10/08/2014 18:41 GMT+7 | V-League
(giaidauscholar.com) - V-League 2014 đã đi đến hồi kết mà không thể nói là “về đích an toàn” như câu kết “kinh điển” của bóng đá Việt Nam. Bán độ? Có hai vụ bán độ bị phanh phui. Bỏ giải? Có hai đội bỏ giải. Nhưng nó có phải là bệnh của riêng môn bóng đá? Cà Phê bình gia Hồng Ngọc trở lại cà phê thể thao với câu chuyện này.
Cà phê thể thao: Từ khi khai sinh tới nay, V-League có lẽ đang ở thời bĩ cực, với quá nhiều tai tiếng mà trước đây chưa từng gặp. Nó đã và đang thất bại trên con đường chuyên nghiệp hóa. Không lẽ chuyên nghiệp hóa là một sai lầm?
Hồng Ngọc: Chuyên nghiệp hóa không phải là sai lầm, mà sai lầm nằm ở cách chúng ta chuyên nghiệp hóa. Cũng như kinh tế thị trường không phải là sai lầm, mà sai lầm nằm ở mô hình kinh tế thị trường mà người ta chọn.
Này nhé, bóng đá trước khi chuyên nghiệp hóa rất hiếm chuyện bỏ giải giữa chừng, và rất ít vụ bán độ bị phanh phui? Và rất nhiều khán giả vẫn ước ao được xem lại thứ bóng đá trong sáng của thời Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh?
Chuyện bỏ giải trước đây hiếm xảy ra, vì đó là quyết định mang tính hành chính, nó bị ràng buộc nhiều thứ nên khó xảy ra hơn. Còn bây giờ đội bóng là của ông bầu, quyết định là mang tính cá nhân. Còn bị phanh phui là chuyện khác. Lã Xuân Thắng đá bóng về lưới nhà vẫn không bị phanh phui. Vì chẳng ai muốn bị phanh phui cả.
Bây giờ thì ông bầu của đội bóng muốn bị phanh phui, không phải vì bảo vệ thương hiệu, mà là vì trừng phạt những “kẻ phản bội”.
Cũng nên lưu ý rằng Lã Xuân Thắng cùng thời với ba cầu thủ kể trên. Đó cũng là thời của khái niệm “quyền lực đen”, hay cầu thủ dạy đàn em nghệ thuật… trốn bóng. Những thứ đó “may mắn” là bây giờ có vẻ không còn. Tôi nói vậy chắc bạn hình dung được bóng đá thời đó có trong sáng hay không.
Đó là chưa kể nạn móc ngoặc giữa các đội bóng là chuyện… đương nhiên, mà bây giờ rất hiếm xảy ra. Còn tô vẽ quá khứ là bệnh chung của… người Việt chúng ta.
Vậy là anh vẫn bảo vệ quá trình chuyên nghiệp hóa. Nhưng rốt cục thì chuyên nghiệp hóa rồi mà bán độ vẫn hoàn bán độ?
Có những vấn đề mà bản thân bóng đá không làm được. Bán độ là hệ quả trực tiếp của hai vấn đề, một từ xã hội là tồn tại hệ thống cá độ bất hợp pháp, một từ bóng đá là đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của cầu thủ còn kém.
Đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của cầu thủ cũng không là chuyện riêng của bóng đá. Chúng ta không thể đòi hỏi cầu thủ phải tử tế và giàu trách nhiệm, khi những lĩnh vực khác người ta cũng thiếu tử tế và thiếu trách nhiệm nghề nghiệp.
Anh vừa nói tới một nguyên nhân là cá cược bất hợp pháp. Vậy thì hợp pháp hóa nó là một giải pháp?
Tôi cho rằng giải pháp đó là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để loại bỏ cơ bản cá cược bất hợp pháp. Dù có cho phép cá cược hợp pháp, thì cá cược bất hợp pháp vẫn có lý do để tồn tại, như trốn thuế và tránh bị can thiệp bởi các giới hạn của luật pháp.
Cũng như buôn lậu tồn tại khi một lĩnh vực hàng hóa bị cấm buôn bán, nhưng ngay cả khi nó không bị cấm nữa thì buôn lậu vẫn tồn tại. Đó là vấn đề của hiệu lực pháp luật: những lực lượng có trách nhiệm chống cá cược bất hợp pháp có thật sự chống hay không, và việc chống có bị kiểm soát minh bạch hay không.
Trước khi HAGL đầu tư vào Học viện HAGL Arsenal JMG, không có đội bóng chuyên nghiệp nào đào tạo được những cầu thủ cho ra hồn. Những cầu thủ nội tốt nhất vẫn từ các lò đào tạo bao cấp trước đây là Thể Công, SLNA, Đà Nẵng và Đồng Tháp. Các nhà vô địch V-League ngoài SLNA và Đà Nẵng ra thì đều nhờ vơ vét cầu thủ bằng tiền? Phải chăng tư nhân còn theo đuổi lợi ích ngắn hạn hơn là nhà nước?
Có ba vấn đề. Thứ nhất, phải lấy làm tiếc rằng người Việt chúng ta không có truyền thống nghĩ dài hạn, mà chủ yếu theo đuổi các lợi ích ngắn hạn.
Thứ hai, chính sách có thể tác động đến việc tư nhân theo đuổi lợi ích ngắn hạn hay dài hạn. Chẳng hạn khi chính sách thuế đối với ô tô thay đổi xoành xoạch trong vài năm thì không doanh nghiệp ô tô nào chú trọng đầu tư sản xuất ô tô cả, vì có khi lúc đầu tư dự tính là có lãi, đến khi dây chuyền đi vào hoạt động thì chính sách thuế mới khiến họ bị lỗ. Đó là lý do mà một trong ba tiêu chuẩn của thể chế hiện đại là tính “có thể lường trước được”.
Thứ ba, chiến lược phát triển của một đất nước cũng chi phối việc tư nhân theo đuổi lợi ích ngắn hay dài hạn. Nếu một đất nước theo đuổi chiến lược khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, thì sẽ người người đi khai thác và đầu cơ. Đó là lý do vào thời kỳ đỉnh cao, không doanh nghiệp lớn nào không tham gia thị trường bất động sản.
Người ta buôn đất có thể sau một đêm đã có lãi rồi, làm bất động sản với dự án cùng lắm là 5 năm đã có lãi lớn rồi, sao lại nghĩ tới việc đào tạo cầu thủ mất tới 10 năm? Nhất là khi việc làm mạnh đội bóng thật nhanh là lợi ích cấp thiết, liên quan đến việc được duyệt các dự án bất động sản chẳng hạn… Đó là những vấn đề của xã hội, rất tiếc là bản thân bóng đá cũng không kiểm soát được.
Về bản chất, bóng đá chuyên nghiệp là lấy tiền làm động lực phát triển. Nhưng khi đồng tiền là tối thượng thì quả thật rất tai hại, cầu thủ tìm mọi cách để “làm tiền”. Đó rõ ràng là một khiếm khuyết của mô hình này?
Mô hình nào cũng có mặt trái, vì vậy người ta cần giải pháp tổng thể để kiềm chế, khắc phục hậu quả của mặt trái của mô hình đó. Kinh tế thị trường hay bóng đá chuyên nghiệp cũng vậy. Nó là thể chế lấy lợi ích cá nhân làm động lực để thúc đẩy mọi người cùng nỗ lực. Nhưng việc theo đuổi lợi ích cá nhân bằng ăn cướp của người khác và của xã hội không làm xã hội phát triển mà chỉ làm nó thụt lùi.
Chỉ khi từng cá nhân lấy việc lao động, việc đóng góp làm phương thức để nỗ lực thì mới làm xã hội phát triển. Để làm được điều đó, mỗi cá nhân phải được chuẩn bị về đạo đức, về trách nhiệm xã hội, và về tinh thần lao động. Ai trang bị điều này cho họ? Những giới hạn xã hội đó sẽ hạn chế bóng đá hay bất kỳ lĩnh vực nào đó phát triển, mà nếu không được sửa chữa hệ thống, chúng ta sẽ còn ca điệp khúc than vãn về V-League dài dài!
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất