Ca sĩ tài năng hay một diễn viên tồi?

16/06/2011 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Mỹ Tâm là một ca sĩ tài năng nhưng cô là một diễn viên… tồi”, một khán giả thẳng thừng nhận xét như thế về vai diễn Linh Đan của Mỹ Tâm trong bộ phim Cho một tình yêu. Nhận xét đó không quá lời và đòi hỏi được xem một diễn viên chứ không phải một ca sĩ đóng phim là đòi hỏi chính đáng. Nhưng còn có những nghệ sĩ không biểu diễn được trên chính sân khấu của mình.

Có bao nhiêu ca sĩ biết diễn?

Cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái đã khiến nhiều khán giả “té ngửa” vì thấy Quang Vinh - một ca sĩ được giới trẻ, nhất là tuổi teen, mê mẩn và coi là thần tượng - thường ngày vẫn tưng bừng với vũ đoàn trên sân khấu lại không biết khiêu vũ. Nhờ có lực lượng fan hùng hậu mà hoàng tử sơn ca không bị loại sớm nhưng cũng chỉ sau vài vòng thi, điểm số của ban giám khảo khán giả cũng đuối và không thể đưa anh đi tiếp trong cuộc thi này. Cuộc thi năm nay, ca sĩ - người mẫu - diễn viên Hứa Vĩ Văn cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí còn thê thảm hơn, anh bị loại ngay sau vòng thi đầu tiên (có lẽ do anh không có fan nhiều như Quang Vinh?). Đòi hỏi về khả năng biểu diễn, nhảy múa với những ca sĩ theo dòng nhạc giải trí vốn là điều kiện bắt buộc với các ca sĩ, nhóm nhạc trên thế giới, nhưng lại không bắt buộc ở Việt Nam!

Chẳng khó nếu muốn đếm số ca sĩ biết biểu diễn ở Việt Nam. Theo dòng nhạc giải trí, có lẽ không ai qua được Hồ Ngọc Hà, nữ ca sĩ xuất thân từ người mẫu. Với giọng hát “tạm chấp nhận được”, có thể nói khả năng nhảy múa, biểu diễn chiếm tỷ lệ rất lớn trong sự thành công của Hồ Ngọc Hà. Trên sân khấu, Hà nổi bật không chỉ vì ngoại hình mà còn bởi khả năng nhảy múa ăn đứt cả các vũ công. Một ca sĩ có cùng xuất phát điểm với cô là Ngô Thanh Vân cũng sở hữu thế mạnh này nhưng vì hạn chế giọng hát nên đã không thể tiến xa hơn. Từ khi hát nhạc dance, Thu Minh cũng liệt tên mình vào hàng ngũ hiếm hoi những ca sĩ biết biểu diễn bởi khả năng nhảy múa rất có nghề. Trong giới nam ca sĩ, gần như chỉ có Nguyễn Phi Hùng sở hữu khả năng này. Nhưng trong số 4 người đã kể tên thì 3 người (Ngô Thanh Vân, Thu Minh, Nguyễn Phi Hùng) vốn xuất thân từ trường múa, thậm chí Nguyễn Phi Hùng trước khi đi hát còn là một solist ballet thực thụ.


Ca sĩ Hồng Nhung trong phần trình bày khá hiếm hoi vừa hát vừa nhảy
trong chương trình Vì ta cần nhau năm 2007. Ảnh: V.C


Với các diva, khả năng nhảy múa và biểu diễn dường như được khán giả bỏ qua tuy rằng thỉnh thoảng hơi khó chịu khi Mỹ Linh nhún quá đà hay Hồng Nhung cao hứng nhảy như trẻ con bước chân sáo. Tuy nhiên, kỹ năng biểu diễn không phải chỉ là nhảy múa. Danh ca Tuấn Ngọc hay Lệ Thu là những đại diện tiêu biểu của phong cách “đứng im, nhắm mắt, huơ tay” nhưng dù chỉ tham gia vài tiết mục hay biểu diễn trong cả một chương trình, họ đều biến sân khấu thành của riêng mình bằng sự dẫn dắt rất có duyên. Làm được điều này, trong 4 diva chỉ có mình Hồng Nhung, còn với Thanh Lam, nhiều khán giả vẫn bảo chỉ thích cô hát chứ không thích cô nói.

Không ở trong dòng chảy của nhạc giải trí, thị trường nhưng Đức Tuấn cũng có ý thức rèn luyện kỹ năng biểu diễn. Đức Tuấn đã học nhảy với kiện tướng dance sport Khánh Thi từ khi anh hát nhạc kịch và đến giờ, những tiết mục biểu diễn của Tuấn đã có hồn hơn hẳn, thay vì chỉ đứng im hoặc nhún nhảy “vô tổ chức”, anh đã sải những bước chân có nghề hơn. Một nam ca sĩ khác cũng dùng vũ đạo để tạo ra phong cách rất riêng phù hợp với dòng nhạc dân gian đương đại anh theo đuổi là Tùng Dương. Tùng Dương thích các tiết mục biểu diễn có sự kết hợp giữa hát, múa, nhảy từ nhỏ và việc học theo các động tác múa trở thành niềm say mê của anh. Nếu như ở sân khấu Sao mai Điểm hẹn, Tùng Dương còn vụng về trong các động tác múa thì đến nay, những tiết mục của Dương đã khác hẳn, sự kết hợp giữa ca khúc, cách hát và vũ đạo tạo cho Tùng Dương một phong cách không thể lẫn và rất thu hút. Tùng Dương tự đánh giá rằng vũ đạo đã góp 30% trong sự thành công của mỗi tiết mục anh biểu diễn.

Gần đây, ở dòng nhạc giải trí, những ca sĩ, nhóm nhạc mới khi đặt những bước chân đầu tiên lên sân khấu cũng đều phải tạo dựng hình ảnh của những nghệ sĩ có thể hát, nhảy múa. Cũng đúng thôi, hãy nhìn ra những ngôi sao giải trí của các nước láng giềng, Bi-Rain, Zay Chou hay Super Junior, họ không đẹp lắm, hát không hay lắm và nhảy không giỏi lắm nhưng khi cộng cả ba thứ đó lại, họ là những tên tuổi khiến fans cứ phải khóc thét.

Nghệ sĩ biểu diễn đích thực là… nghệ sĩ sân khấu

Làng sân khấu có nhiều người đa năng hơn cả. Họ làm chúng ta tin vào những gì đang diễn ra trên sân khấu, trên màn ảnh, tin rằng họ có thể là một ca sĩ, một vũ công, một nhạc sĩ… thiên tài dù trên thực tế giọng ca của họ không nổi bật, nhảy múa ở mức khá, hoặc chỉ “tủ” vài bản đàn... Có thể dễ dàng điểm ra những gương mặt như thế: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Mỹ Duyên, Thanh Thủy, Minh Béo, Minh Nhí, Tấn Beo, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Thanh Bạch…

Trong live show kỷ niệm 10 năm theo nghề Anh biết anh quá đẹp trai, danh hài Minh Béo khiến nhiều người ngạc nhiên khi đem đến một chương trình tạp kỹ phong phú bậc nhất từ trước đến nay với đủ lĩnh vực: ca nhạc, kịch nói, cải lương, khiêu vũ, xiếc, ảo thuật, đu bay, thời trang… mà “chàng béo” đều là nhân vật chính. Tốt nghiệp khóa diễn viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nổi danh nhờ tấu hài, có những trải nghiệm nghiêm túc với cải lương, đóng nhiều phim truyền hình, trở thành “ông hoàng” khiêu vũ của game show Bước nhảy hoàn vũ 2010, làm MC…, Minh Béo gần như đã “kinh qua tất cả các mặt trận” và đều khá thành công. Nhưng anh rất tỉnh táo: “Tôi biết mình là ai. Không thể nào có một đạo diễn/diễn viên/ca sĩ/MC Minh Béo được”. Minh Béo khẳng định: “Không ai sinh ra đã là thiên tài hay ngủ một giấc thức dậy thấy mình tài năng đầy mình. Còn lại là quá trình trau dồi học tập trong nhà trường, tự rèn luyện bản thân trong môi trường nghề nghiệp. Hồi đó, tôi làm gì biết múa, ca dở ẹc nhưng ra trường lao vào kiếm sống phải làm đủ thứ để “nuôi nghề”: múa minh họa, tấu hài, nhắc tuồng, làm diễn viên quần chúng… dần dần khá lên thôi. Quan trọng nhất vẫn là ý thức tự rèn luyện của bản thân mỗi người”.

Cũng dễ hiểu khi ngày nay nghệ sĩ trẻ có vẻ “nhiều nghề” hơn các bậc đàn anh đàn chị nhưng với quá trình tích lũy ngắn ngủi lại chạy theo những giá trị hời hợt thời thượng mà hiếm người được công chúng thật sự ghi nhận. Thuộc hàng trẻ nhất trong những nghệ sĩ đa tài nhưng Đình Toàn, Đại Nghĩa cũng đã có thâm niên gần 20 năm lăn lộn với sân khấu. Từ khi còn học phổ thông Đại Nghĩa đã là thành viên của CLB Điện ảnh Tân Sơn Nhất. Từ năm 13 tuổi, Đình Toàn đã gia nhập CLB Rối Nụ cười. Đến với Sân khấu Kịch IDECAF, cả hai đi lên từ những vai không thoại, vai quân sĩ múa minh họa…, để bây giờ là “thần tượng” của nhiều em nhỏ qua chương trình náo kịch Ngày xửa ngày xưa (chương trình đòi hỏi mỗi diễn viên phải hóa thân linh hoạt, ca hát, nhảy múa, kể cả võ thuật… liên tục suốt cả vở diễn).

Nước ngoài đào tạo diễn viên đa năng

Phải đến khi vào học (ở Nga) tôi mới biết sẽ phải học rất nhiều môn lý thuyết và đặc biệt là các môn về các kỹ năng sân khấu, biểu diễn: Lịch sử âm nhạc, Mỹ thuật, Mỹ học, Kỹ thuật biểu diễn, Tiếng nói sân khấu, Kịch câm, Xiếc, Ba-lê, Biên tập kịch bản, Dẫn chương trình, tiểu phẩm hài, độc diễn… Không đơn giản một chút nào. Ở nước ngoài nhà trường dạy cho sinh viên nghệ thuật một cách toàn diện. Họ phải được học rất nhiều môn. Ngay cả một diễn viên xiếc hay ca sĩ ngoài môn học chính họ cũng phải được học diễn kịch, học nhảy, học múa… hoặc ngược lại một diễn viên kịch cũng phải học hát, học nhảy, học múa… Nghĩa là họ đào tạo để một sinh viên khi ra trường đã được trang bị rất nhiều kỹ năng để có thể trở thành một nghệ sĩ đa năng. Chính vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong những vở nhạc kịch ở nước ngoài có rất nhiều diễn viên có thể vừa hát vừa múa vừa diễn một cách xuất sắc - nghệ sĩ Thanh Bạch.

Vai “quần chúng” cũng phải học bài bản

Để vào được vai “quần chúng” ở sân khấu Broadway, bạn phải biết đủ ba việc: ca hát, nhảy múa, diễn xuất và phải trải qua quá trình casting rất gắt gao. Trong những vở diễn ở Broadway, người ta không phân biệt ai là diễn viên chính hay phụ, mỗi người đều có bổn phận của mình. Mỗi diễn viên không chỉ học diễn vai của mình mà còn phải học dự bị thêm ba vai khác để sẵn sàng lên sân khấu thay thế nếu có việc gì đột xuất, và họ được trả lương cho cả ba vai dự bị đó. Tất cả đều phải học rất bài bản và đều là những người đã trưởng thành trong nghề nghiệp chứ không có kẻ tay mơ - diễn viên kịch Broadway - Leon Quang Lê.

Bài kết: Thanh Thúy - điểm yếu nhất của tôi là nhảy múa

Ngọc Tuyết - Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm