hợp nhiều chất liệu trong một tiết mục như cổ nhạc, nhạc mới, rap, nhạc điện tử... Và ở đó, đương nhiên, bản nhạc gốc là một làn điệu chèo cho nên, nét nổi bật trong âm nhạc ở đây là "Đông - Tây" kết hợp; trong khi chèo (cổ) đã có từ lâu, rap lại là một thể loại âm nhạc thuộc hàng trẻ nhất trong "thực đơn" âm nhạc của người Việt Nam; nhạc điện tử hiện đại lại đang chiếm thế "thượng phong"trong âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện tại. Bên cạnh đó, tiết mục cũng có đoạn nhạc chen (drop) đủ hấp dẫn để các nghệ sĩ tham gia trình diễn có thể khoe những vũ điệu bắt mắt. Có thể nói, tiết mục này "Đông - Tây - kim - cổ" đủ cả.
Tất nhiên, điều này chẳng có gì phải phê phán, vì một khi cổ nhạc đã được người trẻ chọn ra và đưa vào một môi trường khác, mới mẻ và hiện đại, đương nhiên nó không còn là cổ nhạc thuần chất mà đã có sự phát triển, có những sáng tạo cho phù hợp với thể loại, dòng nhạc với những nguyên tắc mới. Nhưng trong những mới mẻ đó, người nghe vẫn nhận thấy rõ nét một giai điệu chèo làm tâm điểm tác phẩm.
Như vậy cũng là tốt cho chèo, rộng hơn là cổ nhạc dân tộc. Và ở tiết mục này, nghe chèo phải trong tâm thế của nhạc đời mới, trong sự khai phá và sáng tạo của những nghệ sĩ "ngoại đạo với chèo" nhưng lại chuyên nghiệp và có tài năng trong nhạc thời đại. Như vậy sẽ cảm nhận đủ đầy hơn về Đào liễu (phiên bản Anh trai).
Đào liễu trong chèo cổ
Đào liễu là một trong những làn điệu chèo cổ quen thuộc nhất của nghệ thuật chèo ở cả hai tư cách là một bài chèo và là một làn điệu chèo. Với tư cách một làn điệu, Đào liễu rất phổ biến, được khai thác và sử dụng trong hầu hết các vở chèo trên sân khấu truyền thống dân tộc.
Ở tư cách là một bài chèo, những câu hát: "Đào liễu có một í i mình/ Em đi đâu hỡi cô nàng ơi…" từ lâu đã rất quen thuộc với người yêu nghệ thuật chèo và âm nhạc dân tộc.
Đào liễu vốn là một bài thơ lục bát, có tên gọi được lấy từ 4 từ trong câu thơ đầu của bài là "Đào liễu một mình", còn có tên "Đường thư" (không phổ biến). Bố cục bài thơ gồm 4 cặp lục bát cộng 1 câu 6 kết bài. Tức là có tất cả 9 câu thơ: Cặp lục bát 1 là: "Đi đâu đào liễu một mình/ Hai vai gánh nặng, nhật trình đường xa"; cặp 2 là: "Áo nâu xếp ở trong nhà/ Khăn vuông nhiễu tím phất phơ đội đầu"; cặp 3 là: "Yếm điều em vẫn còn mầu/ Răng đen da trắng mái đầu còn xanh"; cặp 4 là: "Mà em ở vậy sao đành/ Sao em chẳng kiếm chút tình cùng ai"; và câu thơ 6 để kết bài là: "Sách rằng Xuân bất tái lai" (sách nói rằng mùa Xuân không trở lại, ý để sống sao cho trọn mùa Xuân đời người).
Đào liễu thể hiện tâm trạng cô gái trẻ đang tuổi yêu và đang mong đợi tình yêu. Có nghĩa ở đây là tâm trạng cô đơn, khắc khoải, mong ngóng nhưng lại không tuyệt vọng về tình yêu đôi lứa. Chính vì vậy, thể hiện bài chèo này vừa phải ra chất trữ tình, da diết nhưng lại vừa phải chứa đựng tinh thần lạc quan. Nói cách khác, Đào liễu là một bài có âm nhạc tươi vui,đan trộn nét buồn. Đây cũng là một trong những đặc trưng độc đáo của chèo, bởi làn điệu chèo cổ nào cũng nhắc nhở người nghe ẩn dụ về tính 2 mặt của cuộc đời. Sự xuất hiện câu 6 kết bài có ý của nó, để cho cảm giác không được trọn vẹn. Vì thế rất khó để thể hiện cho ra tính cách.
Tiết mục "Đào liễu" trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai"
Nghệ sĩ nhạc trẻ hát chèo
Ở tiết mục Đào liễu (phiên bản Anh trai) nằm trong gameshow Anh trai vượt ngàn chông gai, tuần 10 (VTV3) là phần trình diễn của team Nhà Trẻ gồm các "anh trai": Đinh Tiến Đạt, Tiến Luật, Rhymastic, Quốc Thiên, Binz, Duy Khánh. Như vậy, về thành phần nghệ sĩ góp giọng hát ở đây cũng thấy khá… "lổn nhổn", không chỉ đơn thuần là các ca sĩ mà còn có cả các rapper cùng diễn viên.
Đương nhiên, với nghệ thuật chèo thì toàn bộ số nghệ sĩ này đều là sở đoản. Vì thế, tiết mục có "hay" và "chất" hay không phụ thuộc nhiều vào cách xử lý của nhà sản xuất âm nhạc và cả chuyên gia tư vấn về chèo.
Quốc Thiên xuất hiện đầu tiên, sau phần nhạc dạo anh chưa vội hát ngay mà nói thơ: "Gốc liễu ven sông đứng lặng thinh/ Nắng mưa chồng chất liễu càng xinh/ Bao lần sương gió mình cong rũ/ Mấy bận giông bão chẳng rung rinh". Sau đó toàn bộ trổ đầu (đoạn 1) của Đào liễu chèo cổ được Quốc Thiên hát đúng lời, cơ bản đúng giai điệu nhưng hát bay bay, nhè nhẹ theo phong cách nhạc hiện đại và có những biến báo, thay đổi nhất định trong giai điệu, cách luyến láy.
Sau đó, các nghệ sĩ lần lượt xuất hiện với các phần phiêu linh, biến tấu dựa trên cảm hứng từ chủ đề chính là câu hát Đào liễu vừa được Quốc Thiên hát mở đầu.
Nhìn chung thì âm nhạc cũng khá bắt tai, giai điệu chèo còn nhưng hồn cốt, tinh thần, thông điệp của làn điệu và bài Đào liễu chèo cổ thìngười viết không thấy hiện hữu nữa. Chất trữ tình chiếm ưu thế, có thể đây là một chủ ý. Và chủ ý này là nhằm có một bản nhạc mới phù hợp với cuộc thi và với tai nghe của khán giả yêu nhạc trẻ, nhạc hiện đại.
"Yêu cầu của chèo cổ nói chung, của làn điệu Đào liễu nói riêng, là khi thể hiện, người nghệ sĩ phải đảm bảo có độ "nền" - đằm trong tiếng hát bằng việc sử dụng làn hơi chắc và cảm xúc cá nhân hòa vào tác phẩm, đồng thời lại phải có độ "nảy" - sự linh hoạt tạo không gian rạo rực, tạo tinh thần hứng khởi trong lời ca" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.
Cân đối với truyền thống
Trong 2 vế là sự trữ tình và sự hứng khởi toát lên từ chèo cổ Đào liễu thì ở Đào liễu (phiên bản Anh trai) mới chỉ hiện hữuđược sự trữ tình. Một trong những nguyên nhân cũng có thể đến từ chính các nghệ sĩ, khi không phải ca sĩ chuyên nghiệp mà lại thể hiện giọng hát thì hơi thở và âm thanh đều là một vấn đề không đơn giản. Cho nên, có những giọng hát trong tiết mục này dường như cho thấy điểm yếu thiếu hụt hơi cũng như vị trí âm thanh. Một phần nguyên nhân khiến tiết mục bị "ỉu" đi.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi quá nhiều từ các nghệ sĩ, bởi thể hiện được như vậy cũng là nỗ lực của mỗi thành viên, đồng thời về tổng thể chung,Đào liễu (phiên bản Anh trai) cũng là một tiết mục được công chúng đón nhận. Trong khi yêu cầu của chèo cổ nói chung, làn điệu Đào liễu nói riêng khi thể hiện, người nghệ sĩ phải đảm bảo có độ "nền" - đằm trong tiếng hát bằng việc sử dụng làn hơi chắc và cảm xúc cá nhân hòa vào tác phẩm, đồng thời lại phải có độ "nảy" - sự linh hoạt tạo không gian rạo rực, tạo tinh thần hứng khởi trong lời ca. Yếu tố này để làm được thì người nghệ sĩ chuyên nghiệp trong chèo cũng phải dày công khổ luyện một cách bài bản, nghiêm túc trong một quá trình chứ không thể chỉ trong một vài buổi tập.
Có lẽ vì thế, sự xuất hiện và góp giọng của NSND Thu Huyền, một gương mặt trong làng chèo, lại là một trong những nghệ sĩ đủ tài và bản lĩnh để thể hiện Đào liễu trong chèo cổ đúng với tinh thần vừa tình vừa tâm trạng lại vừa rộn ràng, xốn xang. Đồng thời, lại có phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, có tạo hình duyên dáng, đôi mắt biết nói cười, "chuẩn" con gái đồng bằng Bắc bộ khi xưa.
Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, những "giá như" khi nhìn kỹ hơn vào tiết mục Đào liễu (phiên bản Anh trai), nhưng không thể phủ nhận đây là một tiết mục có giá trị nghệ thuật. Người viết tin đây cũng là những trải nghiệm đáng giá nhất trong hành trình nghệ thuật của các nghệ sĩ tham gia, nhất là khi họ là những ca sĩ nổi tiếng trong đời sống âm nhạc đại chúng, những rapper có thương hiệu và những diễn viên được công chúng yêu mến.
Thông qua việc luyện tập và thể hiện tiết mục Đào liễu (phiên bản Anh trai)đây cũng là dịp và là cơ hội tốt để các nghệ sĩ hiểu sâu hơn và trân trọng giá trị đặc sắc của nghệ thuật dân tộc mà cha ông ta đã sáng tạo và truyền lại cho thế hệ hôm nay, mai sau. Những tiết mục khai thác kết hợp giữa cổ nhạc với nhạc hiện đại một cách sáng tạo như Đào liễu (phiên bản Anh trai) luôn cần được xuất hiện và tồn tại trong đời sống âm nhạc vốn rất đa dạng như hiện nay.
Ê-kíp "Đào liễu" phiên bản "Anh trai vượt ngàn chông gai"
Trình bày: Đinh Tiến Đạt, Tiến Luật, Rhymastic, Quốc Thiên, BINZ, Duy Khánh (Nhà Trẻ).
Nghệ sĩ khách mời: NSND Thu Huyền.
Tác giả: Chèo cổ.
Music Director: SlimV.
Music Producer: SlimV.
Arranger: Touliver- Triple D.
Điểm: 7,9
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất