Bóng đá là để tận hưởng

25/10/2014 14:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mật độ thi đấu (trên dưới 40 trận/năm) của U19 Việt Nam nói chung và U19 Học viện HA.GL Arsenal JMG nói riêng (trên thực tế gần như mô hình 2 trong 1) làm ảnh hưởng đến thể lực, phong độ của người trẻ. Thậm chí đã có người ví “những đứa trẻ của bầu Đức” như “gánh xiếc rong” rồi chuyện Công Phượng có biểu hiện ngôi sao, chơi ích kỷ….

Câu hỏi đặt ra là có cần phải nặng lời như thế với người trẻ hay không, thay vì cổ vũ, ủng hộ hay ít nhất đứng cạnh họ?! Người trẻ cũng có tự trọng và cũng cần sự tôn trọng, đó là điều chắc chắn.

“Gánh xiếc” cũng chẳng sao!

Phải rạch ròi thế này, việc một đội bóng trẻ như U19 thi đấu với mật độ 40 trận/năm, tức hơn một tuần/trận, thì không thể nói là quá nhiều, bởi người trẻ có sức chịu đựng, đề kháng và khả năng hồi phục cực nhanh.

Với bóng đá trẻ, càng được thi đấu nhiều, cọ xát nhiều với đối thủ mạnh thì càng tốt, bởi nó chỉ có lợi cho sự phát triển, chứ không bao giờ có hại cả. Thế nên, nếu hoạ đôi khi đội bóng không (hoặc chưa) đáp ứng như kỳ vọng, thì đó cũng không phải là thảm họa.

Từ hơn một năm qua, rõ ràng là U19 mang lại nhiều niềm vui hơn cho khán giả, cho người hâm mộ và cho cả nền bóng đá. Sẽ là sai lầm lớn nếu vận thành tích vào bóng đá trẻ. Bóng đá, suy cho cùng là một bộ môn giải trí, là nghệ thuật trình diễn với chức năng đem đến niềm vui và những nụ cười.

Từ TP.HCM, ra Hà Nội, rồi lại xuôi Cần Thơ, “những đứa trẻ của bầu Đức” mang theo sự hứng khởi cho thượng đế, vậy còn đòi hỏi gì nữa?! Có bao giờ sân bóng 45.000 chỗ ngồi ở Cần Thơ được lèn chặt như các cầu thủ U19 từng làm hay chưa?!

Từ “gánh xiếc rong” dùng cho U19 không sai về biểu hiện, nhưng lại chưa thật đúng về bản chất. Mà dù có là “gánh xiếc” đi chăng nữa chẳng sao! Người trong cuộc, những nhà tổ chức và đặc biệt là những diễn viên chính là cầu thủ đã nỗ lực tìm về tận miệt vườn để phục vụ, họ xứng đáng được tôn trọng và xứng đáng được cổ vũ, được ca ngợi. Chuyện kinh doanh bóng đá hay tiêu chí sử dụng con người như thế nào là việc riêng của bầu Đức, và sẽ thật không khôn ngoan nếu lên tiếng dạy khôn một tỷ phú đô la như bầu Đức.

Chạy nhiều mới ra chiến thuật

“Hàng phòng ngự liên tục mắc những sai lầm khó chấp nhận và đó là lý do chúng ta không có kết quả thuận lợi”, lời giải thích nghe khá quen tai của HLV Guillaume Graechen.

“Công Phượng chơi quá cá nhân và có biểu hiện ngôi sao. Tôi sẽ làm việc lại với Phượng, nhưng dẫn đến tình trạng này, lỗi một phần là do giới truyền thông các bạn” - lại phát biểu của ông thầy người Pháp sau màn thể hiện không đạt yêu cầu của cậu học trò sau trận thua U21 Sydney với tỷ số 1-2 ở giải U21 quốc tế 2014…

Công Phượng là một cầu thủ giỏi, nhưng anh chưa sẵn sàng để trở thành ngôi sao. Là người làm chuyên môn, HLV Graechen có quyền đòi hỏi học trò, nhưng đổ thừa cho họ sau một (hay vài) kết quả nghèo nàn không phải là cách hay. Ở chiều ngược lại, ông thầy người Pháp cũng phải tự nâng cấp mình, từ một ông giáo làng trở thành giảng viên đủ trình độ đứng lớp bậc Đại học, dù như thế có vẻ khiên cưỡng, thiếu khoa học. Như Thể thao & Văn hoá đã đôi lần đề cập, gót chân Achilles của U19 chính là nơi cabin BHL.   

Bóng đá, lại là bóng đá trẻ, cần lộ trình phát triển, tất nhiên rồi, nhưng nếu lộ trình được vẽ ra rồi để đó thì cũng bằng không. Người ta vẫn nói, làm gì có sẵn con đường mà đi mãi thì thành đường thôi. Từ độ 2 năm qua, “những đứa trẻ của bầu Đức” đã đi, đã chạy rất nhiều và có thể cảm nhận được họ đã tiến bộ từng ngày. Chúng ta cũng biết họ mới chỉ 18-19 tuổi và họ sẽ chưa dừng lại?! Bầu Đức không vội vã thì HLV Graechen cũng không nên hấp tấp.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm