10/07/2014 15:20 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - Mỗi bàn thua như một vết dao cứa vào trái tim từng người Brazil. Vết thương ngoài da sẽ chóng lành, nhưng nỗi đau trong tim sẽ hóa thành nỗi ám ảnh. Khó quên. Khó phai lắm.
Gặp ai buồn sầu thì chỉ còn biết vỗ vai an ủi họ, rằng đội bóng sẽ nhanh chóng đứng dậy thôi. Thú thực, an ủi cũng chỉ là an ủi mà thôi. Nói thì dễ, thực tế thì…
Ai khá hơn Scolari?
Felipe Scolari đã nhận lỗi về mình. Ông chắc chắn ra đi vì thất bại lịch sử này. Nhưng ông không hề là sự lựa chọn vô lý ở thời điểm người ta bổ nhiệm ông.
Scolari đã giúp Brazil đăng quang ở Đông Á vào năm 2002. Trợ lý của ông, Carlos Alberto Parreira, đã đưa Brazil bước lên đỉnh cao thế giới năm 1994. Ông Parreira cũng từng dẫn dắt Brazil tại World Cup 2006, khi họ bị Pháp của Zinedine Zidane loại ở tứ kết. Năm 2010, người chèo lái Brazil là Carlos Dunga, đội trưởng đội tuyển vô địch năm 1994.
Rõ ràng, Liên đoàn bóng đá Brazil đã chọn những người tốt nhất có thể, những người giàu kinh nghiệm, từng chiến thắng hoặc có tố chất thủ lĩnh. Mỗi lần trò chuyện với người Brazil, tôi đều hỏi họ có thích Scolari không. Họ bảo không, nhưng thừa nhận chẳng có ai tốt hơn.
Italy thảm bại, họ sẽ có HLV giỏi thay thế. Bồ Đào Nha không thể vượt qua vòng bảng, sẽ có nhiều HLV người Bồ trẻ và xuất sắc sẵn sàng thay thế. Nếu chia tay Alejandro Sabella sau World Cup 2014, Argentina sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho ghế HLV, như Diego Simeone. Tương tự Đức, Hà Lan hay Tây Ban Nha.
“Nhìn sang Liga, tôi không thấy HLV Brazil nào cả. Nhìn sang Serie A, chẳng có HLV Brazil nào. Nhìn sang Premier League, cũng chẳng có. Nhìn đến Bundesliga, chẳng có chỗ dành cho HLV Brazil”, anh bạn Luis tâm sự khi chúng tôi cùng chia sẻ nỗi buồn thảm bại của Brazil trong một quán bar ở Sao Paulo. Anh đến từ Rio de Janeiro, và khác với đa số người Brazil, anh rất quan tâm các giải lớn của bóng đá châu Âu. Cũng chính vì thế, anh càng bi quan về tương lai của đội bóng.
Với bộ đôi Scolari - Parreira, Brazil đã thua một trận mà có lẽ cả thế kỷ sau người ta vẫn còn nhắc đến. Nhưng vấn đề lớn hơn là họ không thể tìm ra HLV nào hay hơn.
Ai xuất sắc hơn David Luiz?
Ba vòng chung kết World Cup gần nhất, Brazil đều thất bại. Năm 2006, họ đá cống hiến với tứ giác huyền ảo. Năm 2010, họ đá cực kỳ thực dụng. World Cup 2014 trên sân nhà này là sự đan xen giữa thực dụng và cống hiến. Tất nhiên, những chi tiết nhỏ hoặc cách tiếp cận từng trận đấu cụ thể ảnh hưởng đến thành bại, nhưng rõ ràng Brazil đã cố xoay xở để gặt hái thành công.
Họ vẫn thất bại. Và ai cũng nhìn thấy nguyên nhân lớn nhất nằm ở cầu thủ. Nhiều người Brazil đã hỏi ý kiến đánh giá thẳng thắn của tôi về đội tuyển của họ hiện tại, tôi đã trả lời rằng: “Đây là Brazil tầm thường nhất mà tôi từng biết”. Họ không tức giận, không khó chịu mà gật đầu đồng tình: “Chúng tôi cũng biết thế, và chỉ biết cầu mong Chúa phù hộ”.
Khi Neymar ngồi ngoài vì chấn thương, Thiago Silva bị treo giò, David Luiz lại trở thành ngôi sao lớn nhất, là điểm tựa của đội tuyển Brazil. Luiz đã tiến bộ khá nhiều trong hai năm trở lại đây, nhưng ở Chelsea, anh thậm chí không còn được đá ở vị trí trung vệ sở trường. Ở trận thua Đức, Luiz chính là cầu thủ đắt giá nhất của Brazil sau vụ chuyển nhượng trị giá 50 triệu bảng sang PSG. Đội bóng giàu có của Pháp luôn chấp nhận “phá giá” để chiêu mộ cầu thủ, chứ thực tế khó có đội nào khác của châu Âu chi hơn 30 triệu bảng mua Luiz.
Khi cầu thủ Brazil không khéo, không bật tường đẹp mắt bằng cầu thủ Đức thì rõ ràng nền bóng đá nước này tồn tại quá nhiều vấn đề.
Từ năm 2006 đến nay, cuộc khủng hoảng ngôi sao ngày càng trầm trọng. Dunga phải chủ trương đá thực dụng năm 2010 là có lý của ông. Scolari yêu cầu đá rắn ở nhiều trận là có lý của ông. Chẳng HLV Brazil muốn sử dụng lối chơi xấu xí nếu có đủ tài năng trong tay.
Nguồn cội của vấn đề có lẽ nằm ở khía cạnh kinh tế. Trước kia, chúng ta thường nghe nói rằng trẻ em Brazil đam mê đá bóng vì đó là lối thoát, là cánh cửa để thoát khỏi nghèo đói. Nhưng kinh tế Brazil giờ phát triển rất mạnh mẽ, người dân Brazil ngày càng giàu. Trẻ em vẫn thích đá bóng, thích xem bóng đá, nhưng các bà mẹ lại muốn con mình học hành đàng hoàng, vào đại học, trở thành kỹ sư, giáo viên hay bác sĩ, chứ không phải cầu thủ chuyên nghiệp.
Không phải vô cớ mà nhiều người dân Brazil biểu tình chống đối chính phủ ném tiền vào World Cup, yêu cầu phải đầu tư cho giáo dục.
Một điều nghe thì có vẻ vô lý, nhưng sau 1 tháng ở Brazil, tôi hiếm khi thấy cảnh trẻ em đá bóng ở đường phố.
Những thống kê đều chỉ ra rằng, số lượng xuất khẩu cầu thủ của Brazil đang giảm dần, dù vẫn là nhiều nhất thế giới. Về chất lượng thì càng giảm.
Suốt mấy chục năm trời, người Brazil tin rằng những thiên tài sẽ xuất hiện từ niềm đam mê của người dân như một điều tất yếu. Sự phát triển theo kiểu tự nhiên ấy đã không còn, những ngôi sao không còn đi lên từ bóng đá đường phố. Nguồn cung cấp tưởng chừng không bao giờ cạn kiệt cuối cùng đã cạn kiệt.
HLV xuất sắc không có. Ngôi sao ngày càng hiếm. Nguồn cung cấp cạn kiệt. Có lẽ sẽ còn rất lâu, bóng đá Brazil mới đứng dậy sau thảm bại 1-7 trước người Đức.
Ở góc nhìn bi quan, tình hình có thể còn tệ hại hơn nữa…
ĐỨC LỘC (Từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất