29/12/2012 13:48 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hà Nội hiện đang tạo lập một hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Bộ quy tắc ứng xử toàn diện hướng đến 7 nhóm khách thể chính, gồm: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, khu dân cư, khu vực công cộng.
TT&VH đã trao đổi với TS Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương và PGS.TS Phạm Quốc Sử, người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam.
* Ông, bà đánh giá về văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Hà Nội hiện nay?
- TS Lê Thị Bích Hồng: Những người yêu quý Hà Nội luôn nhớ nét văn hóa của người Tràng An xưa, với cách ứng xử tao nhã, thanh lịch, từ gia đình đến xã hội.
Hiện nay, cách xử sự của nhiều người nơi công cộng và những không gian chung đã thay đổi quá nhiều. Biểu hiện đầu tiên ở nơi công cộng là những lời cảm ơn, xin lỗi thưa vắng dần. Hình như nhiều người chỉ quan tâm tới cuộc sống riêng tư, nhưng lại ít đặt cái riêng tư trong mối quan tâm chung của cộng đồng.
- PGS.TS Phạm Quốc Sử: Không phải bây giờ, mà văn hóa ứng xử người Hà Nội đáng cảnh báo từ thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Về mặt tiêu cực, văn hóa ứng xử của người Hà Nội không phải đang ở mức báo động, mà nó đã bị "vỡ" rồi. Tôi nhận thấy nó vỡ ở tầng "nông", bề mặt, nhưng điều nguy hiểm là nó có nguyên nhân từ tầng sâu hơn.
Bây giờ, bầu không khí văn hóa Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng nề. Những người Hà Nội và những người từ xa tới không còn cảm thấy văn hóa Hà Nội và họ phải lên tiếng.
* Có nhiều ý kiến lý giải cho sự xuống cấp đó, có ý kiến cho rằng, những người "Hà Nội gốc" không như vậy, hoặc có ý kiến cho rằng chính giới trẻ ở Hà Nội hiện nay bằng sự du nhập văn hóa không chọn lọc đã khiến văn hóa Hà Nội có những biến đổi. Vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự thay đổi văn hóa ứng xử của người Hà Nội?
- TS Lê Thị Bích Hồng: Sự biến đổi là đương nhiên, bởi thực tế cuộc sống luôn biến đổi. Có nhiều người cho rằng không nên dùng khái niệm "người Hà Nội gốc", bởi người Hà Nội là dân "tứ chiếng" hay tứ trấn: Nam, Bắc, Đông, Đoài. Họ hội tụ về Hà Nội để làm nên nét văn hóa riêng của Hà Nội, chính tinh hoa văn hóa của nhiều vùng miền đã tạo nên văn hóa Hà Nội.
Hà Nội hôm nay mở rộng đến tận chân núi Ba Vì, Hà Nội và dân số đã tăng lên hơn 6,5 triệu người. Hà Nội trước đây, hơn 80% là đô thị, hiện đô thị chỉ còn 35%. Như vậy, cuộc sống đang biến động và văn hóa cũng phải có sự biến đổi theo. Chúng ta cũng không nên hoài cổ quá, buộc văn hóa ứng xử phải diễn ra như Hà Nội xưa được.
Người Hà Nội thưởng thức tác phẩm Xe đạp hoa tại lễ hội phố hoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Hiện nay cuộc sống phức tạp hơn so với xã hội truyền thống, có nhiều thứ "dội" vào buộc chúng ta phải thay đổi. Sự đổ vỡ văn hóa truyền thống là một nguyên nhân. Sự đổ vỡ đó khiến cho lớp sau có sự hoang mang, quay cuồng, khó định hướng.
Điều sâu xa thứ hai cần nói đến là nếu chúng ta không xây dựng được một xã hội văn minh, công bằng, thì khó xây dựng được một đời sống văn hóa thanh lịch và văn minh. Bởi đó chính là cái gốc của văn hóa.
Thứ nữa là chúng ta có một thời kỳ quá khó khăn là những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Không chỉ khó khăn về kinh tế, mà cả về tinh thần xã hội. Từ quá khó khăn đi đến cay cực. Khi cay cực không giải quyết được, người ta phải xả ra bằng những “phát ngôn” mang tính giải tỏa. Đó là những phát ngôn thô tục, không hợp thuần phong mĩ tục.
Điều đó xảy ra ở người lớn chứ không phải giới trẻ. Người lớn hôm nay có quá khứ là người trẻ hôm qua. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp nhận những gì trao lại của những người lớn ấy. Vì vậy, có một sự “di truyền” từ thế hệ nọ sang thế hệ kia và hôm nay chúng ta không thể chống đỡ được điều đó. Văn hóa ứng xử của giới trẻ Hà Nội chỉ là biểu hiện chứ không phải là nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ tư mới là sự du nhập dòng người từ bên ngoài vào Hà Nội.
* Nhân dân trong cả nước luôn muốn Hà Nội trở thành một biểu tượng của một đất nước văn minh. Ông bà đánh giá như thế nào về việc Hà Nội sẽ lấy cả ý kiến người dân để xây dựng quy tắc ứng xử người Hà Nội?
- TS Lê Thị Bích Hồng: Bộ quy tắc ứng xử phải có gốc rễ từ nền văn hóa vốn có của Hà Nội từ xưa, sản phẩm văn hóa chính là con người.
Việc xây dựng quy tắc ứng xử và lấy ý kiến rộng rãi là điều rất cần thiết. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ rất quan trọng là xây dựng con người với 5 tiêu chí. Tôi nghĩ Hà Nội cũng phải đạt được những cái tiêu chí chung đó, nhưng vẫn có nét văn hóa đặc trưng. Điều này Hà Nội phải làm được, bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, một thành phố hòa bình, cả nước và bạn bè quốc tế đang nhìn vào.
- PGS.TS Phạm Quốc Sử: Xây dựng Quy tắc ứng xử hôm nay để xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch cũng vẫn chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính chất bề nổi, về lâu dài muốn thành công phải kết hợp với giáo dục. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy tắc ứng xử là cần thiết.
Hiện nay, chúng ta mới đang trên đường xây dựng quy tắc đó, ngay khi có quy tắc rồi, thì không phải cứ áp dụng là xong, mà còn phải điều chỉnh cho hài hòa.
* Xin cảm ơn ông bà!
Thảo Vy – Yên Khương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất