Thành tích của TTVN tại SEA Games 28: Đã tới lúc quên những môn 'đấm, đá, đạp'?

18/06/2015 11:15 GMT+7 | SEA Games 2015

(giaidauscholar.com) - Có tới khoảng 86% số HCV của TTVN ở SEA Games 2015 đến từ các môn thể thao Olympic. Đó là sự thay đổi đáng kể so với tỉ lệ 63,5% ở SEA Games 2013. Trong đó, còn có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ chỗ TTVN dựa rất nhiều vào các môn võ thì chúng ta đã có mũi nhọn là các môn thể thao đỉnh cao cơ bản nhất: điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ.

Từ số này, Thể thao &Văn hóa sẽ phân tích những nguyên nhân của các hiện tượng trên, từ chiến lược đi tắt đón đầu, dàn trải cho khắp các môn sang chiến lược đầu tư trọng điểm cho những môn đỉnh cao, cho các ngôi sao tiềm năng có thể tấn công đấu trường châu lục và thế giới ở những môn này.

Với 73 HCV, 53 HCB, 60 HCĐ, Thể thao Việt Nam đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 28. Và nếu không nhắc đến nỗi buồn mang tên bóng đá, thì dấu ấn lớn nhất của kỳ SEA Games này với Thể thao Việt Nam chính là sự lên ngôi của các môn trong hệ thống thi đấu Olympic, Asian Games. Vậy phải chăng, đã tới lúc chúng ta “quên đi” thế mạnh từ những môn võ thuật, vốn một thời là niềm tự hào lớn?

Để trả lời được câu hỏi đó, hãy về với năm 1981, khi Thể thao Việt Nam chính thức trở lại, hội nhập với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games tại Malaysia. Lần trở lại đó cho thấy, thể thao nước nhà hoàn toàn có thể “chơi được” ở sân chơi khu vực nếu có một hướng đi phù hợp.

Và chiến lược “đi tắt, đón đầu” đã ra đời từ đó mà thực chất là chuyện du nhập những môn thể thao mới phù hợp, có khả năng cạnh tranh huy chương. Tới thập niên 90 người hâm mộ nước nhà lần đầu biết đến những môn thể thao như: Wushu, Pencak Silat. Nó nằm trong chiến lược phát triển chung cùng với các môn võ thuật khác như: Taekwondo, Karatedo, Judo, Vật, và thậm chí cả Vovinam cũng được đầu tư phát triển và quốc tế hoá.

“Bắn – Võ – Cờ” chính là những thế mạnh giúp Thể thao Việt Nam dần định vị vị thế của mình trên đấu trường khu vực và quốc tế.

Chúng ta từ chỗ chỉ “đếm” từng chiếc HCV SEA Games đã sớm vươn lên ngôi đầu vào năm 2003 nhờ chính những thế mạnh này.

Thậm chí, dù chỉ là môn võ thuật “học mót” như Pencak Silat thôi, sau vài năm du nhập và phát triển cũng như bổ sung thêm những tinh hoa từ các môn võ thuật khác trong nước, Pencak Silat Việt Nam từng có lần vượt qua cả Indonesia, quốc gia sản sinh ra môn võ thuật này.

Wushu không còn là thế mạnh của TTVN ở SEA Games - Ảnh: QK

Dông dài như thế để nói lên tầm quan trọng lẫn vị thế của các môn mà gọi theo kiểu dân dã là “đấm, đá, đạp” trong tiến trình phát triển chung của Thể thao Việt Nam. Vậy nên, khi SEA Games 2015 khép lại, các môn võ thuật như: Quyền Anh, Judo, Pencak Silat, Taekwondo, Wushu chỉ còn đóng góp khoảng 20% trong tổng số 73 HCV của đoàn Thể thao Việt Nam đã khiến không ít người, kể cả giới chuyên môn “cả mừng”, rằng tới lúc quên đi… “đấm, đá, đạp”! Và rằng lúc này chúng ta đã có thể phát triển bền vững hơn với những môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic và Asian Games.

Xin thưa, câu trả lời là chưa! Thể thao Việt Nam đã, đang và sẽ còn phải dựa vào những môn võ thuật để tạo nên sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế.

Lịch sử đã chứng minh như thế. Tại Asian Games 1994 tại Hiroshima (Nhật Bản), võ sỹ Taekwondo Trần Quang Hạ đã mang về tấm HCV đầu tiên ở sân chơi này cho Việt Nam.

Cao hơn, tại Olympic Sydney 2000, khi lần đầu tiên Taekwondo có mặt trong chương trình thi đấu chính thức, nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân đã đi vào lịch sử với tấm HCB.

Asian Games năm ngoái, tấm HCV duy nhất ở Asian Games là ở môn Wushu (Thuý Vi).

Rồi rất nhiều những gương mặt khác như Nguyễn Thúy Hiền (Wushu), Nguyễn Hoàng Ngân (Karatedo)… cũng từng được vinh danh trên tầm thế giới.

Tuy nhiên, võ là một thế mạnh, nhưng lại là môn thể thao mà thành tích được định đoạt khá nhiều từ cảm tính của các trọng tài (kể cả khi đối kháng chứ không chỉ biểu diễn). Và nó có thể biến mất ở bất kỳ đại hội nào mà nước chủ nhà SEA Games, thậm chí là Asian Games không muốn, hoặc không mạnh.

Bơi là đỉnh cao. Điền kinh là nữ hoàng (bên cạnh bóng đá là Vua). Đua thuyền cũng là một môn thi mà thành tích là minh bạch. Rồi đấu kiếm với cách chấm điểm đã văn minh và hiện đại tới mức gần như không thể có gian lận.

Những chiến thắng ở SEA Games ở các môn này đã mang lại cảm xúc rất lớn. Và điều quan trọng là chương trình đầu tư trọng điểm khi mang lại kết quả đã cho thấy tiềm năng của các VĐV Việt Nam ở các môn này có thể tiếp cận với thành tích châu lục và thế giới.

Chúng có thể trở thành những môn giúp TTVN có thể có tấm HCV Olympic trong tương lai nếu kiên trì.  

(Còn tiếp)

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm