24/09/2015 06:45 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Chuông điện thoại réo đúng 12 giờ trưa ngày 30/10/1961: đầu dây bên kia thông báo tất cả điện đài quanh vùng nổ đều tê liệt. Andrei Sakharov hiểu: sự gián đoạn của mọi đường viễn thông cho thấy quả bom nguyên tử lớn nhất thế giới đã hoạt động đúng quy trình. RDS-220, hôm nay chỉ còn được biết đến với tên “Sa hoàng”, đã nổ.
Trước đó chỉ ba tháng
… Sakharov, một trong những bộ óc hàng đầu của chương trình vũ khí hạt nhân Liên Xô, đang nghỉ Hè thì bất ngờ bị triệu tập về Moskva. Một cuộc họp khẩn của Ban lãnh đạo tối cao với các nhà nghiên cứu năng lượng nguyên tử sắp diễn ra.
Ai cũng sửng sốt, vì từ ba năm nay giữa các cường quốc nguyên tử Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô có một thỏa thuận ngừng mọi thử nghiệm vũ khí hạt nhân do chính Liên Xô khởi xướng. Đích thân Chủ tịch đảng kiêm Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Nikita Khrushchev tuyên bố đã đến lúc tái diễn các thử nghiệm vũ khí nguyên tử.
Sau khi nghe lời từ chối của tổng thống Mỹ, Khrushchev đáp: “Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng nếu các ông o ép chúng tôi phải có chiến tranh thì sẽ có”. Để tăng trọng lượng tuyên bố đó, Khrushchev họp mặt các yếu nhân khoa học và chính trị để đưa ra một thông điệp có sức thuyết phục cả thế giới tin vào sức mạnh của Liên Xô.
Trong cuộc họp đó, Sakharov xin gặp riêng ông để can gián mà không được, ông chỉ có thể gửi một mẩu giấy: “Ông không cho rằng quay lại với các thử nghiệm sẽ làm hại đến đàm phán ngừng thử vũ khí hạt nhân, chương trình giải trừ quân bị và củng cố hòa bình trên thế giới?”. Khrushchev, nối tiếng với tính khí nóng nảy, gạt phắt mọi lời can gián và làm bẽ mặt Sakharov trước cả khán phòng: “Tôi sẽ là một kẻ nhu nhược chứ không phải chủ tịch hội đồng bộ trưởng, nếu cứ nghe lời những người như Sakharov”.
Nhà vật lý nguyên tử số 1 Liên Xô
… Sakharov giờ đây há miệng mắc quai. Chính ông là người đặt nền móng cho việc chế tạo bom nguyên tử, với niềm tin sắt đá là chỉ sự cân bằng sức mạnh hạt nhân mới có thể cứu thế giới này khỏi diệt vong. Chính ông, sau khi Mỹ điểm hỏa bom khinh khí “Ivy Mike” trên một hòn đảo Thái Bình Dương 1952, đã trả lời bằng một quả bom nhiệt hạch ở quy mô tương đương nghìn tấn thuốc nổ TNT.
Đồng thời ông cũng không thoát được cắn rứt lương tâm; hình ảnh những nạn nhân từ vụ hủy diệt Hiroshima và Nagasaki còn quá mới, chưa kể đến những tác động dài hạn còn chưa lường hết được. Qua những khảo cứu toàn cầu, ông choáng váng nhận ra một điều được chứng minh khoa học: bất kể khu vực thử nghiệm vũ khí hạt nhân hẻo lánh đến đâu, tổng mức độ phóng xạ vẫn sẽ lưu lại trên thế giới này và gây tác hại cho sự sống, dù ở hình thức ung thư hay biến đổi gene.
Đỉnh cao của chuỗi thử nghiệm sẽ là “Sa hoàng” do chính Sakharov thiết kế. Cho dù biệt danh đó do người Mỹ nghĩ ra, chẳng mấy chốc ở Liên Xô cũng thấy thông dụng hơn là RDS-220, vì đơn thuần về mặt ngôn ngữ nó đi vào lịch sử các phát minh lớn của Nga: quả chuông “Sa hoàng” 20 tấn và cao 6 mét, khẩu thần công “Sa hoàng” từ thế kỷ 16 cân nặng 20 tấn có thể bắn đạn đường kính 89 cm...
“Sa hoàng” dự định có sức nổ 100 nghìn tấn
… và chỉ nhờ Sakharov can thiệp mà được thiết kế giảm xuống một nửa. Dù vậy nó vẫn là tổng của nhiều siêu kỷ lục. 50 triệu cân thuốc nổ TNT, nếu được nén thành một khối lập phương, sẽ có chiều dài cạnh là 300 mét - cao bằng tháp Eiffel ở Paris. Bản thân quả bom nặng 27 tấn, dài 8 mét và có đường kính trên 2 mét, khiến chiếc máy bay TU95 phải mở rộng khoang bụng để chuyên chở.
Khu vực thử nghiệm nằm cách 900 km về phía Đông Bắc phi trường quân sự Olenya, một hòn đảo cô quạnh gần Bắc Cực mang tên Novaya Zemlya rộng 80.000 km2.
Từ 1955 trở đi nó đã được chọn để thử vũ khí hạt nhân. “Sa hoàng” được thả từ độ cao 10.500 mét, được phanh bớt tốc độ bởi một chiếc dù khổng lồ để máy bay kịp thoát khỏi vùng chết.
Sau 188 giây, RDS-220 xuống đến độ cao 4.000 mét và được kích nổ. Ánh chớp sáng lòa có thể nhìn thấy cách đó hàng nghìn cây số, dù bị cản bởi tầng mây dày. Sóng nổ thổi bạt gió dưới cánh chiếc Tupolev đã rời tâm nổ 45 km, khiến nó bị rơi tự do hơn 1.000 mét, trước khi phi công gượng lại được. Quả cầu lửa dâng lên tận 10.000 mét, và đỉnh nấm khói được đo ở độ cao 64.000 mét.
Trong bán kính 55 km “Sa hoàng” san bằng mọi thứ thành bình địa, và đến tận khoảng cách 270 km người ta còn cảm nhận được hơi nóng trên mặt. Ở Na Uy và Phần Lan, cách đó 1.000 km, hàng loạt của kính vỡ vụn, và sóng nổ sau ba lần vòng quanh Trái đất vẫn có thể để dấu tích trên máy đo.
Và Hoa Kỳ vội vã vào cuộc chạy đua bi thảm. Riêng trong thập niên 1960 Mỹ cho nổ thử 384 quả bom nguyên tử, Liên Xô 173. Chiến tranh lạnh không hề lạnh, đầu độc khí quyển với những hậu quả chưa thể đo đếm hết. Ít nhất thì 3 cường quốc hạt nhân lại quay về bàn đàm phán năm 1963 để chấm dứt mọi thử nghiệm trên mặt đất.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất